Hàng trăm hộ dân trong vùng quy doạch Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn phải sống trong những căn nhà dột nát.
14 năm qua, các hộ dân thuộc vùng quy hoạch Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng sống trong cảnh nhà cửa xuống cấp, thấm dột tứ bề và chưa biết đến khi nào mới có thể an cư lạc nghiệp.
Mưa bão là vào chùa
Mấy năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (61 tuổi, trú tổ 20, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) xin chính quyền mượn tạm khu đất trống ở ngã ba đường dựng quán bán nước mía, bánh kẹo làm kế sinh nhai vì chưa biết đến bao giờ mới có đất tái định cư để chuyển đến nơi ở mới, tìm việc làm, nhường đất lại cho cơ quan chức năng thực hiện Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn.
Theo ông Hùng, nhà đất của gia đình hơn 220m2 thuộc vùng quy hoạch Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn. Sau khi công bố quy hoạch vào tháng 6/2009, ngành chức năng tổ chức kiểm định, áp giá đền bù với tổng số tiền khoảng 420 triệu đồng. Vài năm sau, gia đình ông nhận hơn 200 triệu đồng tiền đền bù, chờ nhận đất tái định cư để chuyển đến nơi ở mới nhưng chờ mãi không thấy bố trí đất.
“14 năm rồi, nhà cửa xuống cấp, cả gia đình 3 thế hệ với 9 người phải sống tạm bợ, muốn sửa chữa cũng không được vì vướng quy hoạch. Trận bão tháng 10/2022, toàn bộ hệ thống la phông bị gió giật nát, bây giờ mùa nắng, nóng không chịu nổi. Gia đình cũng nhiều lần có đơn xin ý kiến địa phương sửa chữa lại nhà nhưng không được đồng ý vì tất cả phải giữ nguyên trạng”, ông Hùng buồn bã kể.
Bà Tấn, vợ ông Hùng cũng bày tỏ bức xúc và lo lắng khi mùa mưa bão đang đến nhưng nhà cửa đã quá cũ, tôn mục nát, tường thấm ẩm, có thể đổ sập nếu bão đổ bộ.
“Cứ mỗi khi có bão là cả nhà phải khăn gói, dắt díu nhau đến các gia đình có nhà kiên cố để tránh trú chứ không dám ở nhà. Bây giờ chỉ mong quận, thành phố dứt khoát rằng chúng tôi đi hay ở để yên tâm chứ sống cảnh thế này, cực lắm”, bà Tấn bức xúc.
Tương tự, gia đình ông Bốn cũng đang sống khổ sở trong căn nhà cũ nát hơn 10 năm qua vì thuộc quy hoạch dự án này. Sau mấy hôm trời mưa, thấm dột, ông Bốn tranh thủ tháo bỏ hệ thống la phông bị mối mọt, thấm nước rớt xuống vương vãi khắp nhà.
“Đồ đạc hư hỏng vì mối mọt, giờ tranh thủ dọn dẹp, xem cái gì còn dùng được thì giữ lại, cái gì hư hỏng thì bỏ đi. Trần nhà mục nát hết, tôn thủng khắp nơi nhưng có sửa được đâu. Xin phép chính quyền địa phương nhưng họ bảo đã kiểm định rồi, không được sửa chữa”, ông Bốn cho biết.
Ông Bốn bày tỏ lo lắng, bây giờ bắt đầu vào mùa mưa bão, không biết căn nhà có trụ được không nhưng cũng chẳng còn cách nào khác, đành chấp nhận đến đâu hay đến đó.
“Cứ mưa bão là gia đình tôi cùng hàng xóm lại kéo nhau ra chùa trú ngụ, đợi hết gió thì về dọn dẹp, sập chỗ nào che chỗ đó sống tạm. Mười mấy năm như vậy rồi, mệt mỏi và bức xúc lắm”, ông Bốn chia sẻ.
Cũng theo ông Bốn, ngày 3/8, người dân được mời tham dự công bố Quyết định số 822/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Tại đây, chính quyền địa phương thông báo thời gian thực hiện giải tỏa đền bù, di dời dân sẽ được thực hiện từ đây cho đến năm 2030. Tuy nhiên, khi nào người dân có đất tái định cư, di dời thì chưa ấn định.
Chung nỗi lo, gia đình ông ông Huỳnh Bá Nhựt (65 tuổi, trú tổ 19, phường Hòa Hải) đang đối mặt với hàng loạt hệ lụy do dự án “treo” kéo dài.
“Gia đình tôi gồm 3 thế hệ với 8 nhân khẩu sống trong 2 căn nhà liền kề. Do nhà nằm trong khu vực dự án nên nhiều năm qua chúng tôi không thể xây mới hoặc sửa chữa lớn được. Cứ thế, gia đình cực khổ sống trong căn nhà xuống cấp, mưa thì dột, nắng thì nóng như lò lửa. Chỉ mong TP Đà Nẵng sớm triển khai dự án để gia đình được chuyển đến nơi khác, xây nhà mới ổn định cuộc sống”, ông Nhựt cho biết.
