(VTC News) – Lãnh đạo EVN đáng ra phải phân tích chi tiết khi công bố mức lương cán bộ để người dân chia sẻ và thông cảm với ngành điện. Thực tế, với lương 7,3 triệu đồng thì phụ cấp cho cán bộ ngành điện đã lên tới 1,9 triệu, còn thu nhập ròng chỉ là 5,4 triệu đồng.
| |
Ông Vũ Huy Hoàng |
25% lương EVN là tiền phụ cấp
Đơn cử, năm 2010 quyết định 4703 của Bộ Lao động & Thương binh xã hội ngày 29/12 quy định, với viên chức công ty mẹ đơn giá sản xuất kinh doanh điện là 5.434 đồng/kw/h. Nếu bán vượt 120% vẫn giữ đơn giá đó, nếu vượt 130% thì phần vượt sẽ được tính bằng 50% đơn giá. Đối với công ty thành viên, tập đoàn xây dựng phương án tiền lương báo cáo Bộ và Bộ Tài chính.
“Vì vậy, căn cứ vào đâu nói lương thấp, hay cao; phải đánh giá phát biểu dựa trên 3 yếu tố: So sánh mức thu nhập bình quân của cả nước; thứ 2 là so sánh cùng loại hình kinh doanh; thứ 3 là so sánh cùng loại hình nhà nước. Nếu nói câu đơn giản thấp cao là không đủ cơ sở”, Bộ trưởng Hoàng kết luận.
Bộ trưởng Hoàng cũng nói: Đáng ra EVN khi công bố thông tin thì cần phân tích chi tiết để tạo thuận lợi cho dư luận đánh giá, chia sẻ. Thực tế, trong đơn giá, phụ cấp ngành điện được chiếm 25% lương như phụ cấp hưởng an toàn điện, phụ cấp thu hút... Như vậy, nếu lương 7,3 triệu đồng thì phụ cấp cho cán bộ ngành điện đã lên tới 1,9 triệu, còn thu nhập ròng chỉ là 5,4 triệu đồng.
Cũng thẳng thắn như Bộ trưởng Huệ, Bộ trưởng Hoàng thừa nhận, “Hiện tượng ép giá là có và các hợp đồng mua bán điện đó rơi vào 1 số dự án điện độc lập bán, dẫn đến tình hình kinh doanh khó khăn của các dự án này”.
Mổ xẻ về nguyên nhân các dự án điện độc lập này gặp khó khăn, Bộ trưởng Hoàng cho biết có 3 lý do.
Thứ nhất, các dự án điện độc lập là dự án có quy mô nhỏ, trong đó phần lớn là các dự án điện có công suất dưới 30 MW.
Thứ hai, các dự án điện độc lập này hầu hết là dự án mới được xây dựng và lại rơi trúng vào các năm gần đây khi mà tình hình kinh doanh vô cùng khó khăn.
Thứ ba, việc lỗ trong việc tính giá bán ra của các nhà máy điện này là do chênh lệch tỉ giá, lãi suất vay ngân hàng để đầu tư chi phí sản xuất tăng cao. Ngoài ra các dự án thuỷ điện nhỏ phụ thuộc nhiều vào lượng nước về, mà những năm vừa rồi, tình hình nước là rất khó khăn.
“Tổng hoà các lí do đó đã khiến cho các dự án điện độc lập kinh doanh không thuận lợi. Thêm vào đó, điểm bất lợi cho các doanh nghiệp bán điện này là hợp đồng của DN với EVN là loại hợp đồng không có điều chỉnh giá trong suốt quá trình thực hiện nên phần khó khăn thuộc về các dự án”, Bộ trưởng Hoàng kết luận.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoàng cũng nói rằng, những khó khăn này của các dự án điện độc lập thì Bộ Công thương đã nghiên cứu và ban hành thông tư 41 có hiệu lực thi hành từ 28/1/2011, yêu cầu EVN cùng với các chủ dự án này xem xét lại các hợp đồng tính đến các yếu tố khách quan và các chi phí đầu vào khác. Nếu thấy có biến động lớn thì phải điều chỉnh chứ không thể để kéo dài.
“Với các hợp đồng đang đàm phán phải theo thông tư, các hợp đồng này đang được EVN triển khai nhưng quả thực không nhanh, Bộ Công thương sẽ kiểm tra việc này và báo cáo Quốc hội”, Bộ trưởng Hoàng nói.
Xăng dầu: “Không có sự không minh bạch rõ ràng”
Về việc lỗ, lãi của Petrolimex, Bộ trưởng Hoàng nói thêm: Petrolimex được kinh doanh 5 lĩnh vực gồm: kinh doanh xăng dầu; kinh doanh sản phẩm hóa dầu, khí hóa lỏng; kinh doanh vận tải xăng dầu; ngân hàng, bảo hiểm; và dịch vụ phục vụ xăng dầu. Tuy nhiên, hoạt động ngoài ngành được hạch toán độc lập, không được tính bù vào hoạt động lỗ lãi kinh doanh xăng dầu.
Khi công bố Petrolimex đã trình bày không rõ nên mới có những thắc mắc.
“Về tổng thể Petrolimex vài năm gần đây với cả 5 loại hình thì 3 năm gần đây là kinh doanh có lãi, nhưng kinh doanh xăng dầu thì lỗ. Khi được phép IPO, tính toàn bộ hoạt động tài chính kinh doanh thì phải công bố là lãi. Không có sự không minh bạch rõ ràng ở đây”, Bộ trưởng Hoàng khẳng định.
Hiếu Anh
Bình luận