Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam về thị trường BĐS năm 2014.
- Nhìn lại thị trường BĐS trong năm 2013, Thứ trưởng đánh giá ra sao?Trong năm 2013, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Trên thực tế, những chính sách này đã phát huy hiệu quả tích cực. Cụ thể, các địa phương và các chủ đầu tư đều đã nhận thức được việc đầu tư tự phát, theo phong trào, không tuân thủ quy hoạch, không có kế hoạch dẫn đến thị trường BĐS phát triển không lành mạnh, không ổn định, không cân đối được cung cầu.
Hàng loạt dự án NƠTM chuyển đổi thành NƠXH được thực hiện đã kéo theo cuộc cạnh tranh mới về giá nhà ở theo hướng có lợi cho người dân. Giá nhà ở đã giảm đáng kể so với thời kỳ sốt nóng cách đây hơn 3 năm, hầu hết các dự án giảm giá 20% - 30%, một số dự án giảm đến 50% so với lúc mở bán năm 2011. Thị trường BĐS năm 2013 cũng đã có giao dịch trở lại, đặc biệt ở phân khúc căn hộ bình dân. Nhờ đó, lượng tồn kho BĐS có xu hướng giảm dần, tính đến tháng 10/2013 giảm gần 25% so với quý I/ 2013. Có thể nói, thị trường BĐS đang dần hồi phục và ổn định trở lại.
- Tuy nhiên, nhiều người lại lo ngại rằng nếu đồng loạt chuyển đổi và triển khai nhiều NƠXH thì thị trường BĐS trong thời gian tới có thể sẽ dư thừa loại nhà ở này? Lo ngại đó liệu có chính đáng, thưa Thứ trưởng?Sự lo ngại này là không có cơ sở bởi trên thực tế, nhu cầu nhà ở của người dân đô thị là rất lớn. Từ nay đến năm 2015, trong khu vực đô thị cả nước có khoảng 1.740.000 người có khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5 m2/người) và 1.715.000 công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.
Tương tự như vậy, nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp đến năm 2020 sẽ tăng thêm khoảng 200.000 căn (nếu nhu cầu đến năm 2015 được giải quyết hết vào năm 2015). Trong đó, một số địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội lớn, cụ thể: Hà Nội cần 111.200 căn; TP. HCM cần 134.000 căn; Đà Nẵng cần 16.000 căn; Đồng Nai cần 95.000 căn; Bình Dương cần 104.000 căn… Tuy vậy, tổng hợp tình hình triển khai việc phát triển NƠXH cho thấy hiện nguồn cung NƠXH còn hạn chế.
- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về hiệu quả của gói 30.000 tỷ tác động để hỗ trợ thị trường BĐS? Việc triển khai tính tới thời điểm hiện nay cụ thể ra sao, thưa Thứ trưởng?Theo quy định của Nghị quyết số 02/NQ-CP, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng với mục tiêu chủ yếu nhằm bảo đảm an sinh xã hội, tăng khả năng thanh toán cho nhóm người có thu nhập thấp, gặp khó khăn về chỗ ở - là những người có nhu cầu thực sự về nhà ở, đồng thời góp phần tăng nguồn cung về nhà ở xã hội, kể cả trường hợp chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thực hiện việc chuyển đổi sang nhà ở xã hội.
Ngoài ra, gói tín dụng này một phần hỗ trợ cho các đối tượng khách hàng có nhu cầu mua, thuê nhà ở thương mại có quy mô diện tích vừa và nhỏ, giá rẻ (diện tích dưới 70 m2 sàn, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2), do đó sẽ có tác dụng lan tỏa để góp phần giảm tồn kho sản phẩm BĐS, vật liệu xây dựng, tạo sự tăng trưởng kinh tế.
Thực tế sau 1 năm triển khai thực hiện thị trường BĐS đã có những chuyển biến tích cực, giao dịch tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, trung bình, giá thấp. Tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy tồn kho BĐS đang giảm khoảng 20% so với đầu năm 2013. Tuy rằng còn khó khăn nhưng thị trường đã dần ấm lên.
Có những dự án dù giá cao nhưng đã hoàn thành, hạ tầng đồng bộ đã có nhiều người mua và nhận bàn giao nhà. Nguồn cung đối với loại nhà xã hội, căn hộ trung bình và giá thấp thì đang tăng lên, có giao dịch tốt. Dự án mới xây xong móng bán ra đều hết. Điều đó khẳng định NQ 02 của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS đã trúng và đang từng bước đi vào cuộc sống.
- Nhiều người dân cũng như các doanh nghiệp cho rằng vẫn khó tiếp cận được gói 30.000 tỷ đồng, trong khi nhu cầu thì rất lớn. Theo Thứ trưởng đâu là nguyên nhân chính .Cần phải thực hiện giải pháp gì hiện nay để thúc đẩy tiến độ, phát huy mục tiêu của gói tín dụng hỗ trợ này?Chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở là một chính sách mới, lần đầu được triển khai thực hiện, vì vậy không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc ban đầu. Muốn giải ngân nhanh gói này thì phải có nhiều căn hộ nhà ở xã hội hoặc căn hộ nhà ở thương mại có diện tích sàn dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, trong khi nhu cầu của người dân rất lớn.
