Năng lượng của tương lai
Theo các chuyên gia, nguồn gốc của năng lượng tái tạo là từ tự nhiên, được bổ sung liên tục và gần như không cạn kiệt. Với tiềm năng sản lượng khai thác và thời gian duy trì nguồn phát gần như không giới hạn, có thể thấy năng lượng mặt trời, gió là những nguồn năng lượng tái tạo ngày càng phổ biến trên Trái đất.
Những tiến bộ về công nghệ kỹ thuật giúp giá thành năng lượng mặt trời, gió ngày càng thấp hơn, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài, thúc đẩy gia tăng tỷ trọng của hai nguồn này trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng. Từ đó, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế bền vững, giảm ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Xu thế phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. (Ảnh minh hoạ: T.N)
Nghiên cứu của IEA chỉ ra rằng, đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn điện chính, đóng góp một phần ba tổng sản lượng điện trên thế giới, dần thay thế nguồn năng lượng từ hoá thạch (than đá, xăng dầu, khí đốt...).
Theo nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năng lượng tái tạo của thế giới tăng 50% lên 510 gigawatt (GW) vào năm 2023 - năm thứ 22 liên tiếp công suất năng lượng tái tạo lập kỷ lục mới. Đến năm 2028, dự báo các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 42% sản lượng điện toàn cầu.
Cùng đó, theo báo cáo Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng hiệu quả năm 2024 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), các quốc gia đã đạt được những bước tiến quan trọng.
Đứng đầu Chỉ số chuyển đổi năng lượng (ETI) là Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Sĩ, đây đều là những nền kinh tế phát triển. Pháp cũng nằm trong danh sách top 5 nền kinh tế có điểm số cao do các chính sách hiệu quả về năng lượng.
Các nước đang phát triển dẫn đầu chuyển đổi năng lượng là Lebanon, Ethiopia, Tanzania, Zimbabwe và Nam Phi. Những quốc gia này cam kết giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, phân cấp năng lượng tái tạo và tăng số lượng việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Trong danh sách trên, Việt Nam đứng thứ 32. Từ năm 2017, để thúc đẩy phát triển điện gió, điện mặt trời, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Một trong những thay đổi rõ rệt nhất của việc tập trung vào năng lượng tái tạo, giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch là sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của xe điện trên toàn thế giới và Việt Nam.
Xe điện ngày càng sạch hơn nhờ năng lượng tái tạo
Theo dự báo của Công ty phân tích thị trường EV-volumes.com, doanh số bán xe điện toàn cầu sẽ tăng gấp ba lần, từ 10,5 triệu chiếc vào năm 2022 lên hơn 31 triệu chiếc vào năm 2027. Với đà phát triển nhanh chóng như hiện tại, con số này sẽ còn tăng hơn gấp đôi, lên 74,5 triệu chiếc vào năm 2035.
Nhu cầu xe điện đang tăng nhanh trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Về dài hạn, việc sử dụng ô tô điện có thể rẻ hơn ô tô chạy xăng do chi phí nhiên liệu tái tạo thấp hơn.
Số lượng xe điện ngày càng tăng mạnh ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Để làm rõ việc chuyển đổi sang xe điện, giao thông là xu thế tất yếu, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng chỉ ra tác hại của phương tiện sử dụng nhiên liệu hoá thạch ra môi trường.
Theo bà, nguồn ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM) hiện nay chủ yếu đến từ giao thông đô thị và phương tiện cá nhân. Các nghiên cứu chỉ rõ, giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất với tỷ lệ lên tới 58% - 74%. Số lượng xe ô tô, xe máy thải ra tới 94% lượng HC; 87% CO; 57% NOx... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
Các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch phát thải lượng lớn thành phần độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân. Lượng phát thải các khí này tăng lên hàng năm cùng với sự gia tăng về số lượng của các phương tiện giao thông đường bộ.
