• Zalo

200.000 trẻ sẽ được tiêm vaccine sởi

Sức khỏe Thứ Hai, 24/02/2014 01:25:00 +07:00Google News

(VTC News) - Dự kiến sẽ có khoảng 200.000 trẻ từ 9-24 tháng tuổi được tiêm 1 mũi vaccine sởi từ tháng 2-4/2014.

 

  Thành lập lại các đội tiêm phòng lưu động

Trong “Kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng chống dịch sởi và tiêm vét vaccine sởi”, ngành Y tế sẽ tập trung vào các tỉnh miền núi phía Bắc, các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng vaccine sởi thấp trong vòng 3 năm nay.

Trước tình hình dịch sởi đang bùng phát trở lại, Bộ Y tế liên tục đưa ra những chương trình hành động nhằm tiêu diệt  dịch sởi.

 

 

 

Tại hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi, sáng 23/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng cần thành lập lại các đội tiêm phòng lưu động để đảm bảo không bỏ sót trẻ cần tiêm phòng vaccine tại vùng sâu, vùng xa.

 

Bộ trưởng cho biết: “Cần xem xét lại mô hình tiêm chủng, không chỉ thường xuyên tại trạm y tế mà phải duy trì lại các đội tiêm phòng lưu động để đảm bảo miễn dịch cộng đồng”.

Còn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không chỉ với vaccin sởi,  ngành Y tế cần đặc biệt lưu ý những vaccine khác trong thời gian qua vì nhiều lý do mà tỷ lệ tiêm ít đi.

Phó Thủ tướng yêu cầu cần tập trung thực hiện công tác tiêm chủng với mức độ cao nhất. Đây là việc đặt ra nghiêm túc cho ngành Y tế và cả hệ thống chính trị. Không chỉ Bộ Y tế có hướng dẫn sâu về kỹ thuật mà tại các địa phương phải hướng dẫn rất cụ thể, ràng buộc trách nhiệm cho từng cấp, từng người.

Đồng thời, rút kinh nghiệm về quy trình tiêm vaccine, xử trí tình huống khẩn cấp, chủ động cung cấp thông tin, truyền thông minh bạch, rõ ràng, tránh làm cho người dân mất lòng tin.

Phó Thủ tướng nói: Việc thành lập các đội tiêm phòng lưu động cần phải có các đội cấp cứu đi kèm để xử trí kịp thời các sự cố sau tiêm chủng, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Việc bùng phát dịch sởi trên diện rộng hiện nay là một minh chứng cho thấy, khi chúng ta lơ là, không đưa con em mình đi tiêm chủng đầy đủ thì hậu quả của những năm sau là dịch bệnh sẽ bùng phát.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, tại Việt Nam, từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014 cả nước có 18 tỉnh, thành phố đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sởi.

Số trường hợp mắc rải rác và ở quy mô nhỏ tại các tỉnh miền núi phía bắc như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và thành phố lớn có nhiều dân di cư như Hà Nội và TP.HCM. Các trường hợp mắc chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi chưa được tiêm vaccine sởi hoặc chưa tiêm vaccine đủ mũi.

Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất, nếu trẻ được tiêm đủ hai mũi vaccine thì hiệu lực bảo vệ lên tới 95%. Tuy nhiên trong những năm vừa qua, tỷ lệ trẻ đi tiêm vaccine sởi mới chỉ đạt 90-95%, trong đó tỷ lệ tiêm vaccine mũi hai có nơi mới chỉ đạt khoảng 80 đến 90%.

Đặc biệt, các khu vực ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa còn có tỷ lệ thấp hơn do đó một số trẻ em tại địa phương vẫn chưa được bảo vệ. Như vậy, sau khoảng ba đến năm năm, số tích lũy trẻ không có miễn dịch tăng lên và tạo nên những đợt tăng của bệnh.

Hà Nội bắt đầu chiến dịch tiêm phòng sởi từ 3/3

Chỉ riêng tại Hà Nội, đã ghi nhận 500 ca nghi sởi, trong đó 159 ca dương tính với sởi, phân bố rải rác ở 26 quận, huyện. Dự kiến trong vòng 2 tháng nữa, Hà Nội sẽ khống chế được dịch sởi.

Theo đó, Hà Nội sẽ triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ ngày 3/3.

Cụ thể, thành phố sẽ tổ chức tiêm vaccine sởi thành 2 đợt, đợt đầu từ ngày 3 đến 10/3 và tiêm vét đợt 2 từ ngày 3 đến 10/4. Dự kiến có khoảng 60.000 trẻ sẽ được tiêm vắc-xin phòng sởi dịp này.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông - xuân, đến nay sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.

Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong phòng, không gian khép kín và ở nhóm người chưa có miễn dịch phòng bệnh sởi do chưa được tiêm chủng vaccine sởi, chưa từng mắc bệnh sởi trước đó hoặc ở một số rất ít đối tượng không có đáp ứng sau tiêm vaccine.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là: có sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sau: ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp.

Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như: mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra xảy thai, đẻ non.

Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc sởi. Do vậy, các nhóm đối tượng này cần được bảo vệ bằng tiêm vaccine sởi.

Theo Cục Y tế dự phòng, dịch sởi gia tăng chủ yếu do việc tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine chưa được bao phủ tất cả trẻ em. Thời gian qua, do quá lo sợ về phản ứng sau tiêm nên một số cha mẹ không đưa con đi tiêm chủng các vaccine phòng bệnh, bao gồm cả vaccine sởi.

Điều này đã làm gia tăng nguy cơ mắc sởi cho trẻ do không được tiêm phòng. Tuy vậy, vaccine sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ và sẽ hết trong khoảng từ 1-2 ngày sau tiêm mà không cần điều trị gì.

Bình luận
vtcnews.vn