• Zalo

Các thành phần của son môi

Thời trangThứ Sáu, 10/11/2023 13:25:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Muốn làm đẹp an toàn, bạn cần tìm hiểu thành phần của son môi, từ đó chọn được sản phẩm phù hợp.

Son môi được tạo nên chủ yếu từ 3 thành phần chính là sáp, dầu và chất tạo màu. Tùy vào hàm lượng và nguồn gốc các thành phần mà các thỏi son được tạo ra có màu sắc, độ mịn, độ an toàn khác nhau.

Son môi là loại mỹ phẩm được sử dụng phổ biến.

Son môi là loại mỹ phẩm được sử dụng phổ biến.

Sáp 

Đây là thành phần tạo nên độ cứng của thỏi son. Một số các loại sáp thường được sử dụng để làm son môi gồm sáp ong, sáp Carnauba, sáp Candelila và sáp mỡ cừu, các loại hydrocarbon như parafin, ozokerit.

Dầu

Dầu có tác dụng giữ ẩm, tạo độ mượt mà và hòa tan các loại chất tạo màu hoặc các chất hòa tan khác trong son. Loại dầu được sử dụng nhiều nhất trong sản xuất son môi là dầu thầu dầu. Ngoài ra, còn có dầu hạt nho, dầu hạnh, dầu cọ, dầu ô liu, bơ cacao, jojoba, lonolin, IPM, IPP, dầu khoáng, dầu thực vật...

Chất tạo màu

Chất tạo màu giúp tạo màu sắc cho son môi và được chia làm 2 loại là chất tạo màu vô cơ và chất tạo màu hữu cơ.

Màu vô cơ thường được sử dụng như sắt oxid, TiO2, ZnO, bột ngọc trai có tính chất là không tan, do đó cần có kỹ thuật bào chế phù hợp để phân tán đều màu.

Màu hữu cơ như beetroot red, Anthocyanins, Lactoflavin tan được, dễ phân tán đều nhưng lại gây lem màu. Do đó, chúng thường được kết hợp với nhau để tạo ra những thỏi son không bị lem mà lại đều màu.

Bên cạnh 3 thành phần chính, một số loại son còn có thêm các thành phần sau:

Hiện nay, trên thị trường có nhiều màu sắc và đa dạng các loại son môi.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều màu sắc và đa dạng các loại son môi.

Chất bảo quản

Mỹ phẩm luôn cần chất bảo quản. Những chất này giúp duy trì tuổi thọ của thỏi son vì các thành phần sẽ bị oxy hóa theo thời gian. Trung bình, một thỏi son chỉ có thể sử dụng 1 năm, khi được thêm chất bảo quản và chống oxy hóa, nó có thể được sử dụng lâu hơn.

Chất chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa được thêm vào để ngăn ngừa thành phần dầu và sáp bị ôi. Một số loại chất chống oxy hóa thường thấy chính là vitamin E (tocopherol), BHA hay BHT.

Chất tạo mùi

Các loại mùi hương nhân tạo thường được sử dụng lấp đi mùi hương của thành phần hóa học trong dầu, sáp và chất tạo màu có trong son môi. Đối với người thường bị khô môi, nứt nẻ thì nên hạn chế sử dụng son có mùi thơm vì có thể gây kích ứng da.

My Anh
Bình luận
vtcnews.vn