TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, phương tiện giao thông cá nhân như ô tô, xe máy chính là nguồn gây ô nhiễm không khí, nhất là ở các thành phố lớn.
Lấy dẫn chứng ở Hà Nội, hơn 7 triệu xe máy và hơn 1 triệu ô tô như hiện nay, lượng khí thải carbon từ các phương tiện này rất lớn, có thể chiếm 30-40% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính.
Đáng quan ngại hơn, số lượng phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong vẫn không ngừng tăng lên và "già đi", khiến mục tiêu theo cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” - Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam gặp khó.
Theo vị chuyên gia, việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng động cơ đốt trong sang các loại phương tiện xanh như xe điện, xe sử dụng nhiên liệu hydro... cần được coi là tất yếu, xu thế cuộc sống, không thể làm khác được.
"Nếu không chuyển đổi giao thông xanh, ô nhiễm môi trường tiếp tục gây nguy hại đến con người, như vậy sẽ tổn thất rất lớn với sức khỏe, kinh tế, môi trường", ông Tùng cảnh báo.
Để tiến đến đưa phát thải ròng về "0", chúng ta có Quyết định số 876 của Thủ tướng, phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, thể hiện quyết tâm của Chính phủ đối với mục tiêu này. "Do vậy, không chỉ ô tô, xe máy mà cả xe tải cũng cần phải chuyển đổi thành phương tiện xanh", ông Tùng nói.
Phân tích về lượng khí thải của phương tiện sử dụng động cơ đốt trong, TS Nguyễn Đình Thạo, giảng viên Đại học Giao thông vận tải cho biết, theo nghiên cứu, trung bình xe ô tô con xả 250g khí thải CO2 ra môi trường trên mỗi km. Nếu tính trong một năm thì lượng CO2 mà một xe ô tô con thải ra môi trường có thể lên tới 3 tấn, đây là con số khổng lồ.
Để giảm ô nhiễm, nguyên tắc chung cần thực hiện là chuyển từ phát thải cao về thấp và chuyển từ phát thải thấp về "0". Muốn thực hiện được điều này thì phải chuyển đổi năng lượng, từ sử dụng năng lượng phát thải sang năng lượng sạch mà bản chất là chuyển đổi công nghệ, từ xe động cơ đốt trong sang xe điện. "Có thể nói, xe điện là lời giải duy nhất cho bài toán giảm phát thải xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch không chỉ ở Việt Nam và cả thế giới hiện nay khi nói về câu chuyện giao thông xanh, giảm ô nhiễm", ông cho hay.
Theo kết quả nghiên cứu mới đây của ABC News (Australia), xe điện có mức phát thải thấp hơn xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhiều lần. Nghiên cứu khoa học chỉ ra, phát thải của xe điện là có (chủ yếu đến từ quá trình sản xuất điện của các nhà máy nhiệt điện) nhưng tính chung cả vòng đời, tỉ lệ phát thải của xe điện chỉ bằng 1/4 xe xăng.
Ví dụ, 1 chiếc SUV chạy xăng thải ra gần 46 tấn carbon trong toàn bộ vòng đời, từ khi sản xuất tới lăn bánh trên đường, tái chế. Trong khi đó, ô tô điện chỉ thải ra chưa đến 11 tấn khí thải carbon trong cả vòng đời (chủ yếu đến từ quá trình sản xuất nguồn điện tiếp năng lượng cho xe).
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên Đại biểu Quốc hội cho rằng, xu thế chuyển đổi giao thông xanh là tất yếu, ai không tham gia sẽ bị loại chứ không thể lùi.
PGS An dẫn một số nghiên cứu của của Bộ Y tế cho thấy, ung thư phổi với nguyên nhân chủ yếu do ô nhiễm không khí là bệnh đứng thứ 2 gây chết người ở Việt Nam. Điều này gây nên hậu họa cho nhiều gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội. Do đó, tầm quan trọng của chuyển đổi xanh trong xu hướng hiện nay là tất yếu, đa lợi ích mà chúng ta chưa thể đong đếm được.
Chia sẻ thêm về các giải pháp nhằm giúp người dân chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện xe điện, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, cần từng bước nâng cấp hệ thống xe điện sử dụng năng lượng sạch, có hàng rào kỹ thuật như chính sách hỗ trợ, khuyến khích mua và sử dụng xe điện.
"Tôi thấy điểm mới của Luật Thủ đô sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua là thiết lập vùng phát thải thấp, tức là ở trong vùng này, có thể cho phép xe điện, xe hybrid hoặc xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro5 trở lên mới có thể hoạt động. Xe nào không đạt chuẩn 'mời' ở ngoài. Ngay đến cả xe thu gom, vận chuyển rác, tôi cho rằng Hà Nội cũng cần chuyển đổi sang phương tiện xanh trước năm 2030", tiến sĩ Hoàng Dương Tùng nói.
Hiện nay, Hà Nội cũng như rất nhiều thành phố của Việt Nam đang ô nhiễm trầm trọng. Một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí chính là từ phương tiện giao thông cá nhân. Chúng ta có rất nhiều xe máy, ô tô chạy nhiên liệu hóa thạch. Xe máy thì chưa có quy định kiểm soát khí thải, xả khói đen bao nhiêu cũng được, đấy là những nguồn ô nhiễm không khí rất đáng kể đối với thành phố.
Cùng đó, việc VinFast cùng với nhiều những doanh nghiệp khác sử dụng những phương tiện giao thông chạy điện như xe máy, xe ô tô, xe buýt, đấy là những nỗ lực rất lớn nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Song song là mở rộng hệ thống giao thông công cộng, trồng cây xanh, các tuyến đường sắt trên cao. Việc chuyển sang các phương tiện chạy điện, không dùng những nhiên liệu hóa thạch nữa là hướng đi rất đúng đắn, phải đi chứ không còn cách nào khác, nếu không, ô nhiễm sẽ lại tiếp tục.
Bình luận