(VTC News) – Trong khi tài sản của bầu Đức tăng thêm gần 8.200 tỷ đồng thì hàng loạt đại gia dầu khí thê thảm.
Bầu Đức có thêm 8.200 tỷ
20/7 là phiên giao dịch không được thuận lợi. Chỉ số VN-Index nhanh chóng sụt giảm và thường xuyên “đánh mất” khoảng 8 điểm. VN-Index đi xuống khi thị trường đối diện với nhiều tin đồn và thông tin không có tính hỗ trợ như chủ tịch PVN bị thôi chức.
Chính vì vậy cổ đông công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai – HAGL Agrico khá lo lắng vì 20/7 là ngày chào sàn của cổ phiếu HNG. Tuy nhiên, đi ngược với mọi lo lắng và phán đoán, HNG có sự bứt phá ngoạn mục. Trong khi rất nhiều mã chìm trong sắc đỏ thì HNG duy trì được sắc tím trong khoảng thời gian khá dài.
Bầu Đức có thêm 8.200 tỷ đồng trên sàn chứng khoán |
Với việc sở hữu gần 79% cổ phần tại HNG, ngày 20/7, Hoàng Anh Gia Lai có thêm 18.726 tỷ đồng giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Có thể thấy, tài sản này thậm chí còn lớn hơn vốn hóa thị trường của Hoàng Anh Gia Lai (14.692 tỷ đồng).
HNG chưa công bố chi tiết báo cáo tình hình quản trị nên chưa rõ bầu Đức có trực tiếp nắm giữ cổ phần tại HNG hay không. Nhưng với việc sở hữu gần 44,03% vốn Hoàng Anh Gia Lai, thông qua sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai tại HNG, bầu Đức nắm giữ khoảng 246 triệu cổ phiếu HNG.
Điều đó có nghĩa, trong ngày 20/7, khối tài sản trên thị trường chứng khoán của bầu Đức tăng thêm 8.241 tỷ đồng lên 14.710 tỷ đồng. Khối tài sản phình to này giúp bầu Đức nới rộng khoảng cách với ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát. Như vậy, ông Long gần như không thể soán ngôi “Người giàu thứ hai sàn chứng khoán” của bầu Đức.
Tuy nhiên, 14.710 tỷ đồng không thể giúp bầu Đức cạnh tranh ngôi vị “Người giàu nhất sàn chứng khoán” của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup được vì hiện tại, giá trị cổ phiếu VIC của ông Vượng đã lên tới 22.681 tỷ đồng.
Đại gia dầu khí thê thảm
HNG là một trong những mã hiếm hoi có nhiều thời điểm tăng trần trong phiên giao dịch 20/7. Trong khi đó, cổ phiếu dầu khí lại chịu trách nhiệm lớn khi VN-Index trượt dốc. Đa số các cổ phiếu đại gia dầu khí đều giảm khi có thông tin Chủ tịch PVN bị thôi chức.
Cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam giảm khá mạnh khi “đánh mất” 2.000 đồng/CP và dừng ở mức 60.000 đồng. Như vậy, sau khi bị VCB (Vietcombank) soán ngôi cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, GAS liên tục trượt dốc.
Chỉ riêng ngày 20/7, vốn hóa thị trường của GAS đã giảm 3.790 tỷ đồng xuống 113.700 tỷ đồng. Còn nếu so với mức giá cao nhất của GAS trong tháng 7 (65.000 đồng/CP), vốn hóa của đại gia dầu khí này mất tới 9.475 tỷ đồng.
Mặc dù Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) công bố khoản lãi ước tính của công ty trong 6 tháng đầu năm đạt tới 1.100 tỷ đồng nhưng thông tin này không giúp PVD có giao dịch khả quan trong phiên “xấu ngày” của họ dầu khí.
Đóng cửa phiên 20/7, PVD giảm 1.200 đồng/CP xuống 43.800 đồng/CP. Điều đó đồng nghĩa với việc vốn hóa thị trường PVD “bay” mất 472,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam cũng không cưỡng được xu thế thị trường khi giảm 500 đồng/CP xuống 26.900 đồng/CP. PVS khiến Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam “bay hơi” 223 tỷ đồng vốn hóa thị trường.
PVT của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí cũng mất 500 đồng/CP và rơi xuống mức 12.500 đồng/Cp. Như vậy, cổ phiếu PVT đã khiến vốn hóa thị trường của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí hao hụt 128 tỷ đồng.
Bảo Linh
Bình luận