Trong tủ, những chiếc áo phông size lớn, chủ yếu là gam màu tối, xếp gọn gàng, đặt cạnh bộ áo dài trắng được thiết kế riêng. Áo dài là trang phục duy nhất sáng màu trong tủ. Oanh bảo mặc áo sáng màu trông càng mập và không hợp với làn da bánh mật.
Thời học phổ thông, Oanh từng nghĩ phải sống chung với thân hình béo phì cả đời. Đây là giai đoạn cân nặng của Oanh đến 105 kg. Rồi một ngày, cô quyết định "phải giảm cân".
"Mình là người yêu thích thời trang và thích hoàn thiện bản thân. Nỗ lực giảm cân chỉ vì mình yêu thương chính mình, chứ không phải vì lời chê bai của người khác", Oanh chia sẻ.
Ước mơ này đeo bám cô gái trong suốt nhiều năm. Mãi đến đầu năm 2020, cô mới tự tin xuất hiện với bộ váy body, bó sát và làm đẹp như bao cô gái khác.
Bắt đầu kế hoạch giảm cân làm đẹp, Oanh dưỡng da, chăm sóc cơ thể để cải thiện bề ngoài. Hàng ngày, Oanh chỉ ăn cơm một ngày một lần, uống nước, không ăn vặt. Cô giảm được 15 kg trong gần ba tháng, nhưng con số này không thấm thoát gì so với số cân hiện tại. Cô gái chán nản.
Học lớp 9 đến lớp 11, Oanh cố gắng thử thêm nhiều biện pháp giảm cân khác như uống thuốc, từ thuốc rẻ đến đắt tiền, đều không được. "Ngoài ra, sử dụng thuốc giảm cân phải dùng thời gian dài, ngưng thì lại về số cân cũ, chưa kể hậu quả về sức khỏe không lường trước ", Oanh nói.
Lên đại học, Oanh bắt đầu tập thể dục. Cô chủ yếu tập ở nhà vì ngại đến chỗ đông người. Oanh tiếp tục tìm kiếm thông tin giảm cân trên mạng, sàng lọc thông tin cần và phù hợp với mình. Khi đó, cô nặng 85 kg.
Vài tháng sau, Oanh đến phòng tập. Ngoài bài tập như cardio đốt mỡ, Oanh tập tạ và tìm hiểu các bài tập về tạ. Ban đầu, cô lo lắng sợ tập tạ bị to cơ bắp, sau phát hiện tạ nhỏ 2-3 kg là công cụ hỗ trợ tăng cơ, săn chắc cơ thể.
Oanh tập một tuần từ ba đến bốn buổi tạ để tập cơ, hai đến ba buổi còn lại tập cardio, earobic... Mỗi lần tập, cô chọn mức tạ vừa phải và số lần lặp lại nhiều 15-20 cái. Cô tập đều toàn thân, chú trọng hơn phần đùi, mông, bụng, lưng.
Ngoài tập luyện, cô áp dụng phương pháp Eat Clean. Trước khi mua sản phẩm đóng gói, cô chọn loại ít calo, không có chất béo. "Cân đo, đong đếm để nhanh có hiệu quả hơn bởi chế độ ăn quyết định 70% việc giảm cân".
"Cốt lõi của giảm cân là ngoài tập luyện phải trau dồi kiến thức về dinh dưỡng, vận động khoa học. Nguyên tắc này cũng phù hợp với cả những bạn muốn tăng cân", Oanh chia sẻ.
Trong vòng hai năm, cân nặng Oanh giảm từ 80 kg còn 67 kg.
Sau đó, Oanh bị chững cân. Cô tiếp tục nâng cường độ tập luyện, đẩy mức tập lên cao hơn. Thay vì chỉ tập tạ, Oanh chạy cardio kết hợp đạp xe, chạy bộ, tập cơ với cường độ cao. Oanh nói, quá trình tập thể hình cho nữ quan trọng không phải tập nhiều, tập nặng mà là kỹ thuật tập kết hợp với chế độ dinh dưỡng.
Ngoài ra, người mập từ bé, mỡ tích tụ nhiều nên việc tập luyện càng khó khăn hơn. Để có kết quả, Oanh luôn đặt cho bản thân mục tiêu để thực hiện. Ví dụ, cô đặt mục tiêu giảm 10 kg trong hai tháng thì sẽ tăng cường vận động và dinh dưỡng để hoàn thành. Sau đó, cô xả và ăn một món mình yêu thích rồi lên kế hoạch cho mục tiêu tiếp theo. Mục tiêu sau phải cao hơn mục tiêu trước, tăng dần tùy thuộc vào sức lực của bản thân mình. Nhờ đó, việc giảm cân của Oanh thuận lợi hơn.
Oanh quan niệm giảm cân phải săn chắc, khỏe khoắn, "có da có thịt", chứ không phải phải giảm theo cách tiêu cực, thành "người mình dây". Cô cũng chủ động khám kiểm tra hệ tiêu hóa, đường ruột do có sự thay đổi trong chế độ ăn uống.
"Giảm cân cần thời gian, không nên vội vàng vì giảm chậm mà chắc và khó lên cân trở lại", Oanh nói.
Gặp lại bạn bè sau thời gian dài, mọi người đùa, bảo "dậy thì thành công" hay "vịt hóa thiên nga". Với chiều cao 1,63 m, Oanh tự tin hơn, tinh thần thoải mái và luôn rạng rỡ. Cô nghĩ, quá trình giảm cân mà bỏ dở giữa chừng là bình thường, còn cố gắng đến cuối cùng mới là điều đáng nói. Bởi, chẳng ai có được thành quả mà không bỏ ra công sức và tâm huyết.
"Giảm cân là phải thoải mái, càng ít áp lực thì càng dễ nỗ lực", Oanh tâm sự.
Bình luận