Thời gian qua, nhiều chính sách khuyến khích người dân mua xe điện được đưa ra, như với xe từ 9 chỗ trở xuống sẽ miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm, từ 1/3/2022 đến tháng 28/2/2025, hay giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xuống chỉ còn 3% trong 5 năm liên tiếp từ 1/3/2022- 28/2/2027.
"Ông lớn" ngành xe điện như VinFast cũng áp dụng loạt chính sách hỗ trợ giá, miễn phí chỗ gửi xe, sạc xe điện miễn phí từ 1 - 2 năm đầu. Những nỗ lực này cho thấy các doanh nghiệp đã và đang có bước đi mạnh mẽ, nhìn thẳng vào vấn đề chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh trong giao thông, giúp cho mục tiêu Net-zero trở nên hiện thực hơn.
TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đánh giá, những nỗ lực của doanh nghiệp rất đáng trân trọng, không chỉ trong việc đưa ra sản phẩm xanh, mà còn tạo điều kiện để sản phẩm được sử dụng rộng rãi.
"Chuyện làm xe điện đã khó, làm thế nào để phát triển thị trường, để người dân thực sự tin dùng lại khó gấp bội", ông nói.
Để thay đổi thói quen sử dụng phương tiện chạy bằng xăng, dầu gây ô nhiễm, việc xây dựng hạ tầng trạm sạc điện cho người dân thuận tiện sử dụng là một trong những yếu tố tiên quyết. Dù ra đời sau, nhưng VinFast đã có cú đại nhảy vọt trở thành "ông lớn" trong ngành xe điện ở Việt Nam và khu vực. Minh chứng rõ nhất là hệ thống trạm sạch điện trải dài, rộng trên khắp các tỉnh thành phố, thuận tiện cho người dân "khi cần là có thể sạc ngay và luôn".
"Làm được điều này rất tốn kém, khó khăn, không chỉ với Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới cũng vậy. Những điều mà VinFast đã và đang làm được, theo tôi là rất tuyệt vời", TS. Hoàng Dương Tùng khẳng định.
Chuyển đổi xanh là xu thế toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Để hiện thực hoá được những mục tiêu đã đặt ra, cả Chính phủ và doanh nghiệp cần chung tay, chung sức hơn nữa.
Trước hết, các doanh nghiệp cần có thêm những chính sách về vay vốn, điều kiện tài chính, cơ chế khuyến khích, cần những sân chơi cho công bằng đẳng cấp quốc gia.
"Chúng ta cần phải có những thông tư, quy định cụ thể để các doanh nghiệp cùng tham gia. Về cơ chế, chính sách trong luật cần thêm quy định khuyến khích phát triển thị trường carbon. Khi doanh nghiệp đồng hành cùng với Chính phủ mà có những cơ chế, hành lang thì sẽ yên tâm đầu tư hơn", TS Hoàng Dương Tùng nói.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia bày tỏ, cần phải có đơn vị tiên phong, thực tiễn, doanh nghiệp như Vingroup để làm sạch môi trường, giúp người tiêu dùng dễ dàng chuyển đổi xanh.
Ở các quốc gia có tiềm lực kinh tế, Chính phủ sẽ đứng ra hỗ trợ mạnh mẽ cho sản xuất, tiêu thụ phương tiện xanh. Còn ở Việt Nam, Vingroup đã chia sẻ với Chính phủ khi chủ động đứng ra đảm nhiệm bằng chính nguồn lực của mình.
"Tập đoàn này không chỉ tuyên bố hay phát động chung chung mà dùng chính nguồn lực tài chính để hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi xanh trong giao thông, tạo ra môi trường xanh cho xã hội. Việc làm này rất ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đầu tàu nền kinh tế Việt", TS Nguyễn Xuân Nghĩa nói.
Ông nhận thấy, doanh nghiệp có nguồn lực mạnh đến đâu thì vẫn không thể làm một mình. Giải quyết bài toán ô nhiễm hay xây dựng tương lai xanh là nhiệm vụ lớn lao, là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Câu chuyện môi trường không phải là câu chuyện của riêng cá nhân hay doanh nghiệp.
Vingroup đã đi đầu và nếu có thêm sự ủng hộ, đồng hành của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng thì sẽ tạo ra phong trào lớn về chuyển đổi xanh trong giao thông. Khi đó chắc chắn chiến dịch sẽ thành công, mang lại ý nghĩa và giá trị lớn cho tương lai, cho con cháu chúng ta. "Tôi tin, Chính phủ đã, đang và sẽ hỗ trợ hết sức cho các doanh nghiệp chọn phát triển theo sứ mệnh chuyển đổi xanh, vì một Việt Nam ngày càng xanh", ông nói.
Bình luận