• Zalo

10 danh nhân tuổi Ngọ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

Thời sựThứ Tư, 05/02/2014 03:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - VTC News xin điểm lại những danh nhân sinh năm Ngọ nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc.

1. An Sinh Vương Trần Liễu – sinh năm Canh Ngọ (1210-1251)
Ông là con trưởng Thượng hoàng Trần Thừa, anh ruột vua Trần Thái Tông, Khâm Thiên tướng quốc Thái sư Trần Nhật Hiệu và công chúa Thuỵ Bà, sinh ra tại phủ đệ Tinh Cương, phủ Long Hưng (Nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà). 
An Sinh Vương Trần Liễu được biết đến là người có chí lớn, ngày thường thì ung dung, hào hoa, gặp việc lớn thì sắt đá. Thời loạn lạc, phụ thân phải gánh vác việc nước, trọng trách trong nhà hầu hết đều do ông lo liệu.
Đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu

Đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu

Cuộc đời An Sinh Vương sống đạm bạc, lấy việc xây trang ấp giàu mạnh, dân trang ấp no đủ làm vui, dạy các con phương trưởng là điều hạnh phúc. Trong việc khai hoá vùng sơn dã thành một trung tâm văn hoá, khoa bảng nở rộ, tăng viện huy hoàng, đạo quán rộng khắp nổi tiếng vương triều, đều có công mở đường của An Sinh Vương.
Năm Tân Hợi, mùa hạ, tháng 4, niên hiệu Nguyên Phong thứ nhất (1251), An Sinh Vương tạ thế tại phủ đệ Yên Phụ, hưởng thọ 41 tuổi. Vua Trần Thái Tông truy phong tước Đại Vương, cho sửa chữa phủ đệ trên đỉnh núi Yên Phụ (Kim Môn, Hải Dương) thành đền Cao để thờ.
Trần Liễu sinh được 7 người con (2 trai 5 gái). Hai con ông là Trần Quốc Tung (có bản chép Trần Trung) và Trần Quốc Tuấn sinh ra từ ấp A Sào, trưởng thành lại về A Sào, Long Hưng xây dựng phòng tuyến chống giặc và đánh giặc.
2. Trạng Nguyễn Hiền – Sinh năm Giáp Ngọ (1234)
Cụ trạng Nguyễn Hiền sinh năm 1234 là năm Giáp Ngọ. 
Vốn mồ côi cha từ nhỏ nhưng nhà gần chùa, trong chùa có sư ông giỏi chữ nghĩa mở lớp dạy học, Trạng hay lân la chơi ở ngoài nghe mà cũng biết. Rồi sau đấy nhà sư thấy ham học cho mượn sách về đọc, chỗ nào không hiểu thì sư giảng cho.
Chỉ tự học là chính như thế mà năm 13 tuổi, Nguyễn Hiền đi thi đậu Trạng Nguyên khoa thi năm 1247 thời vua Trần Thái Tông.
Trạng Nguyễn Hiền (Minh họa của họa sỹ A Sáng)

Trạng Nguyễn Hiền (Minh họa của họa sỹ A Sáng)