Đặc biệt, khi xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, mức độ ô nhiễm hơi xăng dầu có thể tăng lên 4 - 5 lần so với lúc bình thường. Ô nhiễm khí CO và hơi xăng dầu (HC) thường xảy ra ở các nút giao thông lớn.
Do đó, việc thúc đẩy phương tiện xe điện sử dụng năng lượng tái tạo là điều cấp thiết trong việc giải bài toán ô nhiễm môi trường.
Đồng quan điểm, ông Hồ Công Hòa, Phó trưởng ban Nghiên cứu xã hội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để phát triển mạnh hơn nữa các phương tiện sử dụng nhiên liệu tái tạo, thân thiện môi trường mà cụ thể là xe ô tô điện, xe máy điện, xe buýt điện... cần đẩy mạnh chính sách tuyên truyền tiêu dùng xanh. Bên cạnh đó, cần giúp người dân hiểu được những tác hại ô nhiễm môi trường của phương tiện sử dụng nhiên liệu hoá thách, từ đó thay đổi thói quen sang sử dụng xe điện, ưu tiên năng lượng tái tạo.
Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1,1 triệu ô tô và hơn 6,6 triệu xe máy, và con số này tăng khoảng trên dưới 10% mỗi năm. Do vậy, phát thải đô thị ở Hà Nội có xu hướng tăng dần hằng năm. Việc chuyển đổi năng lượng tái tạo trong lĩnh vực giao thông là rất quan trọng và bài toán xe điện được coi là lời giải.
Báo cáo triển vọng năng lượng thế giới mới cập nhật của IEA, dự kiến, đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ đóng góp 80% năng lực sản xuất những loại điện năng mới, trong đó riêng năng lượng Mặt trời đã chiếm hơn một nửa mức mở rộng năng lượng tái tạo nói trên.
Thị phần năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện toàn cầu sẽ đạt gần 50% vào năm 2030, từ mức khoảng 30% hiện nay. Đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi mới cũng cao gấp 3 lần so với đầu tư vào các nhà máy điện than và khí đốt mới.
Từ đó, dự báo số lượng xe điện tham gia giao thông trên thế giới vào năm 2030 sẽ cao gấp 10 lần hiện nay.
"Hai năm trước thì trong 25 ô tô bán ra trên thế giới có 1 xe là ô tô điện, năm nay, 5 xe bán ra thì có 1 xe ô tô điện và đến năm 2030, hầu hết thì số xe ô tô điện sẽ chiếm nửa số xe ô tô được bán ra. Những con số này dựa trên các chính sách của các chính phủ hỗ trợ ô tô điện, năng lượng sạch", ông Fatil Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế từng nói.
Quá trình chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu tái tạo đang được đẩy nhanh trên toàn cầu, tạo ra làn sóng chuyển đổi xanh hữu ích với các cam kết mạnh mẽ của nhiều chính phủ. Tuy nhiên, quá trình này không phải là con đường chỉ trải toàn hoa hồng, rất nhiều các thách thức cần phải vượt qua để tiến đến các mục tiêu của quá trình chuyển đổi năng lượng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà từng nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu net zero vào 2050, lĩnh vực năng lượng phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ hóa thạch sang năng lượng sạch, tái tạo. Việc thực hiện này rất khó khăn bởi cần có sự đầu tư lớn về công nghệ, tài chính, phát triển nguồn nhân lực và quản trị.
Tuy nhiên, theo đánh giá của quốc tế, Việt Nam nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, và nếu chúng ta quan tâm, thúc đẩy, có các cơ chế phù hợp thì sẽ thu hút được các nhà đầu tư, công nghệ, huy động nguồn vốn, tài chính xanh thì việc chuyển đổi năng lượng cũng sẽ thuận lợi hơn.
"Chúng ta cần chuyển đổi xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang chạy bằng điện và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo đưa vào phương tiện giao thông xanh", Phó Thủ tướng nói.
Bình luận