• Zalo

Bí quyết chinh phục Harvard

Giáo dụcChủ Nhật, 29/06/2014 10:39:00 +07:00 Google News

Hầu hết những người có mong muốn đi du học đều coi Harvard là ước mơ quá tầm với để rồi bỏ qua cho mình một cơ hội.

Hầu hết những người có mong muốn đi du học đều coi Harvard là ước mơ quá tầm với để rồi bỏ qua cho mình một cơ hội và Nguyễn Hương Quỳnh Trang đã thử và lọt vào ngôi trường này.

Tốt nghiệp Harvard năm 2011 và làm việc tại Mỹ nhưng từ đó đến nay Nguyễn Hương Quỳnh Trang cùng nhóm cựu du học sinh Mỹ luôn cố ý tìm kiếm học sinh-sinh viên giỏi tại Việt Nam, nhất là sinh viên nghèo để giúp đỡ các bạn vào được Harvard và các trường đại học chất lượng khác tại Mỹ.

Phụ thuộc vào… cảm tính của người xét tuyển


- Bạn nhận thấy các tiêu chí để vào ĐH Harvard có gì khác so với các trường đại học khác ở Mỹ?


Thật ra các tiêu chí để vào được Harvard cũng không khác biệt nhiều so với các trường nằm trong tốp 20, thậm chí nếu một bạn trẻ được nhận vào ĐH Harvard thì cũng chưa chắc được nhận vào các trường khác ở Mỹ. Vì vậy khó xếp thứ bậc và cũng không thể nói Harvard là “số 1” cho tất cả du học sinh. Tìm được một ngôi trường thực sự phù hợp để du học sinh thỏa sức trải nghiệm, thụ hưởng kiến thức và tự do phát triển mới là điều quan trọng nhất.

Bộ hồ sơ vào các trường ở Mỹ không chỉ dựa vào điểm số mà điểm chỉ là căn cứ ban đầu, là bước đệm để nhà trường sẽ còn xem xét các phần khác. Chẳng hạn, để vào đại học ở Mỹ, các bạn phải thi TOEFL hoặc IELTS; SAT hoặc ACT. Và điểm thi SAT gần 2.400 vẫn không bảo đảm là bạn sẽ được nhận vào ĐH Harvard. Trong khi đó một học sinh với mức điểm chỉ trên 2.000 nhưng lại có bộ hồ sơ gây ấn tượng sẽ có cơ hội không hề thua kém.


Nguyễn Hương Quỳnh Trang đang làm việc cho một trung tâm nghiên cứu sinh học ở Mỹ, mỗi năm cô về Việt Nam hai lần để tìm kiếm giúp đỡ học sinh nghèo học giỏi vào ĐH Harvard.

- Bộ hồ sơ mà bạn đã nộp vào Trường ĐH Harvard và được xét tuyển gồm có những gì?


Gồm có điểm SAT, TOEFL, điểm số ở trường từ năm học lớp 9 đến lớp 12, ba lá thư giới thiệu của thầy cô trong trường, tài liệu thể hiện sự tham gia của tôi vào các hoạt động ngoại khóa, các bài luận tôi viết cho trường.

Khi chuẩn bị đi du học, tôi dự định theo học toán. Kèm theo đó là đề tài nghiên cứu toán học của tôi, video clip tôi tham gia các chương trình văn nghệ, clip tôi trình diễn nhảy múa cấp thành phố... Bài luận văn của tôi rất đơn giản, nói về niềm hạnh phúc của tôi khi đến chơi với các em bị nhiễm chất độc da cam, cảm nhận niềm vui của các em khi tôi cầm tay, chơi đá bóng, ôm các em, bật nhạc cho các em nhảy hết mình trông rất dễ thương...