Lịch sử cũng ghi chép, Trạng Hiền là người giải các câu đố của sứ Mông Cổ đưa sang để thử xem triều đình nước Nam có nhân tài không. Những câu đố đó là bài thơ “Lưỡng nhật bình đầu nhật, tứ sơn điên đảo sơn, lưỡng vương tranh nhất quốc, tứ khẩu tung hoành giang” hay bức thư có câu “Thập nhị nguyệt vũ tốt”… 
Trạng mất sớm khi mới ngoài 20 tuổi nên sự nghiệp để lại không nhiều nhưng với việc đỗ trạng nguyên khi mới 13 tuổi mà phần lớn chỉ do tự học cho thấy cụ có một trí thông minh siêu việt và một sức học đáng nể. 
3. Trần Nhân Tông – sinh năm Mậu Ngọ (1258-1308)
Trần Nhân Tông còn gọi Trần Sâm, hay Trần Khâm, vua thứ ba nhà Trần, miếu hiệu Nhân Tông, Thiền gia, cũng là nhà Phật học, đứng đầu Trúc Lâm tam tổ, phái Thiền Tông Yên Tử. Sinh ngày 11/10/1258, con trưởng Thánh Tông.
Năm Mậu Dần 1278, ông lên ngôi, cùng với cha và các đại thần Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải chấn chỉnh việc nước, vượt khó khăn, hai lần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược 1285-1287.
Triều đại ông nổi bật tinh thần quân dân đoàn kết, nổi tiếng qua hai cuộc Hội nghị Diên Hồng và Bình Than.
Năm Quý Tỵ (1293) ông nhường ngôi cho con là Trần Thuyên (tức Anh Tông) làm Thái thượng hoàng, cùng con coi sóc việc chính trị.
Đến năm 1299, ông hoàn toàn phủi sạch trần tục, lên núi Yên Tử ẩn tu, pháp hiệu là Hương Vân đại đầu đà, khai sáng Thiền tông phái Yên Tử, cũng gọi là phái Trúc Lâm. Do đó, nhân dân cũng gọi ông là Trúc Lâm đại đầu đà hoặc Điều Ngự giác hoàng.
Ngày 3/10 Mậu Thân , ông mất tại Yên Tử, hưởng dương 50 tuổi.
4. Lê Quý Đôn – sinh năm Bính Ngọ (1726 – 1784)
Lê Quý Đôn là nhà văn hoá, sử gia lớn Việt Nam thời Hậu Lê. Thuở nhỏ tên là Lê Danh Phương, sau đổi là Quý Đôn quê làng Duyên Hà, huyện Duyên Hà, nay là Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. 
Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng lâu đời. Thuở nhỏ ông nổi tiếng thông minh, có trí nhớ phi thường nên được mọi người gọi là thần đồng.
Đài tưởng niệm nhà bác học Lê Qúy Đôn tại một ngôi trường THPT mang tên ông ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Đài tưởng niệm nhà bác học Lê Qúy Đôn tại một ngôi trường THPT mang tên ông ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm Quý Hợi (1743)  đỗ giải Nguyên khi 17 tuổi, hội nguyên năm 26 tuổi và thi Đình đỗ Bảng nhãn. Năm 1752 đỗ Nhất giáp Tiến sĩ (Bảng nhãn). Giữ chức thị giảng Viện hàn lâm và Viện quốc sử (1757), lãnh chức phó sứ sang triều nhà Thanh (1760).
Học vấn uyên bác và tài ứng đối của ông đã làm cho các triều thần nhà Thanh và sứ thần Triều Tiên kính trọng. Sau khi về nước, ông làm đốc đồng Kinh Bắc, tham chính Hải Dương, tư nghiệp Quốc Tử Giám, kiêm trông coi việc biên soạn quốc sử (1767) và được thăng chức bồi tụng ở Phủ chúa; hiệp trấn Thuận Hoá và tham tụng Thăng Long (1776); hiệp trấn Nghệ An (1783).
Khi mất, được truy tặng hàm thượng thư Bộ Công. Lê Quý Đôn đọc rộng, biết nhiều, trước tác bao gồm nhiều lĩnh vực. Là người Việt Nam đầu tiên biết đến lí thuyết quả đất tròn gồm bốn châu (Á, Âu, Phi, Mix), người sớm nhất lưu ý đến một số vấn đề khoa học tự nhiên. Về vũ trụ học, đề xuất thuyết "lí khí"; về trị nước, chủ trương "đức trị" đi đôi với "pháp trị", trọng dụng nhân tài. Có nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn, sáng tác.
Nhiều trường học ở Việt Nam hiện nay vinh dự được mang tên ông, nhà bác học Lê Qúy Đôn.
5. Phan Huy Ích – sinh năm Canh Ngọ (1750 - 1822)
Phan Huy Ích là một danh sĩ cuối đời Hậu Lê, làm việc dưới trướng chúa Trịnh. Ông cũng là một công thần của nhà Tây Sơn.
Ông sinh ra năm 1750 ở làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An, nay là xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; với tên hiệu là Dụ Am, cũng có tự là Chi Hòa, hiệu Đức Hiên.