Nỗi lo giải tỏa
Ghi nhận của PV VTC News, trong khu vực quy hoạch Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn (được giới hạn bởi đường Phạm Hữu Nhật - Sư Vạn Hạnh - Lê Văn Hiến) hiện có hàng trăm hộ dân sống cảnh nhà cửa sập xệ, dột nát gần 15 năm qua và chưa biết đến bao giờ mới được chuyển đến chỗ mới.
Chịu cảnh “đi không được, ở không xong” suốt gần 15 năm qua, hàng trăm hộ dân thuộc dự án này còn canh cánh nỗi lo lớn hơn nữa là nếu chuyển đến chỗ ở mới thì không biết lấy tiền đâu để xây dựng nhà cửa, nộp tiền đất tái định cư.
Trong số hàng trăm hộ dân thuộc khu quy hoạch, có nhiều hộ đã nhận tiền đền bù đến 80% từ lâu nhưng không có đất tái định cư nên không xây nhà để chuyển đến nơi ở mới. Đến thời điểm này, số tiền nhận được gần như chi tiêu hết, nếu có đất cũng không thể xoay sở để xây nhà.
“Gia đình tôi được kiểm định, áp giá đền bù hơn 400 triệu đồng, đã nhận hơn 200 triệu đồng từ năm 2012 nhưng chờ đến nay đã hơn 10 năm mà không có đất tái định cư thì thử hỏi phải chuyển đi đâu. Chưa kể thời điểm 2012 với số tiền ấy có thể xây nhà nhưng đến bây giờ thì làm sao đủ để mua nguyên vật liệu chứ chưa nói đến tiền công thợ, tiền nộp đất tái định cư”, ông Nguyễn Văn Hùng lo lắng.
Gia đình ông Bốn cũng chung nỗi lo khi giải tỏa rồi không biết lấy tiền đâu xây dựng nhà cửa vì số tiền nhận đền bù từ lâu, hiện chi tiêu hết.
“Nếu thời điểm đó có đất tái định cư, chúng tôi nhận tiền, xây nhà thì bây giờ đâu đến nỗi phải lo lắng, sống cảnh cơ cực thế này. Tiền nhận về, hễ có việc thì phải dùng đến, bây giờ lấy gì để xây nhà. Chỉ mong thành phố có hướng giải quyết cho dân chứ áp giá đền bù cách đây 14 năm, bây giờ mới giải tỏa, bố trí tái định cư thì thiệt thòi cho người dân quá”, ông Bốn mong muốn.
Chung nỗi lo, bà Trần Thị Hương (76 tuổi, trú tổ 1, phường Hòa Hải) mong chính quyền, ngành chức năng phải kiểm định lại, áp giá đền bù theo thời điểm hiện nay chứ không thể đẩy phần thiệt thòi về phía người dân.
“Điều chúng tôi mong muốn nhất là thành phố sớm bố trí đất tái định cư thực tế chứ không phải trên quy hoạch, giấy tờ. Cạnh đó, thành phố phải kiểm định lại, áp giá đền bù theo thời điểm hiện nay. Ví dụ thời điểm năm 2009 áp giá đền bù 200 triệu đồng, bây giờ áp giá lại là 500 triệu đồng thì chúng tôi sẵn sàng trừ đi phần 200 triệu đã nhận. Như vậy chúng tôi mới có tiền để xây dựng nhà cửa tại nơi ở mới, ổn định cuộc sống”, bà Hương chia sẻ.
Nêu bức xúc của người dân tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vừa qua, bà Cao Thị Huyền Trân, Bí thư quận Ngũ Hành Sơn cho rằng thành phố cần sớm công bố quy hoạch, tiến hành cắm mốc giới, di dời các hộ dân trong khu vực danh thắng theo hồ sơ được duyệt.
Bà Trân cho biết, hiện trong ranh giới quy hoạch danh thắng có 1.517 hồ sơ nhà ở, đất nông nghiệp phải di dời. Thời gian qua, có 681 hồ sơ đã bàn giao mặt bằng, còn lại 836 hồ sơ chưa bàn giao, trong đó có 141 hộ gia đình đã nhận 80% tiền đền bù.
“Quy hoạch đã kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân nằm trong khu vực giải tỏa. Vì vậy, đề nghị TP Đà Nẵng trước hết thống nhất chủ trương tiếp tục cho di dời những hộ dân đã nhận tiền đền bù để sớm ổn định cuộc sống. Các trường hợp còn lại sẽ tiếp tục hoàn thiện thủ tục để thu hồi đất theo quy định”, bà Trân nói.
Ngày 3/8, UBND quận Ngũ Hành Sơn công bố cho người dân phường Hòa Hải những nội dung chính trong Quyết định số 822/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn.
Bình luận