Đó là chuyện người dân ở buôn Broch và buôn Djrông (xã Ia Dơk, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) vì quá mê phim Hàn nên đồng loạt đặt tên con theo các nhân vật trong phim là Chăm Cha-ri, Sy Y-mun, Lo Sam-sung... Thế nhưng ở VCK giải U17 Quốc gia 2013, cánh phóng viên chúng tôi cũng té ngửa trước những cầu thủ có những cái tên cực dị...
ĐẶT TÊN CON NHƯ LÀ ĐỊNH MỆNH
Ở buôn Djrông vừa nhắc đến phía trên còn có trường hợp ông bố trẻ Krưp vì quá mê mẩn quái kiệt Lionel Messi khi xem Champions League nên đã đặt ngay cho cậu con trai vừa chào đời hồi tháng 7/2013 cái tên Mes-si. Biết đâu được, khoảng 15 năm nữa, khán giả của VCK U17 sẽ thấy Mes-si trong danh sách thi đấu của U17 Hoàng Anh Gia Lai.
Đó là chuyện của U17 SHB Đà Nẵng tại VCK giải U17 Quốc gia 2013. Đội bóng này có 1 cầu thủ khiến cánh phóng viên và khán giả cực kỳ tò mò vì cái tên rất đặt biệt: Bá Đăng Ty Vốt. Cậu là con út trong gia đình dân tộc Chăm có 7 người con tại Ninh Thuận.
Sau khi truy tìm nguyên nhân, phải gặng hỏi mãi thì tiền vệ mang áo số 7 của U17 SHB Đà Nẵng mới bẽn lẽn bật mí: “Các anh tò mò làm em xấu hổ chết đi được. Chẳng là bố em rất mê bóng đá dù không chơi bóng bao giờ. Nhưng chẳng hiểu làm sao, đợt EURO 1996 tại Anh, bố em lại chết mê chết mệt ĐT Đức do HLV Berti Vogt dẫn dắt.
Thế rồi khi em chào đời, bố em quyết định đặt tên con trai là Bá Đăng Ty Vốt, theo cách gọi của ông Berti Vogt. Cũng may là Ty Vốt nghe vẫn còn đỡ hơn Bia Hộp (Oliver Bierhoff) hay Tan Nát (Michael Tarnat) nhỉ”.
Dù xuất phát từ ngẫu hứng, nhưng rõ ràng bố của Ty Vốt đã vô tình chọn nghề cho con trai ngay từ khi mới lọt lòng là đi theo nghiệp quần đùi áo số. Chỉ khác là Berti Vogt thành danh ở vị trí hậu vệ và sau này là HLV còn Ty Vốt lại đá tuyến giữa.
Dù còn trẻ nhưng Ty Vốt cũng sớm bộc lộ tố chất của một cầu thủ tài năng. Ở ngày hội bóng đá trẻ năm 2013, ngoài chức vô địch cùng SHB Đà Nẵng, Bá Đăng Ty Vốt còn giành giải thưởng “Cầu thủ xuất sắc vượt khó” kèm 10 triệu đồng.
Cũng có số phận tương tự như Bá Đăng Ty Vốt là tiền đạo Lâm Ti Phông thuộc biên chế của ĐT U19 Việt Nam. Cầu thủ đa năng có thể chơi ở nhiều vị trí như tiền đạo, hộ công hoặc tiền vệ biên này chính là át chủ bài của HLV Guillaume Graechen nhờ khả năng quan sát tốt, có nhiều ý tưởng đột phá táo bạo và khả năng dứt điểm đầy uy lực.
Tên của anh, Ti Phông, bắt nguồn từ tiền đạo người Thái Lan nổi danh một thời là Natipong. Còn nhớ, ở SEA Games 18 năm 1995, tiền đạo Natipong là cơn ác mộng của mọi hàng thủ, trong đó có ĐT Việt Nam. Chính vì thế, tiền đạo có mang trong mình dòng máu Việt này đã trở thành thần tượng của nhiều người, trong đó có bố của Lâm Ti Phông.