Chân dung cụ Phan Huy Ích

Chân dung cụ Phan Huy Ích

Năm 1771, ông đỗ giải nguyên trường thi Nghệ An. Năm 1775, đỗ hội nguyên được bổ làm Hàn lâm thừa chỉ, rồi làm Đốc đồng tỉnh Thanh Hóa, trông coi việc an ninh.
Năm 1777, làm Đốc đồng Thanh Hóa, sau về triều làm Thiên sai tri hình ở phủ chúa Trịnh, thay Phạm Nguyễn Du. Từ sau năm 1780, ông chán ghét chúa Trịnh vua Lê, mấy lần cáo bệnh xin về hưu đều không được chấp nhận.
Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc, xuống chiếu cầu hiền. Phan Huy Ích cùng Ngô Thì Nhậm, Đoàn Nguyên Tuấn, Nguyễn Thế Lịch ra hợp tác với Tây Sơn. Phan Huy Ích được phong làm các chức như Tả thị lang Bộ Hộ, Thị trung ngự sử ở tòa Nội các.
Sau khi nhà Tây Sơn  suy vi, ông bị chúa Nguyễn Phúc Ánh bắt, đến tháng 2 năm Quý Hợi (1802) ông bị đánh đòn ở Văn Miếu, sau mới được thả về.
Năm 1803, ông về Sài Gòn ở ẩn, đến năm 1814 ông vào Thiên Lộc, Hà Tĩnh dạy học, cho đến năm 1819 về quê an dưỡng, nơi ở đặt tên là Bảo Chân quán.
Ngày 20/2 Âm lịch, Nhâm Ngọ 1822 ông mất, thọ 72 tuổi.
6. Nguyễn Đình Chiểu – sinh năm Nhâm Ngọ (1822-1888)
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, danh sĩ, chí sĩ cận đại của Việt Nam, hiệu Trạch Phủ, con cụ Nguyễn Đình Huy và bà Trương Thị Thiệt, sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822 tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (TP Hồ Chí Minh ngày nay) .

Chân dung Nguyễn Đình Chiểu.

Chân dung Nguyễn Đình Chiểu.

Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu sớm trải qua những chuỗi ngày gia biến và quốc biến hãi hùng đã tác động đến nhận thức của ông. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Đình Chiểu đã theo cha chạy giặc.
Năm 1843 ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định, năm 1847 ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849. Nhưng sau đó, mẹ ông mất, ông trở về chịu tang mẹ, dọc đường vất vả lại thương mẹ khóc nhiều nên ông bị bệnh rồi mù cả đôi mắt. Về quê, chịu tang mẹ xong, ông lại bị một gia đình giàu có bội ước. Từ ấy ông vừa dạy học vừa làm thơ sống giữa tình thương của mọi người. Về sau có người học trò cảm nghĩa thầy đã gả em gái. Nhân dân thường gọi ông là Đồ Chiểu hay Tú Chiểu.
Khi Pháp xâm chiếm Gia Định, ông về ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre, tiếp tục dạy học và làm thuốc. Vốn nhiệt tình yêu nước, ông liên hệ mật thiết với các nhóm nghĩa binh của Đốc binh Nguyễn Văn Là, lãnh binh Trương Định. Ông tích cực dùng văn chương kích động lòng yêu nước của sĩ phu và nhân dân.
Biết ông là người có uy tín lớn, Pháp nhiều lần mua chuộc nhưng ông vẫn nêu cao khí tiết, không chịu khuất phục.
Ông mất ngày 24/5 âm lịch, năm Mậu Tí (1888) thọ 66 tuổi.
7. Trần Tế Xương – Sinh năm Canh Ngọ 1870
Trần Tế Xương sinh năm Canh Ngọ 1870 ở Vị Xuyên, tỉnh Nam Định. Là một người thông minh, tài hoa, học giỏi nhưng 8 lần đi thi đều hỏng. Cố gắng mãi mới đỗ được Tú tài “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy”.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông chỉ vẻn vẹn trong 37 năm nhưng Tú Xương để lại khoảng 150 bài thơ nôm, vài bài phú và văn tế. Có bài trào phúng. Có bài trữ tình. Có bài vừa trào phúng vừa trữ tình. Giọng thơ trào phúng của Tú Xương vô cùng cay độc, dữ dội mà xót xa. Ông là nhà thơ trào phúng bậc thầy trong nền văn học cận đại của dân tộc.
Nói đến tài thơ của Tú Xương, người ta chú ý đến sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình mà trong đó trữ tình là gốc. Giai thoại làng văn kể rằng Tản Đà khi còn sống đã nói rằng “Trong những thi sĩ tiền bối, phục nhất Tú Xương”.
8. Thủ tướng Phạm Văn Đồng – Sinh năm Bính Ngọ 1906
Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh ngày 1/3/1906 là năm Bính Ngọ. Ông sớm tham gia các hoạt động yêu nước từ trong phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh năm 1925.
Năm 1926, mới 20 tuổi, ông đã lặn lội sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Như nhiều đồng chí khác, quá trình hoạt động cách mạng của Phạm Văn Đồng trải qua những năm tháng tù đày khắc nghiệt của Pháp. Năm 1929 ông bị bắt rồi bị đày đi Côn Đảo đến tận năm 1936 mới được thả. Tuy vậy nhà tù không làm ông sờn lòng mòn chí. Ra tù là ông bắt liên lạc lại với tổ chức để tiếp tục hoạt động.
Cách mạng tháng Tám thành công, Phạm Văn Đồng giữ chức Bộ trưởng Tài chính rồi nhận nhiều công tác khác nhau. Từ năm 1949, ông được cử làm Phó Thủ tướng duy nhất trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ khi chính quyền cách mạng còn non trẻ, ông là Trưởng phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Fontainebleau ở Pháp. Mặc dù hội nghị này thất bại không đạt được một giải pháp độc lập cho Đông Dương nhưng đây là Hội nghị có tầm quốc tế đầu tiên mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia nên ý nghĩa rất quan trọng.
Cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, lại cũng là Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn ngoại giao Chính phủ ta dự Hội nghị Geneve. Hội nghị này đã đưa tới Hiệp định Geneve công nhận độc lập chủ quyền của nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Một hoạt động đáng kể khác của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là hai lần làm Chủ tịch Hội đồng chi viện trong hai chiến dịch lịch sử của đất nước ta. Đó là chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Đó là một vinh dự của cá nhân ông trong vai trò một người trong cuộc đã góp phần làm nên lịch sử ở cùng một vị trí.
Ông cũng là người làm Thủ tướng lâu nhất nước ta. Từ năm 1955 đến năm 1975 ông là Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ 1976 đến 1987 là Thủ tướng của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trong hơn 30 năm đảm nhiệm cương vị Thủ tướng, ông đã tích cực cống hiến trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
9. Hoàng Văn Thụ - sinh năm Bính Ngọ (1906 –1944)
Nhà thơ, liệt sĩ cách mạng, quê xã Nhân Lý (nay là xã Văn Thụ), huyện Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn, thuộc dân tộc Tày.
Nhiệt tình yêu nước, ông cùng Hoàng Đỉnh Giang, Lương Văn Chi tích cực hoạt động. Năm 1927, ông và Lương Văn Chi sang Trung Quốc, được tổ chức đưa vào làm việc ở xưởng cơ khí Nam Hưng (Quảng Tây) là cơ sở của cách mạng thành lập để làm kinh tài và là nơi liên lạc. 
Chân dung Hoàng Văn Thụ.

