Giới nghệ sỹ được tung hô quá mức nhưng chỉ ở hình thức bên ngoài, từ trang phục đến xe, nhà tạo nên sự nhàm chán.
Nhìn trong phạm vi khi nhạc trẻ Việt Nam chiếm được ưu thế trên các diễn đàn và sóng truyền hình, nhiều lớp ca sỹ đã khẳng định được tên tuổi của họ nhưng đến hôm nay, để giữ được vị trí hoàng kim gần như là chuyện không thể.Nở rộ từ phong trào tẩy chay nhạc hải ngoại, trào lưu ưa chuộng và nghe nhạc trong nước nhiều hơn đã làm nảy sinh một giai đoạn đến hôm nay vẫn không thể tìm thấy được. Đó chính là 10 năm vàng son của các ca sĩ nhạc nhẹ, tạm tính từ 1990 đến 2000.
Nhiều cái tên thành công nhanh chóng, bài hit được tạo ra liên tục không lặp lại như: Lam Trường, Phương Thanh, Thu Phương, nhóm Tam ca áo trắng, Cẩm Ly, Đan Trường... Tuy nhiên, tuổi thọ sự nghiệp của họ có thể dài, nhưng dấu son hoàng kim của những cái tên này gần như chỉ ở đỉnh cao một thời điểm nhất định.
Lam Trường - Phương Thanh thời của những năm 2000 đình đám
Và bây giờ sức nóng của họ mỗi người khác nhau
Như ca sỹ Lam Trường, sau một thời gian vắng bóng, anh cũng thật sự chật vật để tìm lại vị trí ngày xưa qua nhiều album, MV được phát hành liên tục.
Bên cạnh đó, sự kết hợp với Phương Thanh trong MV Tha lỗi cho nhau cũng chỉ giúp hai ca sỹ gạo cội này tạo nên một sự thú vị ở khán giả hơn là tạo nên đỉnh cao mới trong sự nghiệp của cả hai.
Ca sỹ Phương Thanh có vẻ khả quan hơn khi bất ngờ ra album Chanh Bolero, sau đó quay trở lại với Rock trong sản phẩm mang dấu ấn riêng Mèo hoang.
Với Phương Thanh, không ít lần chị cho rằng mình đã qua cái thời phải làm gì đó thật sự nổi trội hay bốc đồng, mà ngay lúc này chị muốn âm nhạc của mình là riêng cho tâm hồn mình nhiều hơn, hát những gì thật sự phù hợp và yêu thích...
Đó chính là xu hướng hướng nội của nhiều ca sỹ có thể tạm gọi độ hot của họ không còn như xưa, nhưng nhìn ở góc độ cá nhân, giữ được phong độ trong từng sản phẩm cũng là đáng quý.
Những nhóm ca như Tam ca áo trắng một thời đình đám giờ chỉ còn là dĩ vãng
Sự thật phũ phàng là khán giả trong nước thường ưa chuộng cái mới, tức thời nhiều hơn là duy trì một thói quen yêu thích hàng chục năm. Nhìn vào thực tế của lớp ca sỹ nhạc nhẹ vừa qua, từ năm 1990 đến nay, rất nhiều cái tên gần như mất tích hẳn trong đời sống âm nhạc dù trước đó họ rất thành công như: Tam ca Áo trắng, Ngọc Linh, nhóm Mắt Ngọc, HAT...
Không hẳn sự mất tích ấy hoàn toàn do khán giả, nếu có album, hoạt động âm nhạc đều đặn thì vẫn có thể được nhắc đến, không nhiều thì ít. Nhưng khi nhìn vào sự thay đổi đến chóng mặt của những trào lưu mới, xu hướng Kpop, C-pop... đã chiếm lĩnh hầu hết các phong cách của giới trẻ, ca sỹ trẻ đã tạo nên sự e ngại của nhiều ca sỹ khi muốn duy trì một thói quen nghe nhạc nào đó trong thị trường này.
Vừa qua, sự xuất hiện của danh ca Bạch Yến đã bước qua tuổi 70 trên sân khấu ca nhạc Dấu ấn, bên cạnh lớp ca sỹ con cháu là Hiền Thục đã phản ánh thực tế hơi chua xót về tuổi thọ vinh quang, đỉnh cao của ca sỹ trong nước. Liệu đến cái tuổi thất thập cổ lai hy đó, diva Thanh Lam có còn được sự ủng hộ của khán giả, một Mỹ Linh hay Hồng Nhung đủ khán giả để yêu mến họ hay không?
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, ít ra nó phụ thuộc rất nhiều vào những gì mà ca sỹ ấy đang vạch ra cho chính họ. Nhưng dường như, showbiz Việt đang thiếu một môi trường đủ lành mạnh để các ca sĩ duy trì cho họ một niềm đam mê lao động nghệ thuật đủ lâu và tăng theo cùng số tuổi của họ.
Các giải thưởng ngày càng manh mún, chia nhỏ, sự ghi nhận chủ yếu dựa vào bình chọn cảm tính của khán giả. Các sản phẩm âm nhạc được làm ra chưa có những bình luận đúng nghĩa, giới nghệ sỹ được tung hô quá mức nhưng chỉ ở hình thức bên ngoài, từ trang phục đến xe, nhà. Đó cũng là một trong các yếu tố tạo nên sự nhàm chán dần cái gọi là nghệ sỹ chân chính.
Thay vì chỉ chú trọng, tôn vinh các sáng tạo nghệ thuật, khán giả lại chỉ mong thấy được sơ hở của họ ở phát ngôn, soi mói đời sống hôn nhân riêng và đặc biệt cả chuyện giới tính nhạy cảm... Liệu với một showbiz như vậy, thì chỗ nào sẽ dành cho nghệ thuật và giá trị của sự sáng tạo? Do đó, khó khăn duy trì thời kỳ đỉnh cao cũng là chuyện không thể tránh khỏi.
'Dân số trẻ' trong giới ca sỹ chưa hẳn là một tín hiệu vui cho làng nhạc Việt. Nó chỉ phản ánh được bề nổi về sự yêu thích trở thành ca sỹ của các bạn trẻ hôm nay. Nhưng đồng thời, che giấu đằng sau đó chính là thiếu vắng đi những tên tuổi có thể được đánh giá là đỉnh cao, lão làng trong nhạc Việt.
Khi mà niềm đam mê âm nhạc, tinh thần sáng tạo chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào sự yêu thích nhất thời của khán giả thì đó là dấu hiệu cho thấy nhạc Việt đang mất dần các giá trị cốt lõi để nó đủ sức tồn tại và tạo nên những tên tuổi dài lâu.
Theo Khám phá
Bình luận