• Zalo

5 điểm du xuân lý tưởng ở Hà Nội

Thời sựThứ Hai, 03/02/2014 08:25:00 +07:00Google News

(VTC News) - Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, chùa Hương đứng đầu danh sách những điểm nên tới dịp đầu xuân.


Theo bà Trang, đầu tiên phải kể tới chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức).
“Dịp đầu xuân, thông thường người ta hay đến với Chúa, Phật, các Ngài có công với đất nước như Đức Thánh Gióng, Đức Thánh Tản, Mẫu Liễu Hạnh, Đức Phật Bà (Chùa Hương), đình Tây Đằng…
Chùa Hương như trong sách cổ đã nói là nơi hội vui nhất trời Nam và tiêu biểu khắp trên địa bàn miền Bắc bởi lễ hội này kéo dài 3 tháng. Theo thông lệ, đến 6/1 sẽ tổ chức khai hội này”, bà Trang nhấn mạnh.
Dưới đây là một số thông tin có thể bạn chưa biết về 5 điểm trên:
1. Lễ Hội chùa Hương
chua huong

 Lễ hội chùa Hương

Kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội) là một trong những điểm thu hút khách hành hương lớn nhất miền Bắc những ngày đầu xuân.
Một trong những điểm mới ở Lễ hội chùa Hương 2014 là Ban quản lý di tích sẽ đưa vào sử dụng và khai thác nhà soát vé mới tại bến Thiên Trù.
Ngoài ra, toàn bộ vé thăm thắng cảnh chùa Hương mùa hội năm nay sẽ được thay thế bằng thẻ từ có mã vạch. Cùng với đó, một trạm kiểm tra vé được xây mới với 19 cửa có lắp camera giám sát sẽ được đưa vào sử dụng trong mùa hội này, thay thế cho các cửa zích zắc thiếu thẩm mỹ được sử dụng từ nhiều mùa hội trước.
Theo thống kê sơ bộ thì lượng thuyền đò tham gia vận chuyển khách cũng đã được kiểm tra, đăng ký với số lượng lên tới khoảng gần 5.000 chiếc, vì thế hiện tượng “cháy” đò trong những ngày cao điểm sẽ hiếm khi xảy ra.
Tuy nhiên, năm nay giá vé cáp treo trong mùa hội 2014 sẽ tăng lên 140.000 đồng/2 chiều thay vì 120.000 đồng/2 chiều như mọi năm. Ban tổ chức lễ hội cũng đã thiết lập một đường dây nóng, công khai số điện thoại của trưởng và phó thường trực ban tổ chức lễ hội để tiếp nhận trực tiếp những phản ánh của du khách.
2. Hội Gióng
hoi giong vtc

 Hội Gióng - một lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm tại nhiều nơi ở Hà Nội

Lễ hội Thánh Gióng (hay hội làng Phù Đổng) là một trong những lễ hội dân gian có quy mô lớn nhất ở khu vực đồng bằng Bắc bộ.
Theo truyền thuyết, ngày 9/4 âm lịch là ngày ông Gióng thắng giặc Ân và đó cũng là ngày tưởng nhớ người anh hùng, nhân dân đã tổ chức hội làng Phù Đổng. Hiện Thánh Gióng được phụng thờ ở Hà Nội và nhiều địa phương khác.
Mang đặc điểm chung của lễ hội dân gian, lễ hội Thánh Gióng lắng đọng khá nhiều lớp phù sa lịch sử - văn hóa, vẫn lưu giữ những nét riêng ít lễ hội dân gian nào có được.
Yếu tố “gốc” của lễ hội Thánh Gióng tồn tại chủ yếu trong tiềm thức con người qua các thế hệ, gắn bó với mỗi người và luôn được tiếp nhận cái tinh túy, bồi đắp thêm những lớp phù sa văn hóa - tín ngưỡng, đồng thời cũng sàng lọc những yếu tố không còn thích hợp để sự sáng tạo ấy luôn mang tầm nhân loại.
Tại Hà Nội, hiện thống kê được 5 làng có đền thờ Thánh Gióng: Đền Sóc (Phù Ninh, Sóc Sơn), đền Thánh Gióng (Phù Đổng, Gia Lâm), đền Sóc (Xuân Đỉnh, Từ Liêm), đền Gióng (Đông Bộ Đầu, Thường Tín) và đền Gióng (Chi Nam - Gia Lâm).
Hàng năm, các địa phương thờ Thánh Gióng đều rất sáng tạo để tổ chức lễ hội, tưởng nhớ người anh hùng. Làng Phù Đổng diễn lại chiến công của Thánh Gióng, bắt 28 cô gái xinh đẹp của làng làm tướng giặc. Làng Sóc diễn lại cảnh Thánh Gióng đánh trận rồi bay về trời...
Điểm nhấn của hội Gióng ở các địa phương là hội trận mà không có gươm đao, tất cả được tái hiện bằng biểu tượng. Lễ hội Thánh Gióng là một hệ thống biểu tượng có những tầng ý nghĩa sâu xa, lâu đời, nhưng cũng có tầng ý nghĩa mới mẻ, cô đọng.
3. Lễ hội đền Thánh Tản Viên