Chân dung Hoàng Văn Thụ.

Lần lượt ông gây dựng được nhiều cơ sở Đảng ở Long Châu (Lũng Nghìu) và vùng Cao Bằng, Lạng Sơn. Đến năm 1932, sau khi được gặp Lê Hồng Phong, ông trở thành một cán bộ xuất sắc vừa là người lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, vừa là cán bộ giúp việc tích cực của Ban lãnh đạo Đảng ở ngoài nước.
Tháng 11/1940, ông được cử vào Ủy ban thường vụ Trung ương Đảng và lãnh nhiệm vụ chỉ đạo phong trào Bắc Sơn – Vũ Nhai. Sau đó, ông lại được cử vào Tổng bộ Việt Minh lâm thời. Tháng 8/1943, trên đường đi dự cuộc họp ở Hà Nội, ông bị mật thám Pháp chặn bắt tại ngõ Năm Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Ngày 24/5/1944, ông hy sinh nơi trường bắn Tương Mai (Hà Nội).
10. Nguyên Hồng – sinh năm Mậu Ngọ (1918 - 1982)
Tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 5/11/1918 tại phố Hàng Cau, thành phố Nam Định, trong một gia đình theo đạo Thiên chúa. Ông là nhà văn thuộc dòng văn học hiện thực phê phán. 
Năm 19 tuổi (1937), Nguyên Hồng đã cho in tiểu thuyết “Bỉ vỏ”, tác phẩm sau đó đã được giải thưởng của Tự lực Văn Đoàn. Năm 20 tuổi in hồi ký “Những ngày thơ ấu” trên báo “Ngày nay”, năm 1940 xuất bản thành sách.
Nguyên Hồng

Nguyên Hồng

Nguyên Hồng tham gia tổ chức Văn hoá cứu quốc, tham gia thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, sau đó công tác tại Hội và trong Ban biên tập tạp chí Văn nghệ của hội. Năm 1948 Nguyên Hồng gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1952 ông được giao trách nhiệm Hiệu trưởng trường Văn nghệ nhân dân và được gọi vui là 'Ông đốc Hồng'.
Tháng 1/1964, Nguyên Hồng tham gia Đại hội thành lập Chi hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng (nay là Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng) và là Chủ tịch cho đến khi mất.
Với gần 50 năm lao động nghệ thuật, Nguyên Hồng có một vị trí quan trọng trong văn học Việt Nam hiện đại. Ông xứng đáng là nhà văn chân chính của 'Những người khốn khổ'. Ông sống giản dị, chân chất hồn hậu và giàu xúc cảm.
Nguyên Hồng đã được tặng nhiều Huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, đợt I (1996).
Bình luận
vtcnews.vn