So đáp án, nhiều học sinh báo điểm khả quan
Thầy Phạm Hồng Danh, Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM, cho biết qua theo dõi đều đặn kỳ thi năm nay và các năm trước thì điểm thi môn Anh văn và môn Ngữ văn sẽ cao hơn do đề thi dễ hơn.
Đặc biệt, ở môn thi Ngữ văn - một đề thi quá "an toàn" và quen thuộc đối với thí sinh.
Môn Sinh học tuy đề thi dễ hơn nhưng điểm thi không cao vì đây là môn thi thứ ba trong bài thi tổ hợp, do học sinh đã mệt mỏi và căng thẳng do phải làm hai môn trước.
Các môn Toán, Lý, Hóa sẽ có phổ điểm cao hơn do đề thi cũng dễ hơn.
Thầy Lê Xuân Sơn, Phó hiệu trưởng kiêm giáo viên dạy Toán Trường THPT chuyên Đại học Vinh, thì cho rằng với việc chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm, xác xuất chọn ngẫu nhiên trúng đáp án của 5 câu khó nhất trong đề để vượt qua điểm 9 không phải ít.
Do đó, năm nay, riêng với môn Toán mức điểm thấp dưới trung bình sẽ ít hơn năm ngoái, còn mức điểm từ 9 trở lên sẽ nhiều hơn.
Từ đó, thầy Sơn dự đoán, điểm chuẩn của những trường top trên như các trường Y dược, Ngoại thương, Bách khoa, Kinh tế… có thể cao hơn.
Cùng quan điểm, thầy giáo Nguyễn Thành Công, giáo viên Sinh học Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia, nhiều học sinh, ông đã nhận được một “cơn mưa” thông báo điểm của học sinh ở khắp nơi, với tổng điểm 3 môn tăng đáng kể so với các năm trước.
Qua thông tin tiếp nhận từ học sinh cung cấp, thầy Công nhận định với mục tiêu ban đầu của việc xây dựng bộ đề thi là 60% số câu hỏi ở mức độ cơ bản nhằm phục vụ mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp, nên rất nhiều thí sinh lấy được hầu hết điểm từ các câu hỏi ở mức độ này.
Với các câu hỏi ở mức độ còn lại, các học sinh đã được làm quen do đó, nhiều học sinh đã có thể hoàn thành bài thi của mình một cách tốt nhất.
Từ đó, thầy Công dự đoán điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường xét tuyển khối B truyền thống (Toán - Hóa - Sinh) sẽ tăng từ 0,5-2 điểm so với năm trước.
"Các ngành mà năm trước trúng tuyển ở mức từ 22 - 24 điểm năm nay có thể tăng 1 - 2 điểm" - thầy Công nhận định. "Cá biệt, điểm chuẩn vào Học viện Quân y có thể tăng lên khó lường trước được vì số chỉ tiêu giảm xuống".
Thầy Công cũng cho rằng việc điểm thi cao hơn có thể dẫn tới các thí sinh đồng loạt điều chỉnh lại nguyện vọng theo hướng hướng tới các trường top cao hơn.
Điều này cũng sẽ khiến điểm trúng tuyển vào các trường top trên cao hơn, song nguy cơ nhiều thí sinh sẽ bị "trượt trong đau đớn" nếu không phân tích kỹ tình hình.
Các trường top giữa lo ảo nhiều
Ông Nguyễn Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, thời điểm này chưa thể đưa ra nhận định gì về điểm thi và điểm chuẩn. "Nếu điểm thi cao thì điểm chuẩn cao, điểm thi thấp điểm chuẩn thấp".
Mặt khác, theo ông Thông, năm nay thí sinh có nhiều nguyện vọng và còn được điều chỉnh nguyện vọng, không trúng tuyển nguyện vọng này thì trúng tuyển nguyện vọng khác nên việc điểm thấp hay cao không phải là vấn đề lớn.
