• Zalo

Trung Quốc xây dựng loạt hầm phóng tên lửa, Mỹ lo sợ về cuộc chạy đua hạt nhân

Quân sựThứ Sáu, 30/07/2021 10:48:34 +07:00Google News

Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ (FAS) vừa công bố một báo cáo khoa học với những chi tiết đáng lo ngại về cái mà họ gọi là hầm phóng tên lửa hạt nhân của Trung Quốc.

Nghiên cứu mới của FAS khẳng định Trung Quốc đang xây một bãi các hầm phóng tên lửa ở khu vực sa mạc phía tây của nước này. Các nhà khoa học Mỹ khẳng định đây là dấu hiệu về khả năng Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình và đặt dấu hỏi đối với cam kết của Bắc Kinh đối với chiến lược "răn đe tối thiểu" của họ.

Phát hiện mới của giới khoa học Mỹ

Báo cáo FAS hôm 26/7/2021 cho biết, căn cứ tên lửa mới này được nhận diện thông qua hình ảnh vệ tinh và nằm ở vùng Tân Cương của Trung Quốc. Theo báo cáo, căn cứ này có thể có tới 110 hầm chứa tên lửa.

Trung Quốc xây dựng loạt hầm phóng tên lửa, Mỹ lo sợ về cuộc chạy đua hạt nhân - 1

Hình ảnh vệ tinh về cái mà FAS gọi là "bãi hầm phóng tên lửa hạt nhân" của Trung Quốc trên sa mạc. Ảnh: Planet Labs.

Đây là "bãi hầm phóng tên lửa" thứ 2 được các nhà khoa học Mỹ phát hiện trong tháng 7/2021, bên cạnh "120 bãi hầm tên lửa" đươc cho là đang được xây dựng ở tỉnh Cam Túc gần đó, theo Trung tâm James Martin chuyên nghiên cứu về Không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Báo cáo FAS đánh giá, hai "bãi hầm tên lửa" này cho thấy "sự mở rộng đáng kể kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc cho tới nay".

Trước đó, một số hãng truyền thống Trung Quốc bác bỏ thông tin về bãi hầm tên lửa ở Cam Túc, cho rằng đây chỉ là trang trại điện gió nhưng tuyên bố này vẫn chưa được Bắc Kinh xác nhận.

Adam Ni - Giám dốc Trung tâm Chính sách Trung Quốc có trụ sở ở Canberra, nhận định việc phát hiện hai "bãi hầm tên lửa" này là bằng chứng khá thuyết phục về ý định của Trung Quốc mở rộng đáng kể kho hạt nhân của mình, ở tốc độ nhanh hơn dự báo của nhiều nhà phân tích.

Theo báo cáo FAS, Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đã vận hành khoảng 20 hầm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu lỏng gọi là tên lửa Đông Phong 5 (DF-5), còn giờ đây nước này có vẻ đang gia tầng hầm phóng với số lượng gấp 10 lần, có thể để cung cấp nơi chứa cho tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của họ - DF-41.

Báo cáo đánh giá tiếp: "Chương trình hầm tên lửa của Trung Quốc tạo ra dự án xây dựng quy mô lớn nhất kể từ khí có hoạt động xây dựng hầm tên lửa của Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh... Số lượng hầm mới của Trung Quốc đang được xây dựng vượt quá số lượng ICBM đặt trong hầm do Nga vận hành và chiếm hơn một nửa quy mô toàn bộ lực lượng ICBM của Mỹ."

Quá trình xây dựng nhanh chóng nói trên nếu là đúng thì sẽ đặt ra câu hỏi về việc liệu Trung Quốc vẫn cam kết giữ kho vũ khí hạt nhân của mình ở mức tối thiểu để răn đe đối thủ của mình trước ý đồ tấn công. Bắc Kinh đã theo đuổi cam kết này kể từ khi thử nghiệm nổ quả bom hạt nhân đầu tiên vào thập niên 1960.

Trong lịch sử, quan điểm "răn đe tối thiểu" đã giữ kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc ở mức tương đối thấp. Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính Trung Quốc hiện nay sở hữu khoảng 350 đầu đạt hạt nhân, chỉ là phần nhỏ lẻ so với còn số 5.550 đầu đạt hạt nhân mà Mỹ sở hữu và 6.255 đầu đạn hạt nhân mà Nga có.

Nhưng theo Viện nghiên cứu nói trên, số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc đã tăng trong các năm gần đây từ mức chỉ có 145 đầu đạn vào năm 2006. Lầu Năm Góc thì dự báo kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc "tăng ít nhất gấp đôi về quy mô" trong thập kỷ tới.

Drew Thompson - cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, chia sẻ: "Vị thế lực lượng hạt nhân Trung Quốc đã nâng lên đều đặn trong 10 năm qua. Bên cạnh các giàn phóng tên lửa cơ động trên đường, còn có thêm oach tạc cơ H-6N có năng lực mang bom hạt nhân, một tên lửa đạn đạo mới có khả năng phóng từ tàu ngầm, và một số lượng gia tăng các hầm tĩnh chứa tên lửa hạt nhân".

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng việc xây dựng nói trên thực sự gây quan ngại sâu sắc và cho thấy Trung Quốc đang đi trệch hướng khỏi chiến lược hạt nhân dựa trên sự răn đe tối thiểu. Theo phát ngôn viên này, các cường quốc hạt nhân cần "nói chuyện trực tiếp với nhau về khả năng giảm các mối đe dọa từ hạt nhân và tránh các tính toàn nhầm, vì lợi ích của tất cả các bên".

