(VTC News) - Bạn và gia đình nên đề phòng những tai nạn không mong muốn đang rình rập, nhất là trong dịp Tết đến, xuân về.
1. Hóc hạt dưa, hạt bí
Theo các bác sĩ tai - mũi - họng, hóc xương cá, xương heo, xương gà là những loại hóc thường gặp khi ăn uống. Nhưng khi Tết đến, còn có thêm nhiều loại hóc khác như hóc hạt dưa, hạt hướng dương, hạt bí và các loại hạt trái cây khác như hạt mãng cầu, hạt sapôchê, hạt vú sữa...
Không nên cho trẻ nhỏ tự ăn hạt dưa, hạt bí... vì rất dễ bị hóc. |
Không nên cho trẻ nhỏ tự ăn hạt dưa, hạt bí... vì rất dễ bị hóc, nhất là hạt bị rớt vào đường thở, rất nguy hiểm.
BS Cấn Phú Nhuận, Trưởng Khoa khám bệnh - BV Nhi Trung ương cho biết, Tết năm nào bệnh viện cũng phải tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ nhập viện vì bị tai nạn thương tích. So với ngày thường tai nạn thường tăng rất cao gấp 3 – 4 lần.
2. Ngộ độc thực phẩm
Vào các ngày Tết, việc mua và dự trữ quá nhiều thực phẩm (thịt giò, chả, nem, các loại thuỷ hải sản, các loại bánh kẹo, mứt) gây khó khăn trong việc bảo quản sử dụng, đặc biệt với các thực phẩm chế biến sẵn.
Nhiều hoá chất bảo vệ thực vật tồn dư trong rau quả (phốt pho hữu cơ, clo hữu cơ), chất phụ gia ngoài danh mục cho phép, phẩm màu không rõ nguồn gốc, hàn the trong giò, chả...Nếu sử dụng phải thực phẩm không được kiểm soát, không đảm bảo vệ sinh, rượu giả... thì có thể nhiễm khuẩn, ngộ độc thực phẩm.
Nhiều hoá chất bảo vệ thực vật tồn dư trong rau quả. |
3. Trướng bụng do ăn quá nhiều
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, trẻ bị “bội thực” ngày Tết do ăn uống quá mức chịu đựng của bộ máy tiêu hóa cũng dễ gặp. Nhiều cháu vào viện trong tình trạng bụng trướng lên, đau dữ dội.
Nguyên nhân do trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo, hoa quả. Trẻ chỉ ăn kẹo ngọt nhiều kể cả khi đói nên rất nhiều trẻ bị đầy bụng, thậm chí có bé bị đau quằn quại do bị giun. Không những thế, việc ăn quá nhiều kẹo có thể làm tăng đường huyết bất thường dẫn đến đi tiểu nhiều và mất nước. Mặt khác, khi đã ăn kẹo nhiều thì trẻ thường lại không ăn cơm nên lượng đường tăng mà trẻ lại bị thiếu hụt các chất khác.
4. Ngộ độc rượu
Do rượu bia, vốn luôn có mặt trong các bữa ăn, bữa nhậu ngày tết. Rất nhiều loại rượu có nhãn mác nước ngoài rất khó kiểm soát thật giả, chất lượng cũng khó biết, chưa kể các loại rượu do dân tự nấu không đảm bảo vệ sinh, rất dễ gây ngộ độc.
Ngộ độc rượu không chỉ gây hại cho sức khoẻ mà có thể gây tử vong. |
Ngộ độc rượu không chỉ gây hại cho sức khoẻ mà có thể gây tử vong bệnh nhân hôn mê sâu, hạ đường huyết, tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim và xa hơn là tàn phá dần gan của người quen uống rượu.
5. Cẩn thận với điện, nước nóng
Ngày Tết trẻ có thể bị bỏng điện, bỏng nước chỉ vì môt phút sơ sẩy, lơ là của người lớn. Những vật dụng trang trí nhà cửa ngày tết như đèn nhấp nháy luôn rất hấp dẫn trẻ. Vì thích, tò mò nên trẻ luôn tìm, với nghịch chúng, nếu chẳng may dây điện hở sẽ bị giật ngay.
Phích nước, ấm trà nóng cũng luôn là mối nguy hiểm với trẻ. Trẻ em vốn rất hiếu động, tò mò, luôn muốn với, khám phá mọi thứ. Nhất là với những trẻ đã chập chững biết đi, biết chạy nhảy thì đây lại càng là mối nguy cho trẻ.
Hãy luôn để mắt đến trẻ trong ngày Tết. |
Vì thế, hãy luôn để mắt đến trẻ. Nếu chẳng may trẻ bị bỏng cần nhanh chóng dùng nước lạnh dội liên tục vào vùng phỏng ít nhất 15 phút. Sau đó, đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không dùng nước mắm, mật ong hoặc các phương thức dân gian để sơ cứu bỏng.
6. Cảm lạnh
Thời tiết ngày Tết thường rét đậm nên khi đi chơi xuân không chỉ khiến trẻ em mà người lớn cũng rất dễ bị nhiễm lạnh. Từ đó có thể dẫn đến nhiễm khuẩn hô hấp cấp, biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa, nhiễm trùng huyết.
7. Tổn thương mắt do trò chơi
Dịp Tết, trẻ em thường nhận được nhiều quà, trong đó có cả súng đồ chơi, phi tiêu và dụng cụ thể thao… là những thứ dễ gây tổn thương. Vì vậy, cha mẹ cần tránh mua đồ chơi có những chi tiết nhọn, nhô ra hoặc có thể bắn được; luôn để mắt đến trẻ khi chúng chơi những đồ chơi hoặc những trò chơi có nguy cơ gây chấn thương
Thu Hằng TH
Bình luận