• Zalo

'Ông lớn' ngành bán lẻ: Người lầm lũi tiến lên, kẻ âm thầm lui bước

Thị trườngThứ Ba, 08/10/2024 15:40:39 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ đang có những thái cực kinh doanh khác nhau, nơi mở rộng quy mô, còn chỗ tranh thủ thu hẹp chuỗi.

Thay đổi để thích ứng

Mới đây, Aeon Việt Nam đã mở thêm Aeon Tạ Quang Bửu tại Quận 8, TP.HCM rộng 7.000 m2. Đây là trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị đầu tiên nằm ngoài trung tâm mua sắm Aeon.

Siêu thị Aeon Tạ Quang Bửu (Quận 8, TP.HCM) thu hút rất đông khách đến mua sắm, trải nghiệm. (Ảnh: Đại Việt)

Siêu thị Aeon Tạ Quang Bửu (Quận 8, TP.HCM) thu hút rất đông khách đến mua sắm, trải nghiệm. (Ảnh: Đại Việt)

Trả lời PV Báo điện tử VTC News, ông Furusawa Yasuyuki – Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho biết, Aeon đang tăng tốc phát triển mạng lưới, mở mới các điểm kinh doanh và gia tăng điểm chạm với khách hàng.

Theo ông Furusawa Yasuyuki, hiện nay, giá thuê mặt bằng tại các trung tâm mua sắm ở Việt Nam vẫn còn rất cao. Tuy nhiên, Aeon vẫn đang tìm kiếm những đối tác phù hợp để thương lượng nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên khi thuê mặt bằng và triển khai kinh doanh.

Trong thời gian qua, Aeon đã liên tục mở thêm nhiều siêu thị mới tại TP.HCM, Bình Dương, Huế, Đà Nẵng… Đại diện Aeon chia sẻ, trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của hệ thống siêu thị này đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Còn tại WinCommerce – công ty vận hành chuỗi bán lẻ Winmart/Winmart+/Win, từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 6/2024, đơn vị này đã mở mới hơn 40 điểm bán, nâng số điểm bán trên cả nước lên khoảng 3.700 siêu thị, cửa hàng. Tổng doanh thu đạt gần 16.000 tỷ đồng. Mục tiêu của WinCommerce đến cuối năm 2024 là có 4.000 điểm bán trên khắp Việt Nam.

Những con số tích cực nói trên có sự đóng góp không nhỏ của công tác nâng cấp, cải tiến cửa hàng Win (hướng đến người tiêu dùng thành thị) và Winmart+ Rural (phục vụ người tiêu dùng nông thôn). Mô hình Win và Winmart+ Rural được cho là bước cải tiến và rút kinh nghiệm từ mô hình Winmart+ cũ.

Win có diện tích cửa hàng từ 200 - 500 m2, trong khi Winmart+ Rural có diện tích cửa hàng từ 100 - 120 m2. Đối tượng tiếp cận khác nhau, hàng hóa phục vụ đặc thù hơn, tập trung vào mục tiêu chính tốt hơn cũng là yếu tố giúp WinCommerce tối ưu hóa doanh thu.

WinCommerce đang chuyển đổi sang các mô hình cửa hàng mới để bám sát nhu cầu tiêu dùng. (Ảnh: Đại Việt)

WinCommerce đang chuyển đổi sang các mô hình cửa hàng mới để bám sát nhu cầu tiêu dùng. (Ảnh: Đại Việt)

Đầu năm 2022, Supra – công ty logistics trực thuộc WinCommerce được thành lập. Supra đang chịu trách nhiệm giao 60% tổng sản lượng hàng hóa của WinCommerce. Mỗi ngày, trung bình các kho khô của Supra vận chuyển khoảng từ 454 tấn hàng hóa, còn kho lạnh vận chuyển khoảng 275 tấn. Supra đã hỗ trợ tiết giảm 11% chi phí logistics đối với hàng hóa, góp phần trực tiếp giảm giá thành lên từng sản phẩm. Đây cũng là một trong những đóng góp quan trọng trong thành công của WinCommerce thời gian qua.

Tại Việt Nam, WinCommerce là nhà bán lẻ đứng đầu về quy mô điểm bán kết hợp cùng thế mạnh sản xuất hàng tiêu dùng của Masan Consumer – công ty “con” của Masan.

Đại diện WinCommerce tiết lộ, đơn vị này tiếp tục mang về lợi nhuận ròng dương trong tháng 8/2024, tăng trưởng doanh số (LFL) của hệ thống siêu thị mini đạt hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, WinCommerce đã liên tiếp có lợi nhuận ròng dương trong tháng 6, 7, 8 năm 2024.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp bán lẻ nào cũng thuận lợi trên con đường kinh doanh đầy thách thức như hiện nay.

Các "ông lớn" rút lui

Hệ thống Bách Hóa Xanh sau thời gian ồ ạt mở điểm bán mới thì đã bắt đầu chững lại từ cuối năm 2022. Cụ thể, từ quý 3/2022 đến nay, số lượng cửa hàng mở mới của Bách Hóa Xanh chỉ đi ngang, ít tăng trưởng. Tổng số điểm bán loanh quanh ở mức 1.700 cửa hàng. Từ đầu năm 2024 đến tháng 6/2024, Bách Hóa Xanh chỉ mở thêm 3 cửa hàng mới.

“Người anh em” của Bách Hóa Xanh là Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động và An Khang lại có chiều hướng cắt giảm số điểm bán. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2024, Điện Máy Xanh đã đóng cửa 59 điểm bán, Thế Giới Di Động (bao gồm Topzone) đã đóng 18 điểm bán và An Khang đóng cửa đến 94 cửa hàng.

Tuy nhiên, so với quy mô cửa hàng của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh thì số điểm bán đóng cửa là không đáng kể. Thế Giới Di Động vẫn duy trì 1.028 cửa hàng và Điện Máy Xanh vẫn duy trì 2.034 cửa hàng, tỷ lệ đóng cửa chỉ chiếm từ 2 – 3%. Riêng hệ thống An Khang là có tỷ lệ cửa hàng đóng cửa lớn, với mức gần 20%.

Điện Máy Xanh và Thế Giới Di Động bám trụ khá tốt khi mà FPT Shop đã đóng 100 cửa hàng kể từ đầu năm 2024. Số cửa hàng FPT Shop còn lại trên cả nước là 642. Theo FPT Shop, những cửa hàng kinh doanh kém hiệu quả sẽ được gạt bỏ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, FPT Shop có doanh thu hơn 6.900 tỷ đồng, doanh thu bình quân của mỗi cửa hàng đạt 1,6 tỷ đồng/tháng.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý 3/2024 ước đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước ước đạt hơn 4,7 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cục Thống kê đánh giá, nhu cầu tiêu dùng trong nước đang dần phục hồi và có sự tăng trưởng nhờ nhiều chính sách, chương trình chủ động của các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý Nhà nước.

Bình luận
vtcnews.vn