Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cơ sở y tế này thời gian qua đã tiếp nhận nhiều trường hợp mắc cúm A trên các bệnh lý nền, phụ nữ mang thai. Số lượng bệnh nhân phải nhập viện có xu hướng tăng trong 2 tuần trở lại đây.
Nguy hiểm với người già, phụ nữ mang thai
Chia sẻ với Zing, bà Hà Thị Gái (74 tuổi, trú tại Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội) cho biết đã nhập viện điều trị trong vòng 4 ngày qua sau khi có biểu hiện sốt, ho từ nhà.
Trước đó, bệnh nhân này cho biết từng phải nhập viện cách đó một tuần sau một lần đi làm đồng trở về, dưới thời tiết nắng nóng, bà có biểu hiện mệt mỏi bất thường.
Tại bệnh viện, bà được các y bác sĩ thăm khám và chẩn đoán phổi bị tổn thương, nhận chỉ định điều trị nội trú. Sau 3 ngày, tình trạng sức khỏe của bà khá hơn và được cho về nhà.
Tuy nhiên, 2 ngày sau, người phụ nữ này lại có biểu hiện sốt và tiếp tục tới bệnh viện khám. Sau khi thực hiện một số xét nghiệm và được thăm khám lâm sàng, bà được chẩn đoán mắc bệnh cúm A.
“Mắc cúm A khổ lắm. Tôi bị rát cổ đến không ăn được, sốt liên miên không dứt, người mệt mỏi như rã xương ra. Cả một đời người, tôi chưa bao giờ bị ốm như thế này. Vừa qua dịch COVID-19 bùng phát, cả nhà, con, cháu đều bị mà tôi còn không sao. Vậy mà giờ lại khổ thế”, bà Gái tâm sự.
Trong quá trình điều trị nội trú, bà Gái được các bác sĩ cho sử dụng thuốc và không cần truyền dịch. Đến nay, sức khỏe của bệnh nhân cải thiện, hết sốt và có thể ăn uống, đi lại bình thường.
Một trường hợp khác cũng phải nhập viện do cúm A là chị Lê Thị Xuyến (27 tuổi, ngụ Võng La, Đông Anh, Hà Nội). Đáng nói, chị Xuyến đang mang thai đến nay được gần 7 tháng.
Chị Xuyến chia sẻ: “Tôi mới phải nhập viện chiều hôm qua. Khi ở nhà, tôi có biểu hiện sốt, đau đầu và ho nhẹ. Do lo cho con nên tôi đến bệnh viện khám ngay”.
Trước đó, người phụ nữ này nghe nói khu công nghiệp nơi mình đang làm việc có nhiều trường hợp mắc cúm trong thời gian qua. Đây cũng là động lực khiến chị Xuyến nghi ngờ và nhanh chóng nhập viện.
Sau một ngày điều trị tại viện, chị Xuyến được cho uống thuốc và truyền nước và đã cải thiện sức khỏe, hết sốt, chỉ còn đau đầu nhẹ.
Vẫn có thể diễn biến nặng khi mắc cúm A
Trao đổi với Zing, tiến sĩ Vũ Minh Điền, Phó trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết thời gian qua, cơ sở y tế này có tiếp nhận một số ca mắc cúm A trên bệnh bệnh lý nền, phụ nữ mang thai. Tiêu biểu trong 2 tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhân có xu hướng tăng.
“Những bệnh nhân vào điều trị tại đây thường là trường hợp có bệnh lý nền như phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, suy thận, viêm gan, xơ gan… Bên cạnh đó là nhóm phụ nữ mang thai”, ông thông tin.
Vị chuyên gia khẳng định đây là những đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng khi không may mắc cúm A.
Theo TS Điền, cúm là bệnh gây ra do virus, thường xuất hiện vào mùa đông xuân hàng năm. Tuy nhiên, năm nay đang vào thời điểm mùa hè nhưng số lượng ca mắc cúm vẫn có xu hướng tăng. Nguyên nhân có thể đến từ biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường khiến một số bệnh không theo quy luật thông thường.
Ông cũng nhấn mạnh người cao tuổi có hệ miễn dịch suy giảm, nhiều bệnh lý nền kèm theo, các cơ quan suy yếu, từ đó khiến cơ thể phản ứng với tác nhân gây bệnh cũng yếu hơn.
“Do đó, nếu không may nhiễm virus cúm A, tỷ lệ diễn biến nặng sẽ cao hơn người trẻ. Khởi phát bệnh cũng thường diễn biến từ bán cấp hoặc tăng dần chứ không cấp tính dữ dội như người trẻ”, vị chuyên gia nói.
Cùng quan điểm, thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, cho biết bệnh cúm thường diễn biến nặng ở nhóm bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền như huyết áp, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mạn tính hay phụ nữ có thai.
Biến chứng nặng hàng đầu của cúm là viêm phổi, gây suy hô hấp, buộc các bác sĩ phải đặt ống thở máy cho bệnh nhân. Với việc đặt ống thở máy, người bệnh sẽ đứng trước nhiều nguy cơ khác như bội nhiễm thêm vi khuẩn, suy tạng như tim, gan…
“Với người cao tuổi, việc điều trị cúm đã có phác đồ chung, thuốc có sẵn. Tuy nhiên, những trường hợp này có nhiều bệnh nền, do đó, điểm khó khăn là phải kiểm soát tốt cả bệnh lý nền kèm theo, nhất là khi nhiễm virus, vi khuẩn, tình trạng sẽ nặng nề hơn”, vị chuyên gia nói.
Do đó, với nhóm này, TS Ninh khuyến cáo ưu tiên hàng đầu là tiêm vaccine phòng cúm định kỳ, đồng thời hạn chế tiếp xúc đông người, tới nơi thông khí kém, kiểm soát tốt các bệnh lý nền để tăng sức đề kháng, tránh diễn biến nặng.
TS Vũ Minh Điền cũng nhận định trong bối cảnh số ca mắc cúm tăng nhanh, người dân không nên chủ quan. Nếu có biểu hiện sốt cao, đau mỏi người, viêm long đường hô hấp trên, nghi ngờ cúm, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, xét nghiệm khẳng định, qua đó điều trị đặc hiệu.
Các trường hợp có bệnh lý mạn tính cần rất lưu tâm việc tiêm phòng cúm sớm vào thời điểm trước mùa đông xuân - khi virus cúm lây lan nhanh.
Ông lưu ý thêm khi chuyển mùa, người cao tuổi, ngoài vệ sinh cá nhân để bảo vệ sức khỏe, cần cố gắng giữ ấm đường hô hấp để phòng bệnh cúm. Khi ngủ, người cao tuổi có thể đặt một chiếc khăn mỏng quanh cổ. Ngoài ra, nhóm này cũng nên uống đủ nước.
“Ở người cao tuổi, trung tâm khát ở hành cầu não giảm nhạy cảm. Do đó, họ ít có cảm giác khát nước. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải uống đủ nước mới có thể đảm bảo niêm mạc đường hô hấp có độ ẩm. Độ ẩm này sẽ tạo điều kiện cho vi nhung mao ở đường hô hấp đẩy các chất ngoại lai, vi sinh vật ra ngoài, từ đó tạo lá chắn tự nhiên cho cơ thể trước mầm bệnh”, TS Điền giải thích.
Bình luận