• Zalo

Cảnh báo đột quỵ ngày nắng nóng: Những ai cần chú ý?

Tư vấnThứ Ba, 21/06/2022 11:26:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nắng nóng gay gắt là lúc bệnh đột quỵ gia tăng, đặc biệt là những người có tiền sử bị tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao.

Ông Nguyễn Văn Hưng (68 tuổi, trú tại Thái Bình) cho biết, gần đây ông hạn chế ra ngoài vào ban ngày vì sợ trời nắng nóng, dễ khiến người có tuổi như ông bị đột quỵ bất ngờ. Ông bị tăng huyết áp hơn 10 năm nay, vẫn đang dùng thuốc điều trị nên huyết áp ổn định hơn. Dù vậy, ông vẫn thấy lo vì hàng ngày phải đưa đón cháu đi học thêm hè.

Theo TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TP.HCM, nhiệt độ nóng quá mức hoặc lạnh quá mức đều gia tăng tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ. Theo nghiên cứu thì so với thời tiết lạnh, thời tiết nắng cực đoan có tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tăng cao hơn.   

Khi thời tiết chuyển nóng đột ngột, các bệnh viện ghi nhận gia tăng người đến nhập viện.

Cảnh báo đột quỵ ngày nắng nóng: Những ai cần chú ý? - 1

Nắng nóng gay gắt là lúc bệnh đột quỵ gia tăng.

TS Cường cho biết, các nghiên cứu chỉ ra nhiệt độ thay đổi đột ngột tăng hoặc giảm 3 độ C thì bệnh nhân đột quỵ sẽ tăng lên.  

Nhiệt độ môi trường thay đổi 3 độ C gây ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất của tế bào trong cơ thể. Cơ thể càng nóng thì cơ thể thoát nhiều mô hôi, lưu lượng tuần hoàn giảm, máu giảm tạm thời, tim đập nhanh, cơ thể tăng trao đổi chất. Nếu bạn không uống đủ nước thì cơ thể cạn kiệt nguồn nước, các bệnh nhân bị choáng, ngất và có thể tử vong. 

Nếu đang trong phòng lạnh đi ra ngoài, môi trường nhiệt độ thay đổi, bạn sẽ mất khoảng thời gian để cơ thể điều chỉnh. Trong phòng điều hoà máu ngoại biên đang co lại, khi bạn ra ngoài nóng đột ngột mạch máu giãn ra, tăng tuyến mô hôi.

Nếu bạn bị bệnh tăng huyết áp cao, mạch máu không co giãn kịp có thể gây đột quỵ. Đặc biệt, khi đi ngoài nóng về nhà mà bạn vào phòng lạnh hoặc tắm ngay dễ nguy cơ bị đột quỵ cao.

Dấu hiệu phổ biến

Với tình hình nhiệt độ ở miền Bắc và miền Trung gia tăng như hiện nay, nhất là nhiệt độ ngoài trời có thể lên cao thì việc phòng chống đột quỵ hết sức quan trọng.  

Yếu cơ mặt, yếu cánh tay và nói khó là những triệu chứng hoặc dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh đột quỵ, nhưng chúng không phải là những dấu hiệu duy nhất.

Những dấu hiệu sau đây của đột quỵ có thể xảy ra riêng biệt hoặc kết hợp với nhau: Yếu hoặc tê hoặc mất cảm giác ở mặt, tay hoặc chân một bên hoặc cả hai bên của cơ thể. Nói khó hoặc khó hiểu. Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc té ngã mà không biết lý do. Mất thị lực, đột ngột bị mờ hoặc giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt; nhức đầu, thường là bị bất chợt và dữ dội hoặc thay đổi chu kỳ nhức đầu mà không giải thích được, nuốt khó. 

Nếu bạn thấy người bên cạnh mình có dấu hiệu đột quỵ, bạn có thể tự nhận biết bằng cách kiểm tra khuôn mặt người bệnh. Miệng của họ có bị xệ xuống không? Họ có thể nhấc cả hai tay lên không? Họ nói có bị líu lưỡi không? 

Phòng tránh thế nào?

BS Cường cho biết khi nhiệt độ nắng nóng, để phòng đột quỵ đặc biệt những người có tiền sử tăng huyết áp, đã bị tai biến mạch máu não, mỡ máu cao, bệnh đái tháo đường, bạn cần bảo vệ mình bằng cách tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Ra đường bạn cần che chắn kỹ lưỡng, điều quan trọng là phải uống nước đầy đủ, mỗi ngày từ 1,5 đến 2 lít nước. 

Với người phải làm việc ngoài trời nắng, để phòng đột quỵ do mồ hôi thoát ra nhiều bạn cần bổ sung nước đặc biệt uống nước khoáng hoặc chanh muối bù điện giải tốt. Người cao tuổi có bệnh tim mạch từng đột quỵ thì không nên ra ngoài nắng sau 10h sáng. Bạn không làm việc hoạt động gắng sức khi cơ thể mệt mỏi, đói, khát khi ở ngoài trời nắng.

Bạn cũng cần chú ý kiểm soát stress, ăn uống lành mạnh (tăng cường trái cây rau quả); ngủ đủ giấc; kiểm soát huyết áp và đường huyết; tránh xa rượu bia; thuốc lá; khám sức khỏe định kỳ. 

Ngọc Hà
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp