Các búi trĩ cung cấp từ 15-20% áp lực lúc nghỉ của ống hậu môn, làm cho hậu môn luôn đóng kín. Điều này rất quan trọng vì các cơ thắt không thể đóng kín hoàn toàn hậu môn. Các triệu chứng bất thường liên quan đến những búi trĩ này tạo nên bệnh trĩ. Bệnh trĩ được tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ.
Nguyên nhân của bệnh trĩ hiện nay chưa rõ ràng. Bệnh trĩ rất thường gặp, nhất là ở những người lớn tuổi. Thống kê ở nước ngoài cho thấy tỉ lệ mắc bệnh trĩ ở những người trên 50 tuổi là 50%.
Bệnh trĩ thường gặp ở những người đứng nhiều, ngồi nhiều, ít đi lại, táo bón kinh niên, hội chứng lỵ, các nguyên nhân tăng áp lực ổ bụng (viêm phế quản mãn gây ho nhiều, suy tim, xơ gan…), sa sàn chậu, những u bướu vùng hậu môn trực tràng cũng là nguyên nhân của trĩ.
Video: Đại tiện ra máu cảnh báo không chỉ riêng bệnh trĩ
Những người làm văn phòng, phải ngồi nhiều 6-8 tiếng mỗi ngày, nguy cơ mắc bệnh trĩ khá cao. Trong thực tế, số lượng nhân viên văn phòng bị bệnh trĩ phải phẫu thuật là cao nhất.
Theo ThS.BS Nguyễn Quang Huy Khoa - Trưởng khoa Ngoại tổng quát - Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh trĩ thường có những triệu chứng sau:
Thường gặp là có cảm giác khó chịu, đau, có khi kèm chảy máu mỗi khi đi cầu. Trĩ sa (là trĩ nhô ra ngoài hậu môn) làm chảy chất nhầy và ngứa quanh hậu môn. Nếu trĩ sa bị nghẽn mạch và nghẹt búi trĩ thì gây đau dữ dội.
Chảy máu là triệu chứng có sớm nhất và thường gặp nhất của bệnh trĩ. Lúc đầu chảy máu rất kín đáo, vài tia máu rất nhỏ dính vào thỏi phân rắn, máu chỉ có khi táo bón, khi đại tiện phải rặn. Về sau chảy máu thường xuyên hơn và lượng máu cũng nhiều hơn.
Khi búi trĩ lớn hoặc trương lực cơ vòng hậu môn yếu thì búi trĩ sa ra ngoài, tùy thuộc vào mức độ sa của búi trĩ để chia độ nặng nhẹ. Bệnh trĩ thường không gây đau, khi có biến chứng tắc mạch, sa nghẹt, hoặc tổn thương gây nứt hậu môn đi kèm thì gây đau.
Để chẩn đoán bệnh trĩ , ngoài các dấu hiệu trên, soi hậu môn đại trực tràng là bắt buộc giúp xác định chẩn đoán và loại trừ những bệnh lý u đại trực tràng.
Phương pháp điều trị
Trường hợp nhẹ: Tránh đừng để bị táo bón bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều rau, tập thói quen đi cầu đều đặn. Dùng tọa dược và các loại kem có chứa corticoid, các chất chống co thắt, các chất bảo vệ mạch máu và chích gây tê tại chỗ để giảm viêm và giảm đau. Có thể dùng Proctolog nhét hậu môn ngày 1- 2 viên; hoặc bôi thuốc mỡ Preparation-H lên vùng bị trĩ bất cứ lúc nào có triệu chứng, 3 - 5 lần/ ngày. Dùng các thuốc làm tăng trương lực tĩnh mạch như Daflon, Ginkor fort...
Trường hợp nặng hơn thì tiêm thuốc gây xơ hoặc phẫu thuật lạnh bằng chất cực lạnh như khí carbonic, nitrogen lỏng làm lạnh búi trĩ, sau vài ngày thì búi trĩ hoại tử vô trùng không đau, 3 - 6 tuần thì lành sẹo, sẹo mềm và đẹp. Thắt búi trĩ bằng dây thun với dụng cụ đặc biệt. Mổ cắt trĩ nếu là trĩ sa.
Hiện tại, nhiều bệnh viện trong thành phố (trong đó có Bệnh viện Nhân dân 115) đã áp dụng phương pháp phẫu thuật Longo và phẫu thuật vùng sàn chậu để điều trị bệnh trĩ. Phương pháp này có ưu điểm là ít đau và hồi phục nhanh sau mổ, giúp người bệnh mau chóng về với cuộc sống bình thường.
Phòng ngừa bệnh trĩ
Táo bón là một nguyên nhân thường gặp gây ra trĩ do đó cần ăn nhiều rau quả để có nhiều chất xơ (giúp nhu động ruột mạnh hơn)...
Cần uống nhiều nước mỗi ngày. Tránh uống rượu vì có thể làm cho phân khô và nhỏ.
Vận động thân thể thường xuyên cũng cần thiết và có lợi cho tiêu hoá.
Bỏ thuốc lá, điều trị tích cực ngay các bệnh đường hô hấp. Bởi các bệnh về đường hô hấp gây ho nhiều làm tăng áp lực trong ổ bụng thường xuyên.
Tránh các thói quen xầu như: đọc báo hay chơi vi tính khi đi cầu, sử dụng nhiều chất kích thích như cafe, tiêu, ớt...
Bình luận