 Hình ảnh tại lễ hội này

Nhắc tới Ba Vì không thể không nhắc tới hình ảnh núi Ba Vì- đó là ngọn núi kỳ vĩ và linh thiêng gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh - Đức Thánh Tản. Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Vì có gần 80 điểm thờ Tản Viên Sơn Thánh. Đó là những minh chứng cho sự ảnh hưởng mạnh mẽ về hình tượng Đức Thánh Tản trong tín ngưỡng dân gian của người Việt- nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Ba Vì.
Cụm di tích đền Hạ- đền Trung- đền Thượng, thờ Đức Thánh Tản Viên thuộc địa phận hai xã Minh Quang và Ba Vì. Đền Thượng hay còn gọi là chính cung Thần Điện. Theo truyền thuyết và Ngọc phả có liên quan cho rằng, đền Thượng có từ thời An Dương Vương.
Đền có vị trí và kiến trúc độc đáo, một mái lộ thiên lợp ngói và một mái ngầm dưới lòng tảng đá lớn nằm ở độ cao 1.227m bên sườn núi Ba Vì. Đền Trung hay còn gọi là Trung cung, tọa lạc ở lưng chừng núi Ba Vì.
Đền thờ bà Ma Thị Cao Sơn,vị thần chủ cai quản núi Tản Viên, đồng thời cũng là mẹ nuôi của Đức Thánh Tản. Đền Hạ còn gọi là Tây cung, nằm dưới chân núi Tản, bên bờ sông Đà. Theo truyền tích kể lại, đây là nơi anh, em Sơn Tinh trên đường từ động Lăng Xương sang núi Tản kiếm củi, vì trời tối không về kịp nên phải dựng lều nghỉ lại. Về sau, nhân dân đã lập miếu thờ để tưởng nhớ Ngài và gọi là đền Hạ.
Lễ hội tại cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng giêng hàng năm.
Các nghi thức truyền thống của lễ hội đều được phục dựng theo truyền thống như: Lễ rước nước từ đền Hạ lên đền Trung; lễ hiến thánh 5 thôn- xã Minh Quang, lễ dâng hương tại các đền và các trò chơi dân gian gồm: kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy, cờ tướng, leo núi, chọi gà, bóng chuyền nam, ném còn, bóng đá thiếu niên cúp Tản Viên.
4. Lễ hội Phủ Dầy - tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh
hội phủ giầy

Rước kiệu trong hội Phủ Dầy (Ảnh chỉ có tính  minh họa)

Người Việt có câu “Tháng Tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”. Cha là Vua cha Bát Hải hay Đức Thánh Cha Trần Hưng Đạo thì còn mơ hồ nhưng Mẹ chắc chắn là Mẫu Liễu. Đích xác Mẫu Liễu giáng thế từ năm nào tháng nào thì không ai nói được. Nhưng đến khoảng thế kỷ XVI thì tín ngưỡng Mẫu Liễu đã lan tỏa khắp Bắc bộ. Hai trung tâm thờ Mẫu Liễu lớn nhất miền Bắc là Phủ Tây Hồ Hà Nội và Phủ Giầy Nam Định.
Ở phủ Tây Hồ, nơi thờ Mẫu lớn nhất ở Hà Nội, sau ban Tam Tòa là hậu cung riêng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh: “tượng Mẫu Liễu được đặt trong hậu cung nơi thâm nghiêm, sâu và cao nhất. Tượng mặc áo đỏ, có khăn vàng vắt qua người, ngồi xếp bằng trong một khám thờ riêng được sơn son thếp vàng lộng lẫy với các hình chạm trổ lưỡng long chầu nhật và nhiều hoa văn khác.
Phía sau đầu là vòng hào quang, tạo cho Mẫu Liễu có dáng vẻ uy nghi linh thiêng.” [12; 57]. Phủ Tây Hồ gắn liền với huyền thoại Thánh Mẫu Liễu Hạnh gặp gỡ và họa thơ với các văn sĩ Phùng Khắc Hoan và hai ông Ngô, Lý.
Làm thế nào để có một cuộc sống hạnh phúc, sống cho ra sống, sống thật hiển hách, rỡ ràng là tinh thần của Đạo Mẫu mà tiếng nói từ hình tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh chính là phát ngôn hùng hồn cho Đạo Sống của người Việt Nam.
5. Hội đình Tây Đằng
dinh tay dang vtc

 Đình Tây Đằng

Người Hà Tây bây giờ đã dần quen với cái tên người Hà Nội nhưng văn hóa một đời đâu thể dễ phai màu trong tâm trí.
Diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, tưởng nhớ công lao đức thánh Tản Viên và hai vị tướng của ông là Cao Sơn và Quý Minh, hội đình Tây Đằng mang đặc trưng của lễ hội truyền thống đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. Trong lễ hội có lễ dâng hương, rước kiệu và bài vị của ba thánh.
Ngoài ra, cũng còn khá nhiều lễ hội đáng chú ý khác như hội chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, Thanh Oai, mở vào 2/1 âm lịch), hội chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, Chương Mỹ, diễn ra từ 4 – 6/1 âm lịch), hội Quán Thánh (xã Thống Nhất, Thường Tín, mở vào 8/1 âm lịch), hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, diễn ra từ 8 – 10/1 âm lịch), hội làng Chuông (xã Phương Trung, Thanh Oai, diễn ra vào 10/1 âm lịch), hội Dô (xã Tuyết Nghĩa, Quốc Oai, 36 năm mới mở hội một lần diễn ra từ ngày 10 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch)…
Năm 2014, Hà Nội có 5 di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt trong đó có Di tích lịch sử Đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Di tích lịch sử Đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ), Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm), Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Tây Đẳng (huyện Ba Vì).
Bạn cũng có thể tới thăm 1 trong 5 di tích trên.>
Bình luận
vtcnews.vn