Tuy nhiên, điều ông Thông lo lắng là nếu điểm thi cao thì tỷ lệ ảo quá lớn khó khăn cho các trường đại học khi xét tuyển.
Ông Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm thì nhận định, điểm thi sẽ tập trung ở mức 4-6 điểm, điều này giúp các trường top giữa dồi dào nguồn tuyển.
Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là tỉ lệ thí sinh ảo vào các trường này cũng sẽ lớn hơn.
"Mức điểm trúng tuyển của các trường này là ngang nhau nên cơ hội thí sinh cùng mức học lực trúng tuyển vào nhiều trường sẽ xảy ra. Đây cũng là vấn đề các trường top giữa đang lo lắng" - ông Sơn nhận định.
Ông Sơn cũng dự đoán, điểm chuẩn phần lớn của các trường đại học sẽ không thay đổi nhiều so với năm ngoái. Tùy từng trường, mức điểm chuẩn các ngành mới sẽ giao động xung quanh mức “sàn”, còn các ngành truyền thống sẽ từ khoảng 17 - 21 điểm.
Có cùng nhận định, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, điểm chuẩn năm nay sẽ không dao động nhiều so với năm ngoái, nếu có cũng chỉ khoảng 1 - 1,5 điểm chứ không phải là đột biến được.
Video: Phổ điểm chi tiết của thí sinh theo 5 khối thi A, A1, B,C, D
Theo ông Triệu, khi điểm của thí sinh cao hơn thì các trường cũng sẽ nâng điểm nhận hồ sơ lên để lọc bớt thí sinh trên hệ thống đăng ký nguyện vọng. Bên cạnh đó, nếu quá nhiều thí sinh có mức điểm gần với mức điểm trúng tuyển thì vẫn có thể sử dụng tiêu chí phụ.
"Khó khăn nhất có lẽ là ở những trường tuyển ít chỉ tiêu mà số thí sinh bằng điểm nhau quá nhiều sẽ rất khó xét tuyển" - ông Triệu nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng, mặt bằng điểm năm nay sẽ tăng thêm một chút nhưng không tăng đột biến so với năm ngoái.
Năm ngoái, Trường ĐH Giao thông vận tải lấy mức điểm trúng tuyển là từ 17 - 20 điểm tùy theo ngành. Năm nay, mức điểm dự kiến cũng lấy ở mức tương tự. "Nếu phổ điểm "dâng" lên, mức điểm chuẩn của trường cũng phải nhích lên. Tuy nhiên, điều này chỉ xác định được khi Bộ công bố thông tin này".
Ông Long cũng cho biết, trường đã đặt ra phương án nhiều thí sinh có cùng mức điểm ở dải điểm chuẩn của trường sẽ cao trong năm nay, do đó trong đề án tuyển sinh trường đã đặt ra tiêu chí phụ để xét tuyển.
Tương tự, bà Phạm Thu Hương cho rằng, tỉ lệ thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường Ngoại thương thường không cao vì điểm chuẩn của trường cao thường ở mức 26 - 27 điểm tùy mã ngành. Vì vậy, ngay cả trường hợp điểm của thí sinh năm nay cao, nhiều em có cùng điểm số thì trường sẽ dùng tiêu chí phụ để lọc.
Trả lời lo ngại điểm thi THPT năm nay sẽ cao, gây khó khăn cho các trường trong khâu xét tuyển tại cuộc họp báo 24/6, bà Nguyễn Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ Đại học) khẳng định, hiện tại chưa chấm thi thì chưa khẳng định được điều gì.
Dẫu vậy, bà Phụng cho biết qua trao đổi với các thầy cô cho thấy đề thi năm nay tính phân loại cao, và đó chính là điều kiện để xét tuyển đại học.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, với ma trận đề thi như năm nay, sẽ không còn hiện tượng "mưa điểm 10" như các năm trước. Các trường đại học, kể cả các trường tốp trên, sẽ có sự phân loại cần thiết để dễ dàng trong công tác tuyển sinh.
Bình luận