Trong một nghiên cứu được công bố vào thứ Hai vừa qua trên tạp chí JAMA Internal Medicine, một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Chicago và Đại học Wisconsin, Madison, Mỹ đã thực hiện một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên dựa trên 80 người lớn bị thừa cân và có thói quen ngủ ít hơn 6,5 giờ một đêm.
Những người tham gia nghiên cứu có độ tuổi từ 21 - 40 và có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 - 29,9, được xếp vào nhóm thừa cân.
Sau 2 tuần ngủ theo thói quen của mình, họ được chọn ngẫu nhiên: kéo dài giấc ngủ lên 8,5 giờ mỗi đêm, hoặc tiếp tục ngủ theo thói quen cũ. Các tác giả nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người ngủ lâu hơn giảm được khoảng 270 calo năng lượng nạp vào cơ thể mỗi ngày.
Như vậy, tương đương mỗi người sẽ giảm được khoảng 11,8kg trong vòng ba năm nếu hiệu quả được duy trì trong một thời gian dài.
Tổng năng lượng tiêu thụ không thay đổi đáng kể giữa hai nhóm, dẫn đến tình trạng "cân bằng năng lượng âm" - xảy ra khi năng lượng ăn vào ít hơn năng lượng tiêu hao khi bạn kéo dài giấc ngủ.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Mỹ, các nhà nghiên cứu đã đo lường tổng năng lượng tiêu thụ bằng một kỹ thuật được gọi là phương pháp nước gắn nhãn kép, bao gồm việc thu thập mẫu nước tiểu.
"Hầu hết các nghiên cứu khác về chủ đề này trong phòng thí nghiệm đều diễn ra trong thời gian ngắn, khoảng vài ngày. Lượng thức ăn được đo bằng lượng thức ăn mà người tham gia tiêu thụ từ chế độ ăn mẫu", Esra Tasali, Giám đốc Trung tâm Giấc ngủ Đại học Chicago, cho biết.
"Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ kiểm soát giấc ngủ và để những người tham gia ăn bất cứ thứ gì họ muốn, không ghi nhật ký thức ăn hay bất cứ thứ gì khác mà để họ tự theo dõi chế độ dinh dưỡng của mình".
Các tác giả cho biết, phát hiện của họ có thể có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng trong việc quản lý cân nặng và khuyến nghị các chính sách nhằm giảm tình trạng béo phì.
"Theo hiểu biết của chúng tôi, nghiên cứu này cung cấp bằng chứng đầu tiên về tác dụng có lợi của việc kéo dài giấc ngủ đến một thời gian lành mạnh đối với trọng lượng cơ thể khi tiếp tục thực hiện các chế độ dinh dưỡng thường ngày. Thay đổi lối sống luôn được khuyến khích như một biện pháp hiệu quả để đẩy lùi chứng béo phì", các nhà nghiên cứu viết.
Tasali giải thích rằng, họ "chỉ đơn giản là hướng dẫn từng cá nhân về cách quản lý giấc ngủ tốt, thảo luận về môi trường ngủ của mỗi cá nhân, đưa ra lời khuyên phù hợp về những thay đổi có thể thực hiện để cải thiện thời gian ngủ mỗi ngày".
Các bác sĩ cũng lưu ý rằng, cách tốt nhất để cải thiện chất lượng và thời lượng ngủ chính là hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), người lớn từ 18 tuổi trở lên nên ngủ tối thiểu 7 tiếng mỗi đêm để đạt được trạng thái tốt nhất về thể chất và tinh thần.
Bình luận