• Zalo

‘Cá mập’ Vinaconex báo lãi nhờ 'ăn thịt' con

Kinh tếThứ Sáu, 04/04/2014 06:43:00 +07:00Google News

(VTC News) – Năm 2013, Vinaconex báo lãi nhờ bán Xi măng Cẩm Phả cho “nhà giàu” Viettel, nhưng “cá mập” này liệu có thực sự khỏe khi đang phải ồ ạt bán con.

(VTC News) – Năm 2013, Vinaconex báo lãi nhờ bán Xi măng Cẩm Phả cho “nhà giàu” Viettel, nhưng “cá mập” này liệu có thực sự khỏe khi đang phải ồ ạt bán con.

Ẩn số lãi thực

Năm 2013, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã: VCG) công bố đạt 550 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 6,8 lần so với năm 2012 (80,4 tỷ đồng). Đây là mức tăng trưởng vượt trội so với các doanh nghiệp xây dựng – kinh doanh bất động sản khác.

Vinaconex
Vinaconex ồ ạt rút khỏi các dự án 
Trong khi đó, hiệu quả hoạt động kinh doanh chính của VCG có dấu hiệu đi xuống ở cả 3 mảng (Xây lắp, Bất động sản và Sản xuất công nghiệp) sau khi tỷ suất lãi gộp đều giảm trong năm 2013.


Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2013 cho thấy, năm 2014 VCG ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 11.345,1 tỷ đồng, giảm 1.320,3 tỷ đồng so với năm 2012. Trong cơ cấu doanh thu, lĩnh vực xây lắp vẫn chiếm 60% cơ cấu doanh thu; Sản xuất công nghiệp chiếm 23% và bất động sản chiếm 9% so với mức 14% năm ngoái.

Trong 1.550 tỷ đồng lợi nhuận gộp, hoạt động xây lắp đóng góp 36%, lợi nhuận bất động sản và sản xuất công nghiệp suy giảm trong khi lợi nhuận khác tăng mạnh, đạt 425 tỷ đồng (chiếm 27%).

Trong khi đó, kết quả kiểm toán (do Deloitte Việt Nam thực hiện) công bố mới đây cho thấy một con số hoàn toàn khác, có sự chênh lệch lớn về số liệu kết quả kinh doanh 2013 như VCG công bố.

Cụ thể, doanh thu thuần 2013 giảm hơn 240 tỷ đồng còn 11.104 tỷ đồng. Điều này khiến lãi gộp của công ty giảm 105 tỷ đồng còn 1.445 tỷ đồng. Chi phí tài chính sau kiểm toán tăng mạnh thêm 170 tỷ đồng lên 839 tỷ đồng và chi phí quản lý cũng tăng mạnh thêm 96 tỷ đồng lên 616 tỷ đồng…

Tuy chi phí tăng nhưng bù lại hạng mục lợi nhuận khác lại được ghi nhận thêm hơn 330 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty giảm 27 tỷ đồng so với trước kiểm toán, còn 523 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty giảm đến hơn 50 tỷ đồng, còn 496 tỷ đồng.

Như vậy, so với báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và lũy kế năm 2013 (chưa kiểm toán) mà VCG với lợi nhuận sau thuế của Công ty là 550 tỷ đồng, thì con số kiểm toán mới này cho thấy lợi nhuận thực sự của VCG chỉ là 496 tỷ đồng.

Phần lớn lợi nhuận của VCG đến từ việc chuyển nhượng 70% cổ phần tại Công ty Cổ phần Xi Măng Cẩm Phả (XMCP) cho Tập đoàn Viettel.

Nợ lớn

Năm 2013, mặc dù đã giảm được hơn 5.516 tỷ đồng nợ phải trả so với cuối năm 2012, nhưng VCG vẫn ôm một khoản nợ lên tới hơn 16.011 tỷ đồng. So với quy mô vốn chủ sở hữu, tổng nợ phải trả gấp 2,84 lần.

Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 2.646 tỷ đồng, bao gồm: vay ngân hàng (1.982 tỷ đồng), vay tổ chức và cá nhân khác (350 tỷ đồng) và 314 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn phải trả.

Nợ vay dài hạn là 3.838 tỷ đồng, bao gồm: vay tại công ty mẹ là 1.611 tỷ đồng và tại các công ty con là 2.541 tỷ đồng, trong số này, nợ đến hạn là 314 tỷ đồng.

VCG có một khoản vay hơn 1.000 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội mà không có thuyết minh chi tiết về lãi suất. Gần đây nhất trong báo cáo tài chính năm 2010,
VCG cho biết khoản vay này có lãi suất 0%/năm.

Nỗi ám ảnh mang tên “Xi măng Cẩm Phả”

Với việc bán 70% cổ phần tại Công ty Cổ phần Xi Măng Cẩm Phả cho Tập đoàn “nahf giàu” Viettel, dường như VCG đã trút được một gánh nặng lớn.

