Ngâm mình suốt nhiều giờ sâu dưới bãi bùn ô nhiễm để đãi trùn chỉ, những người dân ấy đang đãi nguồn sống cho cả gia đình.
|
Khi thủy triều xuống, nhiều ngư dân khắp nơi chèo thuyền đến các cửa lạch đổ ra sông Đồng Nai (TP Biên Hòa, Đồng Nai) để đãi trùn chỉ (giun sống dưới nước có thân hình mảnh như sợi chỉ, màu hồng). Tại các cửa này, nước thải sinh hoạt từ nội đô đổ ra cùng với rác trộn lại, gây ô nhiễm nên trùn xuất hiện nhiều. "Chúng tôi xúc bùn vào vợt lưới rồi đãi cho đến khi đất trôi hết, chỉ còn trùn ở lại", một ngư dân cho biết. |
|
Hiện có khoảng 30 người ở khắp các tỉnh thành như Đồng Nai, TP HCM, Long An... làm nghề đãi trùn. Phương tiện của họ gồm thuyền, vợt lưới và các loại vật dụng chứa trùn. |
|
Ông Nguyễn Văn Thạnh (50 tuổi, ngụ phường Tân Mai, TP Biên Hòa) cho biết, trước đây hành nghề đánh cá trên sông Đồng Nai. Những năm gần đây, thu nhập từ việc chài lưới không đủ nuôi sống gia đình nên ông chuyển sang nghề đãi trùn chỉ. Ông nói: "Nghề cực nhọc và tiếp xúc nước bẩn liên tục, nhưng nếu không làm thì lấy gì ăn. Năm nay nhiều người đổ về sông đãi trùn nhiều nên việc này không còn thuận lợi như những năm trước". |
|
Sau khi đãi được trùn, ngư dân mang chúng đến bán cho những người nuôi cá lồng trên sông hoặc những người chơi cá cảnh. Mỗi lon trùn (vỏ lon sữa bò) đãi sạch đất có giá 8.000 - 9.000 đồng. |
|
"Ngày nào may mắn, gặp điểm có nhiều trùn thì được khoảng 20 lon, bán được gần 200.000 đồng. Có những hôm đãi từ mờ sáng đến trưa nhưng thu nhập chưa đến 100.000 đồng", một ngư dân cho biết. |
|
Ngâm mình dưới nước bẩn suốt nhiều giờ nên hầu hết người hành nghề này bị lở loét, ngứa, bệnh thấp khớp... Theo ngư dân, họ thường xuyên bị rách da, chảy máu do đạp trúng mảnh vỡ thủy tinh. |
|
Nhiều người tự bảo vệ bằng cách đeo găng tay cao su. Vợt dùng để xúc trùn được làm bằng khung sắt to nên có thể ngồi trên thuyền để kéo. "Sạch nhưng hiệu quả không cao. Lượng trùn đãi được chỉ bằng 1/4 so với cách ngâm mình xúc bùn trực tiếp", ngư dân tên Hòa chia sẻ. |
|
Theo người dân, ở TP Biên Hòa các điểm xả thải ra sông ô nhiễm nặng như Suối Linh, suối Săn Máu, rạch Bà Thầy, rạch Gió... có nhiều trùn chỉ. "Nước ở đó luôn có màu đen và mùi hôi nồng nặc. Khi bước chân xuống, bong bóng sục lên kéo theo các chất trôi lơ lửng. Bẩn như thế trùn mới sinh sống nhiều", ông Hoàng Văn Phước nói. |
|
Người đàn ông chở trùn chỉ đi bán cho các hộ dân nuôi cá bè trên sông Cái (nhánh sông Đồng Nai) tại phường Tân Mai. |
|
Nghề vất vả, phải tiếp xúc với nước bẩn nhưng ngư dân vẫn gắn bó và làm việc chăm chỉ để kiếm tiền nuôi gia đình. Bất kể nắng mưa, ngày đêm, mỗi khi thủy triều rút, họ lại "say sưa" với nghề. |
Bình luận