Theo vị đại diện pháp lý của EPL, hiện chưa có bất kỳ giải pháp chung nào giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền. Các quan chức EPL đang tiếp tục phát triển các phương pháp chống lại quy trình hoạt động của các đối tượng vi phạm bản quyền.
Hoạt động pháp lý của EPL tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương chủ yếu tập trung vào bốn lĩnh vực cốt lõi: Triển khai các hành động pháp lý nhằm bảo vệ nội dung của Ngoại hạng Anh; Sử dụng công nghệ cao cấp để ngăn chặn việc rò rỉ nội dung trực tuyến; Chặn và làm gián đoạn các luồng trái phép; Thực hiện các chiến dịch giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dùng về những rủi ro liên quan đến việc xem nội dung thể thao qua các nguồn bất hợp pháp.
EPL hiện có trụ sở tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, điều nay cho phép họ hợp tác chặt chẽ với các đơn vị được cấp phép tại địa phương để nắm bắt nhanh nhất có thể các xu hướng vi phạm bản quyền các trận đấu Ngoại hạng Anh. Ông cũng đặc biệt lưu ý các quốc gia Đông Nam Á, trong đó nổi trội lên có Việt Nam.
Cũng theo ông Kevin Plumb, tại Việt Nam, hình thức vi phạm bản quyền Ngoại hạng Anh chủ đạo là các trang web truy cập miễn phí xem các trận đấu. Chính vì thế, việc EPL phối hợp với các đối tác địa phương (ở Việt Nam, K+ là đối tác bản quyền của EPL) áp dụng quy trình chặn trang web hiệu quả là rất quan trọng để giải quyết vấn nạn giải này.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác một cách chặt chẽ với K+ để theo dõi các xu hướng mới và đảm bảo rằng chúng tôi có sẵn các công cụ để giải quyết các xu hướng mới đó ngay khi chúng xuất hiện”, ông Plumb cho biết.
Ngoài ra, theo vị đại diện pháp lý của EPL, chặn DNS là một công cụ vô cũng quan trọng trong công cuộc phòng chống và ngăn chặn các trang web vi phạm bản quyền mở ra ở Việt Nam. Điều này cho phép K+ khoanh vùng các miền vi phạm bản quyền xem được các nội dung của Ngoại hạng Anh phổ biến nhất. Nó cũng khiến việc tìm kiếm các nội dung vi phạm trở nên khó khăn, từ đó tạo ra một trải nghiệm không mấy dễ chịu cho họ.
Việc chặn các web vi phạm hay DNS chỉ là một phần trong chiến lược của EPL. Nó sẽ chỉ thực sự hiệu quả khi được kết hợp với các chiến lược khác bao gồm áp dụng công nghệ, làm gián đoạn, giáo dục và thực hiện các hành động pháp lý phù hợp với địa phương. Việc chặn có rất nhiều hình thức khác nhau và phương pháp được sử dụng luôn phải được điều chỉnh sao cho phù hợp trong từng trường hợp và loại vi phạm cụ thể mà chúng tôi đang phải đối mặt.
Tại Anh, EPL chặn các máy chủ có trách nhiệm phân phối các luồng bất hợp pháp của các trận đấu Ngoại hạng Anh. Việc chặn hệ thống máy chủ trực tuyến này cho phép chặn quyền truy cập tới các luồng phát trực tiếp trong thời gian thực. Sau khi phát hiện và xác minh được thì bất kể hình thức vi phạm bản quyền là gì cũng đều sẽ bị chặn.
Theo ông Plumb, để làm được điều này là nhờ sự đầu tư của EPL vào công nghệ tiên tiến, phức tạp từ đó đảm bảo mức độ chính xác thật cao trong việc xác định, xác minh và làm gián đoạn các luồng truy cập bất hợp pháp trong thời gian thực.
Trong khi đó, ở Singapore, EPL có một loại chặn linh hoạt khác. Phương pháp này cho phép EPL chặn các tên miền trang web vi phạm và sau đó chặn các tên miền mới liên quan đến những miền đã bị chặn khi chúng xuất hiện. Điều quan trọng nhất khi lựa chọn loại hình chặn để duy trì là phải hiểu được vấn đề bạn đang phải giải quyết. Vì vậy, việc có trụ sở tại địa phương và làm việc trực tiếp với các đối tác địa phương là điều cơ bản và quan trọng trong chiến lược chặn của EPL.
Văn phòng của EPL ở Singapore cho phép EPL có một đội ngũ hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác phát sóng của trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như nâng cao các hoạt động nhằm giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền. Điều này bao gồm việc thực hiện các hành động pháp lý đối với những người bán thiết bị phát trực tiếp lậu, cung cấp nội dung trái phép cũng như đối với những người chịu trách nhiệm điều hành các trang web cung cấp các nguồn nội dung Ngoại hạng Anh lậu.
“Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam để đưa các vụ việc ra ánh sáng và theo đuổi các hành động pháp lý tương tự ở các nước trong khu vực khác như Singapore, Malaysia và Thái Lan”, vị Đại diện pháp lý của EPL nói.
Trước đó, EPL từng thực hiện thành công các hoạt động pháp lý “đề nghị hợp tác điều tra” tại Việt Nam. Tháng 6/2020, EPL đã đưa ra hành động chống lại nhà điều hành của nhóm các trang web 60fps có trụ sở tại Hà Nội, Việt Nam. Vào thời điểm đó, 60fps là một trong những nhóm trang web vi phạm bản quyền phổ biến nhất trên thế giới với số lượng lớn người dùng xem lậu các trận đấu Ngoại hạng Anh mỗi tuần.
Sau khi xác định vị trí của nhà phát hành, EPL đã ngừng phục vụ và hủy đăng ký các thông báo trực tiếp về đối tượng này. Các tên miền vi phạm đã được chuyển giao cho Ngoại hạng Anh quyền kiểm soát và nhà phát hành buộc phải chấm dứt mọi hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Ngoại hạng Anh.
Hiện tại, EPL có quan hệ gắn bó với K+ và cả hai phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền. “Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác để đẩy mạnh việc bảo vệ nội dung và đảm bảo người hâm mộ tại Việt Nam được xem các trận đấu Ngoại hạng Anh với chất lượng tốt nhất”, ông Plumb nói.
“Để được trang bị tốt nhất cho cuộc chiến chống vi phạm bản quyền, các chủ sở hữu quyền cần tiếp cận một chế độ chặn nhanh chóng và hiệu quả, một khung pháp lý rõ ràng và một cơ quan thực thi pháp luật nhiệt thành, sẵn sàng làm việc cùng nhau”. Đồng thời, ông tin rằng “điều này có vẻ như đang bắt đầu diễn ra ở Việt Nam”, ông Plumb nói.
Cũng theo ông Plumb, Ngoại hạng Anh có một lượng đông đảo người hâm mộ cuồng nhiệt, đam mê cháy bỏng ở Việt Nam và EPL khuyến khích khán giả tiếp tục tận hưởng việc xem Ngoại hạng Anh thông qua các nguồn chính thống.
"Ngoại hạng Anh là giải đấu bóng đá được xem nhiều nhất trên thế giới và chúng tôi muốn người hâm mộ thưởng thức nó với trải nghiệm xem tốt nhất, thông qua các đối tác phát sóng của chúng tôi. Điều này để đảm bảo rằng người hâm mộ có thể xem bóng đá tốt nhất với chất lượng cao mà không có bất kỳ sự gián đoạn, chậm trễ hay nguy hiểm nào", Giám đốc pháp lý Ngoại Hạng Anh kết luận.
Bình luận