Theo tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2013 mà Vinaconex gửi các cổ đông hồi đầu năm, Xi măng Cẩm Phả trong quá khứ thực sự là gánh nặng tài chính của Tổng công ty.

Chi phí lãi vay lớn, dù năm 2012 đã giảm về mức 599 tỷ đồng so với năm 2011 là 640 tỷ đồng, nhưng do hoạt động ngành xi măng gặp khó, thu nhập trước lãi vay và khấu hao của công ty này chỉ đạt 396 tỷ đồng, nên năm 2012, Xi măng Cẩm Phả vẫn lỗ.

Đến hết năm 2012, lỗ lũy kế của Xi măng Cẩm Phả là 1.588 tỷ đồng, chưa bao gồm lỗ chênh lệch tỷ giá 213 tỷ đồng, khiến Xi măng Cẩm Phả đã khó khăn, càng khó khăn hơn.

Đến đầu năm 2013, tổng số tiền mà Tổng công ty Vinaconex đã phải trả nợ thay cho Xi măng Cẩm Phả lên tới 2.393 tỷ đồng, trong khi bản thân Vinaconex cũng chịu sức ép khá lớn về dòng tiền, do thị trường bất động sản trầm lắng.

Xi măng Cẩm Phả lỗ, hệ lụy rõ ràng nhất là Vinaconex theo đó cũng phải hạch toán một khoản lỗ rất lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của Vinaconex trong mắt nhà đầu tư.

Với việc bán con cho Tập đoàn “nhà giàu” Viettel, rõ ràng VCG cũng như trút được một gánh nặng khi chỉ còn sở hữu 30% vốn điều lệ Xi măng Cẩm Phả. Điều này cũng có nghĩa VCG sẽ chỉ phải hạch toán một khoản lỗ nhỏ hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.

Điểm thứ hai đáng quan tâm là Vinaconex sẽ thu hồi được công nợ từ Xi măng Cẩm Phả và giảm áp lực tài chính từ nghĩa vụ bảo lãnh nợ.

Bán nợ lại cho Viettel, một tập đoàn “nhà giàu”, Vinaconex dường như ngay lập tức thoát được nỗi ám ảnh mang tên Xi măng Cẩm Phả .

Ồ ạt bán con

Việc bán vốn ồ ạt tại các dự án từng được coi là “gà đẻ trứng vàng” tại Hà Nội làm nảy sinh câu hỏi: Phải chăng tình hình tài chính của con "cá mập" này đang hồi nguy cấp?

Dự án bất động sản đầu tiên mà VCG phải bán là Khu đô thị Park City (vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng) tại Hà Đông, Hà Nội. Trong thương vụ này, Vinaconex chuyển nhượng 3,75 triệu cổ phiếu (tương đương 25% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Vinaconex Hoàng Thành, chủ đầu tư Dự án Park City tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho Công ty Perdana (thuộc Samling, tập đoàn khai thác gỗ lớn nhất của Malaysia). Sau khi chuyển nhượng, Park City trở thành dự án 100% vốn nước ngoài thuộc Perdana.

Một dự án bất động sản khủng khác được Vinaconex rao bán là Splendora tại Hoài Đức (Hà Nội).

Từ đầu năm 2013, Vinaconex đã “đánh tiếng” bán lại phần góp vốn của Tổng công ty (tương đương 50% vốn điều lệ) tại Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh - Splendora).

Đây là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị cao cấp kết hợp trung tâm, văn phòng thương mại nằm ở phía Tây Thủ đô, thuộc huyện Hoài Đức. Khu đô thị có tổng diện tích 246 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, nhưng sau 1 năm thông báo, vẫn chưa có đơn vị nào nhận chuyển nhượng cổ phần tại An Khánh JVC của Vinaconex.

Gần đây nhất, VCG tiếp tục khiến nhiều người đặt dấu hỏi về năng lực tài chính khi bán hết 10,2 triệu cổ phiếu CTCP Bê Tông&XD Vinaconex Xuân Mai, tương đương 51% vốn điều lệ cho công ty TNHH Khải Hưng.

Công ty cổ phần Bê tông&Xây dựng Vinaconex Xuân Mai là đơn vị thành viên của VCG. Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013: doanh thu 349 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 21 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 17 tỷ đồng).


Hiện VCG vẫn đang sở hữu hàng loạt dự án bất động sản quy mô lớn khác như: KĐT Nam cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng), với vốn đầu tư 1.245 tỷ đồng; Cát Bà Anmatina (Hải Phòng) quy mô 1 tỷ USD; Khu phức hợp 423 Minh Khai (Hà Nội) với vốn đầu tư 1.774 tỷ đồng; Dự án khu đô thị 215 ha tại xã Tây Mỗ và Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội) quy mô 6.000 tỷ đồng, trong đó Vinaconex góp 26% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, để phát triển các dự án này, VCG sẽ cần đến nguồn vốn hàng chục nghìn tỷ đồng trong tương lai. Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn chưa mấy khởi sắc như hiện nay, việc giải bài toán vốn đầu tư đối với tổng công ty này chắc chắn sẽ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn