(VTC News) - Danh sách mới nhất các đội bóng châu Âu vi phạm Luật công bằng tài chính, đã một lần nữa chứng minh những điều bất công của bộ luật này.
Hôm 27/2, ban kiểm soát tài chính của UEFA (CFCB) đã xử phạt hành chính với 4 CLB vi phạm Luật công bằng tài chính (FFP). Danh sách này bao gồm những đội bóng nhỏ, Hull City, Panathinaikos, Hapoel Tel-Aviv và Ruch Chorzow.
Sự việc này một lần nữa đã minh chứng sự bất công và đào sâu thêm khoảng cách giàu - nghèo của bộ Luật công bằng tài chính. Bởi, những CLB nhỏ, ít danh tiếng khó lòng mà thực hiện được những điều mà các CLB lớn đã, đang làm sau đây.
'Lợi ích nhóm'
Phần lớn các CLB châu Âu hiện tại đều đang hoạt động với mô hình doanh nghiệp, tập đoàn, ẩn dưới hình thức tài sản sở hữu cá nhân. Vì thế bóng đá, thậm chí chỉ ở riêng khía cạnh thành tích trên sân cỏ, như một “công ty con” trong nhiều “công ty con” cùng một “mẹ” khác. Từ đó dẫn đến hình thành “lợi ích nhóm” và điều tiên quyết với các đội bóng là phải có “mẹ” cực giàu.
Mà điều này thì FFP không thể ngăn cấm vì trách nhiệm kinh tế, dân sự vượt quá sự “cai quản” của UEFA - một liên đoàn bóng đá.
Man City và nhà tài trợ là hãng hàng không Etihad thực chất cùng một 'mẹ' |
Điển hình như việc FFP không thể làm gì trước việc Man City nhận tài trợ kỉ lục - 400 triệu Bảng/10 năm từ hãng hàng không Etihad. Trong khi, “sáng hơn cả mặt trời” là Etihad đến từ tiểu quốc Abu Dhabi - nơi ông chủ Sheikh Mansour của Man City làm hoàng thân.
Khía cạnh khác, thêm lí do FFP không thể đả động gì đến Man City còn là vì số tiền tài trợ kỉ lục trên còn có những khoản “có ích”, khá mập mờ với cái danh đầu tư cho công tác đào tạo trẻ.
Có nhiều CLB đã chọn con đường như Man City - kém danh tiếng bỗng lên tầm đại gia, nhưng hầu như đều hụt hơi hoặc làm nửa vời vì cuộc chơi gần như phụ thuộc chính vào độ sâu của những túi tiền. Ví như QPR với ông chủ Tony Fernandes hồi năm 2011, những lần vung tiền của họ chỉ đủ mang về những ngôi sao tầm trung hoặc quá đát. Để rồi, đâu vẫn hoàn đấy, QPR vẫn là một đội bóng nhỏ.
‘Bom tấn’ vẫn mặc sức nổ
Có thể khẳng định rằng, việc UEFA reo giắc hi vọng FFP sẽ khiến thị trường chuyển nhượng trở nên công bằng hơn, nói thẳng là ít “bom tấn”, dường như chỉ là điều hão huyền. Bởi lẽ, các quy định trong bộ luật dày 90 trang có yêu cầu khá đơn giản cho những đội bóng lớn, là hòa vốn.
Ví dụ, Man Utd chiêu mộ Angel Di Maria với giá 59.7 triệu Bảng, chi trả lương 200 nghìn Bảng/mùa trong 5 năm thì, Man Utd sẽ chỉ phải chịu chi phí có 22.34 triệu Bảng. Bởi, theo quy định hòa vốn, chi phí mỗi năm mà CLB bỏ ra cho một cầu thủ sẽ bằng, phí chuyển nhượng chia số năm hợp đồng, cộng tiền lương 1 năm. Với trường hợp cầu thủ “cây nhà lá vườn” sẽ không có phí chuyển nhượng.
Chelsea vừa kí bản hợp đồng tài trợ áo đấu đắt giá thứ nhì Premier League - 40 triệu Bảng/năm |
Và như vậy, số tiền 156.2 triệu Bảng ở kì chuyển nhượng hè 2014-15 mà Man Utd đã bỏ ra để mang về Di Maria, Shaw, Herrera, Rojo, Blind và Falcao (mượn), thực chất chỉ được tính 79.4 triệu Bảng trong kê khai của FFP về số tiền Man Utd chi cho chuyển nhượng mùa 2014-15.
Rốt cuộc, chỉ tính riêng bản hợp đồng tài trợ khoảng 56 triệu Bảng/năm với Chervolet bắt đầu ở mùa giải này, Man Utd đã phần nào yên tâm trong việc đảm bảo cân đối thu-chi. Trong tương lai HLV Louis Van Gaal vẫn có thể bạo chi xây dựng đội hình khi ở mùa 2015-16, Quỷ đỏ bắt đầu có thêm khoảng 75 triệu Bảng/năm từ Adidas. Đấy chỉ là những con số được công khai và còn rất mập mờ ở các báo cáo ngân sách.
“Bom tấn” vẫn nổ khiến các CLB yếu tiềm lực tài chính luôn luôn đứng trước tình trạng bị rút ruột không thương tiếc. Điển hình rõ ràng nhất là Dortmund và Atletico Madrid. Đội hình của cả hai sau những lần khuynh đảo châu Âu đều chia tay vài trụ cột. Như Dortmund với Mario Gotze và theo sau là Lewandowski, còn Atletico với Diego Costa và Felipe Luis, về tay lần lượt Bayern Munich và Chelsea.
Hoàng Tùng
Bình luận