Ngày 29/5, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo một số bộ, ngành báo cáo các vấn đề cụ thể về ngân sách mua vaccine, vật tư, thiết bị y tế, ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn thông tin, ngân sách nhà nước đã bố trí 13.400 tỷ đồng cho việc mua vaccine phòng COVID-19.
Tuần tới, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn về quy chế hoạt động Quỹ vaccine, trước mắt có thể huy động được ngay 3.000 tỷ đồng gồm có 1.000 tỷ đồng đã được ủng hộ qua Bộ Y tế, 1.000 tỷ đồng qua Mặt trận Tổ quốc. Các các doanh nghiệp nhà nước cũng sẵn sàng đóng góp 1.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết Bộ đã có văn bản chỉ đạo việc ôn tập cho học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2021; ban hành hướng dẫn cụ thể đối với các học sinh là F0, F1, F2. Bộ GD&ĐT vẫn quyết định giữ nguyên ngày thi tốt nghiệp diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7.
Tại cuộc họp, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đã có đủ bộ giải pháp công nghệ phòng, chống COVID-19 từ quản lý nhập cảnh, xét nghiệm, truy vết, giám sát cách ly đến tiêm vaccine.
Bộ TT&TT đã thành lập Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 vừa quản lý thống nhất, kết nối tập trung, phát triển các giải pháp công nghệ mới bảo đảm phát hiện nhanh hơn, truy vết chính xác hơn, triệt để hơn những ca nhiễm bệnh, người bị lây nhiễm…
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, đợt dịch lần này đã tác động tới 9,1 triệu lao động, đặc biệt các khu công nghiệp (KCN), chế xuất, doanh nghiệp lớn đang bị tác động mạnh, trong khi đây là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế đất nước.
Ông Dung đề nghị, các địa phương có nhiều KCN, đông công nhân phải quan tâm, quản lý công nhân, có phương án giãn cách, cách ly đi đôi duy trì sản xuất kinh doanh, quản lý công nhân ở nơi làm việc và nơi cư trú. Tại các khu cách ly, phong tỏa phải hết sức quan tâm đến đời sống công nhân.
Để phòng ngừa dịch bệnh từ xa, từ sớm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị bổ sung cho công nhân trong KCN vào nhóm ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã xây dựng, đang xin ý kiến các bộ ngành để hoàn thiện chính sách hỗ trợ người dân, DN, người lao động bị ảnh hưởng trong đợt dịch lần này trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành.
Với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, theo ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn, cơ quan này đã triển khai nhiều biện pháp chung tay cùng các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp chăm lo cho người lao động. Cụ thể như hỗ trợ mỗi ca F0 tối đa 3 triệu đồng, F1 tối đa 1,5 triệu đồng; lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi tối đa 500.000 đồng/người.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, các ý kiến đã bám sát, nắm chắc tình hình và đề xuất các giải pháp hết sức thiết thực, có tính khả thi. Đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến đóng góp và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để thông báo về buổi làm việc.
Thủ tướng đánh giá, về tổng thể chúng ta đang kiểm soát được tình hình, nhưng cục bộ có một số địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, diễn biến của dịch càng ngày càng phức tạp hơn, khó kiểm soát như tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM và một phần nào đó ở Hà Nội.
Theo Thủ tướng, kinh nghiệm rút ra từ công tác phòng, chống dịch vừa qua là phải nắm chắc tình hình, chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, hiệu quả. Đồng thời, phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng quy định nhưng vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào điều kiện cụ thể để huy động mọi nguồn lực, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bình luận