Cả nước hiện nay cần khoảng hơn 1 triệu căn nhà xã hội, riêng TP HCM cần khoảng 134.000 căn, Hà Nội cần khoảng 111.000 căn, chưa kể những đô thị lớn như Đồng Nai, Bình Dương, những tỉnh nằm trong vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ.
Tuy vậy, việc cung cấp nhà ở xã hội cũng cần đáp ứng những yêu cầu về trình tự, thủ tục nhất định về đầu tư xây dựng, quy hoạch và giấy phép, vì thế cũng cần có thời gian. Việc phát triển nhà xã hội là một quá trình dài hạn chứ không thể ngắn hạn được.
Trong khi đó một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc giải quyết các trình tự, thủ tục về công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án nhà ở xã hội, cũng như việc xem xét, cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, cho phép điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với tiêu chí cho vay theo quy định của NQ 02.
Nguyên nhân nữa đó là một số ngân hàng thương mại được giao nhiệm vụ triển khai việc cho vay cũng còn quá thận trọng, dẫn đến việc chậm trễ trong việc xét duyệt, thẩm định đối tượng cho vay vốn.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp thì để được vay vốn ưu đãi thì sau khi có văn bản giới thiệu của Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp ngoài việc thực hiện 1 số thủ tục như: ký bản ghi nhớ với ngân hàng cho vay về việc tài trợ vốn vay, cung cấp các hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp và hồ sơ dự án để ngân hàng xem xét, đánh giá, thẩm định để xét duyệt hồ sơ vay vốn…, các ngân hàng còn đòi hỏi nhiều thủ tục khác không cần thiết gây kéo dài thời gian giải ngân.
Trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc liên quan đến công chứng hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đối với nhà ở xã hội, xử lý tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai, thủ tục giao dịch bảo đảm trong việc cho vay vốn của các Tổ chức tín dụng mà hiện nay chưa được điều chỉnh bởi pháp luật có liên quan.
Để khắc phục những vấn đề bất cập, tồn tại nêu trên, Bộ Xây dựng đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường...) thực hiện các giải pháp như sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; thủ tục thực hiện, công chứng hợp đồng; đăng ký, xử lý tài sản bảo đảm; nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội…
Đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt các dự án nhà ở xã hội, cho phép chuyển đổi hoặc điều chỉnh cơ cấu các dự án nhà ở thương mại theo đề xuất của chủ đầu tư để góp phần tăng nguồn cung về nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để huy động nguồn vốn vay nước ngoài, vốn ưu đãi của các tổ chức quốc tế nhằm bổ sung nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội. Nhân đây tôi cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và có quy trình thống nhất để các ngân hàng thương mại nhà nước được giao nhiệm vụ, đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân cho cả dự án và người dân.
- Theo Thứ trưởng, năm 2014 chúng ta cần phải thực hiện những giải pháp tổng thể nào nhằm tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường BĐS cũng như giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân có nhu cầu?Trước những diễn biến phức tạp của thị trường, vai trò của Nhà nước cũng như các chủ thể tham gia thị trường cần phải được tăng cường, hoàn thiện để giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, vừa góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Để tháo gỡ được cơ bản các khó khăn của thị trường, thúc đẩy thị trường phát triển, đồng thời tăng khả năng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, trước hết cần tập trung hoàn thiện hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phát triển đô thị và nhà ở theo hướng tăng cường công tác quản lý nhà nước thống nhất từ Trung ương đến địa phương đối với phát triển đô thị và thị trường bất động sản, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, theo quy hoạch, kế hoạch, cân đối cung cầu, để khắc phục tình trạng phát triển bất động sản một cách tự phát, phong trào, lệch pha cung - cầu như những năm vừa qua.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cần phải gắn với việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đảm bảo các sản phẩm bất động sản, nhà ở có chất lượng đến với người dân, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, nhất là các đối tượng người nghèo, thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở.
Các chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn, hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hỗ trợ nhà ở cho vùng thường xuyên bão lũ, người già cô đơn cần được triển khai mạnh mẽ. Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội theo Nghị định số 188/2013/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành về phát triển và quản lý nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của các đối tượng là cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang...
Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đôn đốc, phối hợp với các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm có nhiều dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, thực hiện rà soát các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai, các dự án đã giao chủ đầu tư nhưng chưa triển khai và tiến hành phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội, phù hợp với kế hoạch phát triển nhà của địa phương.
- Vậy Thứ trưởng đánh giá thế nào về triển vọng của thị trường BĐS trong năm 2014?Nhìn vào sự biến đổi của thị trường BĐS năm 2013, nhất là sự tiến triển tích cực ở những tháng cuối năm, tôi cho rằng năm 2014 thị trường BĐS sẽ bắt đầu hồi phục, ấm dần lên.
Điều quan trọng là thị trường sẽ không còn các đợt sốt “nóng lạnh” bất thường, cơ cấu hàng hóa sẽ thiên về các căn hộ có quy mô nhỏ và trung bình, lôi kéo được sự quan tâm trở lại của người mua có nhu cầu thật, sẽ ổn định về mặt giá cả, tăng dần về số lượng giao dịch nhà ở xã hội và nhà ở thương mại quy mô nhỏ, trung bình sẽ là yếu tố chủ đạo dẫn dắt và có tác động lan tỏa sang các phân khúc khác.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Bình luận