Và khi con trai chào đời, ông đã đặt tên con là Lâm Ti Phông, mặc dù cũng chẳng bao giờ nghĩ rằng con mình sẽ theo nghiệp quần đùi áo số. Nhưng nhiều khi “Nhân bảo như thần bảo”, nào ngờ Lâm Ti Phông đã đi theo tiếng gọi của trái bóng, trở thành niềm tự hào của gia đình, quê hương Quảng Ngãi và toàn bộ NHM Việt Nam. Hy vọng rằng đến SEA Games 28, Lâm Ti Phông sẽ cùng đồng đội giải cơn khát vàng cho bóng đá Việt như Natipong cùng ĐT Thái Lan ngày nào.
TRÙM TỈNH, ANH LÀ AI?
Trùm Tỉnh (phải)
Đồng đội của Lâm Ti Phông ở U19 Sanna Khánh Hòa và U19 Việt Nam là một tiền vệ có tên cũng rất dị: Phạm Trùm Tỉnh. NHM Việt Nam lại càng không thể quên được cầu thủ này bởi chính anh là người bị rách mi mắt, gãy mũi sau khi lĩnh trọn cú đạp gầm giày trong trận chung kết U19 ĐNÁ với chủ nhà Indonesia.
Khi nhắc đến cái tên Trùm Tỉnh, người ta có cảm giác gai gai như đang nói về một ông trùm giang hồ tên là Tỉnh. Nhưng thực ra Trùm Tỉnh lại là một chàng trai hiền khô, người đã thể hiện phong cách nhã nhặn cực kỳ fair-play dù bị đối phương đối phó bằng lối chơi bạo lực, xấu xí và cực kỳ phản cảm.
Chàng trai quê Phú Yên đã gia nhập hệ thống đào tạo của Khánh Hòa 4 năm trước, khi mới 15 tuổi. Trùm Tỉnh là một chân kiến tạo đáng nể, có lối chơi năng nổ, đậm chất kỹ thuật. Bên cạnh đó, Trùm Tỉnh còn được ngợi khen nhờ ý thức tự giác kỷ luật cao và tinh thần vượt khó khăn.
Còn về cái tên “Trùm Tỉnh”, theo tìm hiểu của chúng tôi thì đó là ước vọng của bố mẹ tiền vệ này, mong muốn con mình trở thành trùm một làng nghề. Trùm ở đây là một chức vụ tương đương tổ trưởng hay trưởng nhóm nghề, ví dụ như: trùm phường mộc, trùm đánh cá...
Hy vọng rằng, Trùm Tỉnh sẽ phát triển và trở thành một thủ lĩnh tuyến giữa tài năng của bóng đá Việt Nam. Và như thế, tên của anh sẽ là một điềm báo tốt đẹp cho sự phát triển sự nghiệp sân cỏ rạng rỡ và biến anh trở thành niềm tự hào của quê hương.
Khổ vì tên
Tại các giải bóng đá trẻ của Việt Nam đã xuất hiện rất nhiều cầu thủ là người dân tộc. Chẳng hạn như, Ksor Úc của học viện HAGL - Arsenal JMG, Y Thyn Mlo (Năng khiếu HAGL) và rất nhiều cầu thủ khác có cái tên rất khó viết và khó nhớ. Chính vì thế, mỗi khi đăng ký danh sách các HLV thường phải nhờ sự trợ giúp của chính học trò để viết cho chuẩn xác.
Đặt tên theo hình dáng
Ở ĐT U23 Việt Nam trước đây, thủ môn Lâm Ấn Độ cũng được chú ý bởi cái tên. Chàng trai người dân tộc Khmer đang sống tại Bình Phước cho biết: “Mẹ tôi kể, khi mới sinh, da tôi đen trùi trũi, lại to con. Ai nhìn cũng kêu tôi giống người Ấn Độ, thế là ba mẹ quyết định lấy tên của đất nước này đặt cho tôi. Có lẽ nhờ cái tên đặc biệt này mà nhiều người biết đến tôi hơn là chuyện bóng banh… Đó cũng là một điều hạnh phúc”.
Bình luận