• Zalo

Ảnh hưởng của sự cố đứt cáp AAG lần này không lớn

Kinh tếThứ Hai, 20/02/2017 09:36:00 +07:00Google News

Theo đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam, ảnh hưởng của sự cố đứt cáp AAG ngày 18/2/2017 đến người dùng Internet Việt Nam là không lớn, do lúc này các ISP đều đang chú ý đưa cáp APG vào hoạt động và vẫn đang trong tình trạng ứng phó với sự cố của IA.

Vào chiều tối ngày 18/2 vừa qua, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway (AAG)  kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ đã gặp sự cố đứt cáp tại vị trí cáp nhánh cập bờ khu vực Hong Kong, làm ảnh hưởng đến toàn bộ lưu lượng của tuyến cáp AAG từ Việt Nam đi Hong Kong. Trong thông tin chính thức về sự cố vừa xảy ra với tuyến cáp AAG được phát ra sáng ngày 19/2, cả 2 nhà mạng lớn VNPT và Viettel đều cho biết vẫn chưa nhận được lịch sửa chữa từ phía đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển này.

Hiệp hội Internet Việt Nam: Ảnh hưởng của sự cố đứt cáp AAG lần này không lớn

Theo chia sẻ của đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam, hông thường cần từ 2 - 3 tuần để khắc phục sự cố, khôi phục 100% lưu lượng Internet quốc tế trên tuyến cáp quang biển AAG (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) 

Trao đổi với phóng viên vào chiều ngày 19/2/2017, ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho hay, sự cố xảy ra trên tuyến cáp dưới đáy biển nên thời gian khắc phục không thể nhanh được, bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan. “Thông thường cần từ 2 - 3 tuần để khắc phục sự cố, khôi phục 100% lưu lượng Internet quốc tế trên tuyến cáp”, ông Bình chia sẻ.

Nói thêm về mức độ ảnh hưởng đối với các ISP tại Việt Nam có sử dụng lưu lượng trên tuyến cáp biển AAG khi vị trí bị lỗi trên nhánh gần Hong Kong, ông Vũ Thế Bình cho biết, nếu cáp biển AAG đứt ở phân đoạn Vũng Tàu thì ảnh hưởng sẽ ít hơn khi đứt vị trí gần Hong Kong.

Ông Bình phân tích: “Phân đoạn Vũng Tàu được đấu vào đoạn Hong Kong - Singapore, do đó nếu đứt cáp ở gần Hong Kong thì toàn bộ liên lạc từ Hong Kong xuống phía Nam đều bị gián đoạn, kể cả phân đoạn Hong Kong - Singapore. Khi đó, ảnh hưởng với người dùng Internet Việt Nam sẽ lớn hơn”.

Hiệp hội Internet Việt Nam: Ảnh hưởng của sự cố đứt cáp AAG lần này không lớn

Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng việc tuyến cáp APG được đưa vào khai thác đã tăng tính an toàn cho Internet Việt Nam, đồng thời giảm sự thuộc vào tuyến cáp AAG (Nguồn  ảnh: CMC Telecom) 

Tuy nhiên, cũng theo nhận định của đại diện VIA, rõ ràng việc tuyến cáp biển châu Á - Thái Bình Dương (APG) được đưa vào khai thác từ cuối năm 2016 đã gia tăng tính an toàn cho Internet Việt Nam, đồng thời giảm sự phụ thuộc lớn vào tuyến cáp biển AAG. “Hiện tại, mặc dù các ISP tại Việt Nam vẫn chưa thông tin chính xác về dung lượng qua cáp APG, nhưng chúng ta cũng thấy là khi AAG đứt, Internet có ảnh hưởng nhưng thời gian ảnh hưởng ít hơn trước nhiều”, đại diện VIA nhấn mạnh.

Đánh giá cụ thể về mức độ ảnh hưởng của sự cố đứt cáp biển AAG lần này với việc truy cập Internet quốc tế của người dùng Việt Nam, Tổng thư ký VIA Vũ Thế Bình cho rằng, khi tuyến cáp AAG vốn cung cấp hơn phân nửa dung lượng Internet Việt Nam bị sự cố, chắc chắn Internet Việt Nam ít nhiều có bị ảnh hưởng.

“Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến đâu phụ thuộc nhiều vào sự sẵn sàng của các ISP và thời điểm sự cố. Lần này, cũng rất may là sự cố vào cuối tuần, có thể coi là thấp điểm và đúng lúc các ISP đang chú ý đưa cáp APG vào hoạt động, trong khi vẫn ở trong tình trạng ứng phó với sự cố của IA, cho nên tôi cho rẳng ảnh hưởng sẽ không lớn”, ông Bình nói.