Tôi nói về việc tôi thường đặt cho mình mục tiêu cao để cố gắng phấn đấu nhưng thích cảm nhận hạnh phúc nhỏ bé, bình dị như thế làm nền tảng, làm tấm đệm nâng đỡ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho tôi tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu của mình. Tôi cũng trình bày một câu tiếng Anh yêu thích của mình, dịch ra hơi “lạ” một chút đó là: Hạnh phúc như một cái máy, kết cấu càng đơn giản thì khi hư hỏng càng dễ sửa. Những gì tôi trình bày đều rất thật, theo chính những điều diễn ra trong cuộc sống và đúng với tính cách nhẹ nhàng, đơn giản của tôi.


Thực ra hồi đó tôi nộp hồ sơ vào ĐH Harvard chỉ là nộp chơi thôi, không nghĩ mình đủ giỏi để trường để mắt đến. Nhận email phúc đáp của nhà trường tôi “hết hồn”, nghĩ có khi nào trường gửi nhầm email? Tôi không dám nói với ai, cho đến khi trường gửi thông báo, giấy tờ về thì tôi mới dám tin việc mình lọt vào Harvard là sự thật.

Cực kỳ ưu ái năng khiếu riêng


- Nếu hồ sơ vào ĐH Harvard không khác các trường “top” khác ở Mỹ thì đầu vào có gì đặc biệt hơn so với các trường không?

Cũng rất là khó nói. Trong thực tế, chuyện được nhận vào ĐH Harvard hay không còn phụ thuộc vào cảm tính của người đọc hồ sơ và tiếp xúc trực tiếp với bạn đó. Như vậy thì không chỉ ĐH Harvard mà mỗi trường đều có tính cách riêng trong việc tuyển chọn sinh viên cho trường mình. Chẳng hạn, ĐH Stanford thì quan tâm nhiều đến chuyện các bạn sinh viên có tham gia công tác tình nguyện hay không và tham gia như thế nào, ĐH MIT thì chú ý những bạn có các đề tài nghiên cứu, còn ĐH Harvard lại quan tâm đến những bạn có tố chất lãnh đạo.

Nhưng đó không phải là tất cả. Bởi vì nếu ĐH Harvard chỉ nhận và đào tạo những nhà lãnh đạo thì lấy ai theo những nhà lãnh đạo đó? Như vậy nhìn chung mỗi sinh viên được nhận vào ĐH Harvard đều có tố chất riêng. Cho nên trong quá trình làm hồ sơ nộp vào trường các bạn cần tìm cho ra đúng thiên hướng của mình, như là cá tính, tài năng, đam mê riêng... và thể hiện trong bộ hồ sơ. Tuyệt đối không theo con đường mà người khác vạch ra cho mình.


Một điểm cần lưu ý nữa đó là các bạn nên hoàn toàn thành thật, đừng bao giờ làm quá lên, thậm chí bịa ra một tài năng, đam mê nào đó vì những người tiếp nhận hồ sơ, bao năm họ chỉ làm một công việc đó nên họ cực kỳ tinh ý và sẽ nhận ra sự thiếu trung thực của bạn ngay.

Về các hoạt động ngoại khóa, không phải cứ tham gia càng nhiều hoạt động càng tốt mà cần có định hướng rõ ràng. Có thể trình bày thẳng thắn tôi là người thế này, tôi chỉ thích hợp với các hoạt động thế này. Đừng bao giờ tham gia chỉ vì theo đám đông. Thậm chí nếu bạn thích hát, bạn hát hay thì không nhất thiết phải đi thi, có giải thưởng bằng mọi cách, mà cũng có thể biểu diễn, thu băng, quay video clip và đưa lên YouTube. Hoặc nếu bạn có năng khiếu làm ảo thuật, làm phim… thì hãy cứ thể hiện mình ở lĩnh vực đó.

- Vậy ĐH Harvard phát triển năng khiếu của sinh viên ra sao?

Không riêng ĐH Harvard mà tất cả trường đại học ở Mỹ không có chương trình chính. Trong bốn năm, sinh viên được học ít nhất 32 môn học, trong đó có 13-17 môn phục vụ cho ngành học mình đã đăng ký. Như tôi chọn học ngành thần kinh sinh học thì tôi chỉ phải học 15 môn cho ngành này, còn lại tôi tha hồ học nhiếp ảnh, lịch sử Nhật Bản, văn học Hy Lạp cổ điển...

