Việc bày mâm ngũ quả ngày Tết mang ý nghĩa bày tỏ tấm lòng thành kính với các bậc tổ tiên, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Quả cũng tượng trưng cho thành quả lao động cả năm của con cháu dâng lên các bậc bề trên.
Việc lựa chọn 5 loại quả bày lên mâm ngũ quả tùy thuộc vào quan niệm văn hóa cũng như đặc trưng về sản vật của các vùng miền. Mỗi loại quả có những ý nghĩa riêng, thể hiện qua hình dáng, hương vị, màu sắc hay thậm chí là cả cách đọc tên.
So với các vùng miền khác, người miền Bắc có nhiều lựa chọn hơn trên mâm ngũ quả, thậm chí có thể không giới hạn chỉ 5 loại đặt trên một mâm. Chuối, bưởi, Phật thủ, cam, quất, đào, hồng, táo, lựu... là những loại quả phổ biến trên mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Bắc.
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Bắc
- Nải chuối hoặc quả Phật thủ: Hình dáng giống như bàn tay, thể hiện sự che chở. Ngoài ra quả Phật thủ cũng mang ý nghĩa tâm linh.
- Bưởi, cam: Biểu trưng cho sự tròn vẹn, hứa hẹn năm mới tốt lành, phúc lộc viên mãn.
- Quất: Thể hiện sự sung túc, đa lộc.
- Đào, hồng: Mang sắc hồng, đỏ đại diện cho sự may mắn, thành đạt.
- Táo: Phú quý.
- Lựu: Biểu trưng con đàn cháu đống.
Ngoài ra màu sắc của mỗi loại quả cũng tương ứng với các hành trong thuyết Ngũ hành. Tuy nhiên cách bày mâm ngũ quả ở miền Bắc không nhất thiết phải có đủ cả 5 nguyên tố kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Bắc
Nải chuối, nhất định phải màu xanh, là không thể thiếu và luôn được bày ở dưới cùng, giống như bàn tay nâng đỡ tất cả các loại quả còn lại. Hình dáng nải chuối và cách bố trí này thể hiện sự chở che. Chính giữa và nhô cao nhất là quả bưởi hoặc Phật thủ.
Những loại quả khác nhỏ hơn được bày xen kẽ bên cạnh, tạo thành dáng chóp hài hòa về màu sắc và bố cục.
Việc bày mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Bắc cần tránh một số sơ suất. Ví dụ như khi để đọng nước sau khi rửa, khiến quả nhanh hỏng, hoặc khi mua sớm lại chọn quả chín đẹp nên không để được lâu.
Bình luận