Trong tuần này, cử tri tại một số bang ở Mỹ có thể được phép đi bỏ phiếu sớm.
Dù tên của Tổng thống Mỹ Joe Biden không có trên bất kỳ lá phiếu nào, song cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được coi như một cuộc trưng cầu ý dân toàn liên bang đối với kết quả điều hành chính phủ của ông Biden nói riêng, và đảng Dân chủ nói chung, trong gần 2 năm qua. Kết quả bầu cử cũng sẽ phát đi tín hiệu về đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong ít nhất 2 năm tới. Vậy cử tri Mỹ chờ đợi gì ở cuộc đua gay cấn này và có những kịch bản nào có thể xảy ra trên chính trường Mỹ?
Chiến lược của đảng Cộng hòa và Dân chủ lôi kéo cử tri
Hai viện của Quốc hội Mỹ hiện có sự chênh lệch không lớn giữa số lượng thành viên của hai đảng này.
Với hy vọng giành được ưu thế trước đảng Dân chủ, các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã công bố một chương trình nghị sự ưu tiên giải quyết một loạt các vấn đề từ lạm phát, tội phạm cho đến trách nhiệm giải trình bầu cử.
Với tên gọi "Cam kết với nước Mỹ" chương trình này cam kết sẽ cho cử tri thấy cách thức đảng Cộng hòa sẽ giải quyết các vấn đề và thách thức nổi cộm mà nước Mỹ đang phải đối mặt nếu các nghị sĩ đảng này giành thế đa số tại Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tới. Phần lớn chương trình bao gồm các mục tiêu chính sách như kiềm chế chi tiêu lãng phí, hỗ trợ quân đội Mỹ, tăng trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong giáo dục con cái, bảo vệ thai nhi...
Về vấn đề tội phạm, chương trình nghị sự đặt mục tiêu triển khai thêm 200.000 cảnh sát tuần tra trên đường phố thông qua cung cấp tài trợ liên bang. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng cam kết tiến hành điều tra về vấn nạn nghiện fentanyl - thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid, kiểm soát các tập đoàn công nghệ, việc Mỹ rút khỏi Afghanistan, cuộc khủng hoảng di cư tại khu vực biên giới...
Trong khi đó, nhiệm vụ của đảng Dân chủ là giữ được thế đa số tại lưỡng viện mặc dù điều này là không hề dễ dàng. Các chủ đề mà Tổng thống Biden cùng đảng Dân chủ đang tập trung giải quyết, trước hết là kiểm soát lạm phát, bảo vệ quyền được phá thai, quyền bầu cử, ứng phó với Trung Quốc, thúc đẩy xây dựng các nhà máy mới, ứng phó với biến đổi khí hậu, miễn hoặc giảm nợ cho sinh viên, giảm thâm hụt ngân sách và giá thuốc kê đơn, và tăng cường viện trợ cho Ukraine.
Có thể thấy rằng danh sách các ưu tiên của chính quyền Tổng thống Biden khá rộng với nhiều thành phần cử tri nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay đó chính là giảm chi phí cho người dân trong bối cảnh lạm phát tiếp tục ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Đây là yếu tố tác động nhiều nhất tới tâm lý và lá phiếu của cử tri trước cuộc bầu cử sắp tới.
Ngoài ra, các đảng viên Dân chủ cũng hy vọng rằng các vấn đề pháp lý của cựu Tổng thống Donald Trump sau khi Cục điều tra liên bang (FBI) đột kích vào nhà riêng của ông tại Florida, cũng như việc tiếp tục điều tra vai trò của ông trong việc thúc đẩy lật ngược cuộc bầu cử năm 2020, sẽ khiến cử tri có chiều hướng không ủng hộ các ứng cử viên Cộng hòa.
Mong đợi từ cử tri Mỹ
Dù đảng nào nắm đa số ghế tại Hạ viện hoặc Thượng viện, cử tri Mỹ cũng đều mong muốn các mối quan tâm của họ được giải quyết một cách hiệu quả hơn. Các mối quan ngại hàng đầu của cử tri Mỹ hiện nay bao gồm triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa và lạm phát gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của họ.