Tự tôi lên lịch học cho tôi chứ nhà trường không bắt buộc sinh viên phải học đúng các môn như thế. Tôi chỉ cần bảo đảm sau bốn năm học tôi có đủ tín chỉ để tốt nghiệp. Thậm chí nếu nhà trường không có ngành học như bạn muốn học thì bạn có thể đề xuất với nhà trường rằng để tạo ra ngành học ấy, bạn cần học những môn học gì, nhà trường cũng sẵn lòng tạo ra ngành học mới cho bạn. Nhà trường rất linh động phục vụ cho kế hoạch học tập rất chủ động của sinh viên với quan điểm tấm bằng đại học là bàn đạp tốt để bạn bước ra đời, khi đó bạn có đầy đủ các kỹ năng ở nhiều lĩnh vực đến mức muốn làm nghề gì cũng được.


Đừng luyện tiếng Anh như luyện “gà”


- Nhiều phụ huynh cho rằng cứ cho con em vào trung tâm “thủ” tiếng Anh thì đủ yên tâm bước chuẩn bị du học, bạn nghĩ sao?

Đúng là tiếng Anh phải thật vững nhưng tôi nghĩ không nên theo cách cứ mải miết đi học ở trung tâm, giống như luyện “gà”. Học cách này khi đi thi các bạn vẫn dễ rớt, trừ khi trúng “tủ”. Theo tôi, cần chú trọng cách suy luận, cách tư duy bằng tiếng Anh. Cho nên ngoài việc tự học tiếng Anh, học ở trung tâm thì các bạn cũng nên bổ sung cho nền tảng tổng quát bằng cách đọc nhiều sách chuyên ngành khoa học, tôn giáo, chính trị bằng tiếng Anh, hay đơn giản là bạn thích lĩnh vực nào thì nghiên cứu sâu lĩnh vực đó bằng tiếng Anh. Nói chung là cần luyện tiếng Anh theo đúng thiên hướng của học sinh.

- Sự hỗ trợ của nhóm các bạn dành cho học sinh sinh viên Việt Nam muốn vào ĐH Harvard cũng như các trường “top” của Mỹ diễn ra cụ thể như thế nào?

Nhóm chúng tôi không đơn giản là giúp các em chuẩn bị hồ sơ, cách trả lời phỏng vấn tuyển sinh như thế nào mà chúng tôi chú trọng phát triển kỹ năng mềm, nhân cách, năng khiếu của các em… Thậm chí nhóm dành nhiều thời gian quan sát, trò chuyện để phát hiện tố chất đặc biệt có thể bất chợt lóe sáng ở một học sinh nào đó. Về đối tượng, nhóm chủ ý tìm kiếm những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng rất có tư chất và mong muốn đi du học Mỹ để giúp đỡ hoàn toàn miễn phí cho các em.

MỸ DUYÊNthực hiện

Tổ chức phi lợi nhuận cho học sinh nghèo vào ĐH Harvard


Hiện Nguyễn Hương Quỳnh Trang và nhóm cựu du học sinh Mỹ đang cùng với chuyên gia giáo dục Trần Đức Cảnh - người từng cố vấn tuyển sinh cho ĐH Harvard tại Mỹ thành lập một tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu đưa càng nhiều các em học sinh nghèo học giỏi vào ĐH Harvard và các trường đại học chất lượng tại Mỹ càng tốt. Ngoài ra, nhóm còn tập trung vào dự án phát triển cá nhân, các chương trình trang bị kỹ năng mềm cho học sinh chuẩn bị du học. Nhóm cũng đang tạo ra một mạng lưới du học sinh Mỹ cùng tham gia vào tổ chức.

» Nữ sinh Việt nhận bằng khen Tổng thống Mỹ
» Lên chức ông, bà vẫn thi đại học
» Chàng sinh viên đến trường trên đôi chân anh trai

Theo Pháp luật TP.HCM
Bình luận
vtcnews.vn