Cái tôi cá nhân không đồng nghĩa với bảo thủ
Trong công việc, mỗi người đều có quyền đưa ra quan điểm và bảo vệ quan điểm của riêng mình. Đây cũng là đặc điểm mà mỗi ứng viên có thể sử dụng để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng khi tìm kiếm việc làm ở Hải Phòng, Bắc Ninh hay Hà Nội… bởi cái tôi cá nhân sẽ cung cấp thêm nhiều góc nhìn, nhiều phương án khác nhau, góp phần tháo gỡ những nút thắt để công việc được triển khai thuận lợi và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn giữa cái tôi cá nhân với bảo thủ. Khoảng cách giữa 2 khái niệm này rất mong manh, nếu bạn không có khả năng kiểm soát tốt thì những lời nói, hành động và thái độ của bạn sẽ dần chuyển hóa thành cứng nhắc.
Biểu hiện của sự bảo thủ là tự cho rằng mình luôn đúng, cố chấp bảo vệ quan điểm của bản thân, bỏ ngoài tai và phản bác một cách gay gắt những ý kiến bất đồng của đồng nghiệp mà không cần xem xét đúng – sai, phù hợp hay không phù hợp. Sự bảo thủ không cho phép bạn nhận lỗi sai về mình, từ đó những cuộc tranh luận với mục đích góp ý, xây dựng bị biến tướng thành những trận cãi vã không hồi kết.
Sự bảo thủ giống như “sợi dây trói buộc sự tiến bộ”, khiến không khí làm việc trở nên căng thẳng, các mối quan hệ giữa con người với con người trở thành bất hòa, dẫn đến công việc bị đình trệ, rơi vào bế tắc. Đặc biệt, người bảo thủ sẽ dần đẩy bản thân xa rời với tập thể bởi vì không một ai sẵn lòng hợp tác hay kết bạn với một người bảo thủ.
Cái tôi cá nhân phải dung hòa với lợi ích tập thể
Lãnh đạo của bạn thường yêu cầu bạn phải quyết liệt nhưng nếu bạn quá quyết liệt, có khả năng bạn sẽ khiến sếp mếch lòng.
Trong công ty, người lãnh đạo cao nhất luôn là người có quyền đưa ra quyết định sau cùng và đôi khi, quyết định của sếp hoàn toàn bất đồng với đề xuất của bạn. Không phải vì sếp không coi trọng bạn mà có thể vì tầm nhìn của bạn chưa đủ bao quát và bạn chưa thể lường trước mọi tình huống có thể xảy ra để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho công ty.
Cái tôi cá nhân nên thể hiện trước khi các quyết định được đưa ra, mang ý nghĩa đóng góp xây dựng, tham mưu cho ban lãnh đạo.
Một khi lãnh đạo đã đưa ra quyết định sau cùng, thiết nghĩ bạn không nên tiếp tục phản bác, bảo vệ quan điểm của mình đến cùng bởi vì cái tôi cá nhân ở thời điểm đó không thể giúp bạn thay đổi bất cứ điều gì, chỉ biến bạn thành một người cố chấp, bảo thủ và khiến sếp của bạn nhìn bạn bằng một thái độ khác mà thôi.
Người biết dung hòa cái tôi cá nhân và lợi ích tập thể là người luôn sáng suốt, công bằng, biết phân định đúng - sai, phải - trái, thiệt – hơn để biết đâu là điểm dừng và không bao giờ vượt quá giới hạn.
Mạnh dạn đưa ra ý kiến riêng, thể hiện quan điểm và phong cách của bản thân đồng thời lắng nghe và tôn trọng ý kiến của tập thể là cách làm việc của những người chuyên nghiệp. Nên nhớ, việc nhận sai và sửa sai không phải đánh mất lập trường mà đang giúp bạn bồi dưỡng nên tinh thần cầu thị và biết hòa mình vào tập thể.
Nói như vậy không có nghĩa sếp bảo bạn đi hướng A thì bạn nhất định phải đi hướng A mà không có quyền bày tỏ ý kiến hay đưa ra những quan điểm bất đồng. Khi cảm thấy có điều không thỏa đáng, hãy trao đổi trực tiếp với lãnh đạo để điều chỉnh lại nếu có thể. Nhưng hãy bày tỏ quan điểm của mình bằng một thái độ đúng mực, khiêm nhường và luôn thể hiện sự kính trọng.
Cái tôi cá nhân trong công việc tuyệt đối không nên bỏ, cũng không nên khư khư giữ lấy mà cần được thể hiện đúng lúc, đúng chỗ và đặc biệt phải dung hòa với lợi ích của tập thể. Hãy thẳng thắn bày tỏ và bảo vệ quan điểm của bản thân nếu đó là điều thực sự cần thiết để mang lại hiệu quả công việc cao hơn, giúp công ty phát triển tốt hơn.
Bình luận