Trong các cuộc khảo sát gần đây, có tới hơn 90% cử tri Mỹ quan ngại về kinh tế và lạm phát và 71% trong số này nói rằng họ đặc biệt quan ngại về lạm phát. Trong khi đó, khoảng 80% số người được hỏi cho rằng kinh tế sẽ đóng vai trò lớn trong quyết định của cử tri về bầu cho ai.
Đây được xem là một chỉ dấu không mấy tích cực đối với đảng Dân chủ trước kỳ bầu cử Quốc hội giữa kỳ. Một số các vấn đề khác mà cử tri Mỹ cũng khá quan tâm đó là tỷ lệ tội phạm, di cư, việc làm, quyền phá thai, kiểm soát súng đạn, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng chủng tộc.
Có thể nói rằng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ chính là cuộc trưng cầu dân ý về uy tín của Tổng thống, về cách điều hành của chính phủ cũng như tính hiệu quả của các chính sách do đảng Dân chủ đưa ra trong hai năm vừa qua. Việc đảng nào đưa ra được các giải pháp, chương trình nghị sự tốt hơn với những cam kết cụ thể và sát với những mối quan tâm của cử tri chắc chắn sẽ giành được lợi thế trước cuộc bầu cử với triển vọng chiến thắng cao hơn. Kết quả bầu cử cũng sẽ phát đi tín hiệu về đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong ít nhất hai năm tới.
Các kịch bản
Đảng Dân chủ đang toàn quyền kiểm soát cả Nhà Trắng, Hạ viện và Thượng viện tuy nhiên có một xu hướng phổ biến trong lịch sử chính trường Mỹ, đó là đảng đang nắm giữ Nhà Trắng thường thất bại hoặc mất nhiều ghế trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. 22 trong số 25 cuộc bầu cử giữa kỳ trước đây, đảng của tổng thống đương nhiệm đã bị mất ghế và trong cuộc bầu cử lần này, sự chênh lệch không lớn giữa số lượng thành viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong hai viện càng khiến cuộc cạnh tranh thêm phần khốc liệt.
Kết quả của những cuộc khảo sát gần đây đều dự báo đảng Cộng hòa có khả năng lớn sẽ chiếm đa số ở Hạ viện và đảng Dân chủ có thể giữ được Thượng viện. Uy tín của Tổng thống Biden đang xuống thấp vì lạm phát lên cao và kinh tế xuống thấp khiến cho đảng Cộng Hòa càng nhiều hy vọng sẽ chiếm đa số sau cuộc bầu cử năm nay.
Với tỷ lệ Dân chủ 220 ghế-Cộng hòa 212 ghế hiện nay, đảng Cộng hòa cần giữ nguyên được số hiện tại và giành thêm được 6 ghế nữa để hội đủ 218 ghế và kiểm soát lại Hạ viện. Theo giới quan sát, đây là kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra. Trong khi đó, tại Thượng viện, Đảng Dân chủ hiện đang giữ 50 ghế trong khi đảng Cộng hòa nắm 50 ghế. Tuy nhiên, theo Hiến pháp Mỹ, do Phó Tổng thống Harris, trên cương vị Chủ tịch Thượng viện, là người đảng Dân chủ nên lá phiếu “phá băng” của bà giúp đảng Dân chủ nắm đa số tại Thượng viện Mỹ.
Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, giới phân tích đánh giá đảng Dân chủ đang có lợi thế hơn. Trong số 35 ghế thượng nghị sĩ bầu lại lần này, đảng Dân chủ chỉ có 14 ghế, trong khi phe Cộng hòa sẽ phải bầu lại tới 21 ghế. Bên cạnh đó, cuộc đua sẽ thêm phần khó cho đảng Cộng hòa khi họ sẽ phải “bảo vệ” hai ghế thượng nghị sĩ tại hai bang mà ông Joe Biden thuộc đảng Dân chủ giành thắng lợi thuyết phục trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 là Pennsylvania and Wisconsin.
Đảng Dân chủ mất Hạ viện và tiếp tục kiểm soát Thượng viện là dự báo chung của nhiều cuộc khảo sát cũng như các nhà quan sát, tuy nhiên cho tới khi kết quả chính thức được công bố thì mọi khả năng đều có thể xảy ra.
Bình luận