Ông Bình cũng nhấn mạnh: “Các giải pháp của các ISP Việt Nam, đặc biệt là các ISP lớn là rất rõ ràng. Dù vậy, ứng cứu và định tuyến là các tác vụ kỹ thuật phức tạp, trong khi các ISP đều phải tối ưu về mặt kinh doanh, nên khi một tuyến cáp sự cố, một số nhóm người dùng Internet cũng sẽ bị ảnh hưởng và khó chịu nhất định, cho dù các ISP có chuẩn bị tốt đến đâu”.

Bình luận về trách nhiệm của các ISP trong việc đảm bảo quyền lợi cho người dùng Internet Việt Nam khi thời gian gần đây các tuyến cáp quang biển quốc tế liên tục gặp sự cố, đại diện VIA nêu ý kiến, nhìn ở góc độ người dùng, họ đang dùng mạng với tốc độ nhanh, khi bị sự cố khiến tốc độ bị ảnh hưởng, đương nhiên người dùng không hài lòng. Tuy nhiên, để đánh giá các ISP có đảm bảo đúng quyền lợi của người dùng hay không, chúng ta cần quan tâm đến các điều khoản trong hợp đồng như: cam kết dịch vụ như thế nào, các điều khoản về điều kiện bất khả kháng ra sao...

“Theo tôi biết, tuỳ theo các nhóm khách hàng mà các ISP sẽ có những cam kết (SLA) khác nhau. Vì thế, khi có sự cố, chúng ta sẽ thấy có nhóm người dùng bị ảnh hưởng nhiều, có nhóm người dùng bị ảnh hưởng ít”, đại diện VIA cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi trong bối cảnh các nhà mạng đang gấp rút để cung cấp chính thức 4G, liệu khi cáp AAG gặp sự cố, có xảy ra tình trạng nhà mạng dồn băng thông cho 4G dẫn đến ảnh hưởng chất lượng các dịch vụ khác cung cấp cho người dùng, đại diện VIA cho rằng: “Việc này tuỳ vào ưu tiên của các nhà mạng. Nếu một nhà mạng ưu tiên cho 4G, thì sẽ ảnh hưởng đến nhóm người dùng khác. Bởi lẽ, không nhà mạng nào để sẵn dự phòng 100% dung lượng vì điều này phi kinh tế. Còn ảnh hưởng mức độ nào, thời gian bao lâu, với nhóm khách hàng nào là tuỳ vào chính sách và năng lực xử lý của từng nhà mạng”.

Trước đó, Viettel đã khẳng định các khách hàng của nhà mạng này sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự cố này do trước Tết Âm lịch Viettel đã bổ sung và nâng cấp dung lượng kết nối quốc tế trên tuyến APG nhánh đi Hong Kong, Nhật Bản và các hướng đất liền qua Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan.

Đồng thời, Viettel cũng đã triển khai giải pháp đẩy lưu lượng cache (lưu trữ dữ liệu) cho các server máy chủ của Google, Facebook tại Việt Nam để giúp khách hàng vẫn truy cập dịch vụ mà không phải kết nối qua hướng quốc tế. Ngoài ra, tuyến cáp biển Liên Á (IA) cũng đang được khắc phục sửa chữa, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 25/2/2017 sẽ tăng cường dung lượng dự phòng kết nối quốc tế cho Viettel để đảm bảo chất lượng dịch vụ tới khách hàng.

Còn theo VNPT, ngay sau khi cáp AAG xảy ra sự cố, VNPT đã mở ứng cứu lưu lượng tuyến TP.HCM - Đà Nẵng để lưu thoát lưu lượng Internet quốc tế khu vực miền Nam qua cáp APG và SMW3, đồng thời 1 phần lưu lượng được định tuyến ra Hà Nội để lưu thoát lưu lượng qua hướng cáp CSC, đảm bảo duy trì tốt các hướng đi các nước châu Á, Âu, Mỹ, các kết nối với Google và Facebook.

Được khai trương và đưa vào hoạt động từ tháng 11/2009, AAG là hệ thống cáp quang biển có chiều dài 20.000 km, dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuyến cáp quang biển này được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Mỹ (Guam, Hawaii và California). ể từ khi được đưa vào hoạt động hồi cuối năm 2009, tuyến cáp AAG đã nhiều lần gặp sự cố hoặc được bảo trì khiến lưu lượng của các ISP tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến cáp đều bị ảnh hưởng. Lần đứt cáp AAG ngày 18/2/2017 là lần thứ hai trong năm nay và lần thứ 11 tính từ năm 2014 đến nay tuyến cáp quang biển quốc tế này gặp sự cố hoặc được bảo trì.

(Nguồn: ictnews.vn)
Bình luận
vtcnews.vn