Chính sách răn đe tối thiểu của Trung Quốc đã thay đổi?

Báo cáo FAS cho hay, việc tạo ra 250 hầm tên lửa mới sẽ đưa Trung Quốc ra khỏi nhóm "răn đe tối thiểu".
Các tác giả Matt Korda và Hans Kristensen viết: "Việc xây dựng nói trên không thể là 'tối thiểu' và có vẻ như đó là một phần trong cuộc đua tăng cường vũ khí hạt nhân nhằm cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ của Trung Quốc".

Hai người này cho biết thêm: "Việc xây hầm phóng tên lửa có khả năng sẽ đổ thêm dầu vào căng thẳng quân sự, gia tăng thêm nỗi e sợ về các ý đồ của Trung Quốc, củng cố thêm các lập luận cho rằng kiểm soát và hạn chế vũ khí là điều ngây thơ, và rằng Mỹ và Nga không nên giảm kho vũ khí của mình thêm nữa mà thay vào đó họ phải điều chỉnh lại để tính đến thực tế Trung Quốc tăng cường sức mạnh hạt nhân của mình".

Trong khi đó, giới chức Trung Quốc liên tục lặp lại rằng nước này sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ phi bị tấn công trước và rằng lực lượng hạt nhân của họ được duy trì ở "mức tối thiểu đủ để bảo vệ an ninh quốc gia".

Hồi tháng 1/2021, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định "đây là chính sách cơ bản nhất quán của chính phủ Trung Quốc".

Theo chính sách trên, lực lượng hạt nhân Trung Quốc cần một năng lực phản công tin cậy dùng làm răn đe tối thiểu. Ý tưởng ở đây là bảo đảm với các đối thủ của họ rằng Bắc Kinh sẽ đủ khả năng phản ứng lại một cuộc tấn công hạt nhân từ bên ngoài bằng một đòn phản kích mạnh mẽ, khiến đối phương chùn bước.

Nhưng theo giới phân tích, ngưỡng "tối thiểu" này có vẻ đang thay đổi. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng không ngại nói tới điều này.

Một xã luận của tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đăng hôm 2/7 viết: "Mỹ muốn Trung Quốc bám lấy chủ trương răn đe tối thiểu. Nhưng mức tối thiểu sẽ thay đổi khi tình hình an ninh của Trung Quốc thay đổi".

Bài xã luận này cổ xúy cho Trung Quốc gia tăng sự răn đe hạt nhân của mình trong bối cảnh "Mỹ gây sức ép quân sự lên Trung Quốc", đồng thời chỉ ra rằng bản thân Mỹ có "ít nhất 450 hầm phóng tên lửa".

Bài xã luận này cũng đề cập khả năng nổ ra đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc quanh vấn đề Đài Loan  và rằng khi ấy nếu Trung Quốc có đầy đủ năng lực hạt nhân để răn đe Mỹ thì đó sẽ là nền tảng cho ý chí dân tộc Trung Quốc.

Chuyên gia Ni của Trung tâm Chính sách Trung Quốc cho rằng chiến lược hạt nhân của Bắc Kinh vẫn là răn đe chứ không phải là tấn công trước nhưng đánh giá của Bắc Kinh về vị trí chiến lược đã thay đổi trong bối cảnh quan hệ với Mỹ xấu đi. Cảm giác bất an khiến Trung Quốc đẩy mạnh mở rộng năng lực hạt nhân.

"Trò chơi vỏ sò" để che giấu mục tiêu

"Bãi hầm phóng hạt nhân mới" trải dài trên 309km2 đất khô cằn gần thành phố Hami ở vùng phía đông của Tân Cương. cách "bãi hầm thứ nhất" ở Cam Túc là khoảng 380km về phía tây bắc.

Kristensen - Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại FAS, nhận xét rằng các "bãi hầm hạt nhân" mới này sẽ cách bờ biển Trung Quốc đủ xa để các tên lửa hành trình thông thường phóng từ tàu chiến đối phương ở Thái Bình Dương không thể đánh tới được.

Kristensen viết tiếp: "Do vậy, chủ yếu chỉ có các tên lửa đạn đạo mới đánh tới được các bãi hầm này, như tên lửa Trident (do tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio mang)."

Giới phân tích nhận định rằng số 350 vũ khí hạt nhân của Trung Quốc được phân đều ra các hệ thống phóng cơ động trên bộ, đội tàu ngầm tên lửa và các máy bay ném bom có năng lực mang thả bom hạt nhân. Như vậy không phải hầm tên lửa nào cũng sẽ được trang bị một quả tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân.

Thay vào đó, Trung Quốc sẽ áp dụng thủ thuật "trò chơi vỏ sò", di chuyển ngẫu nhiên các tên lửa giữa các hầm phóng, khiến đối phương khó xác định mục tiêu.

Các hầm phóng của cả "hai bãi" được bố trí cách nhau 3lm theo dạng lưới để có thể di chuyển tên lửa một cách nhanh chóng giữa các hầm.

Tuy nhiên, giới chuyên gia của Trung Quốc bác bỏ nhận định trên. Cựu giảng viên của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Song Zhongping nói rằng việc dùng các hầm phóng cố định ở mặt đất là di sản của Chiến tranh Lạnh và hiện nay đã bị coi là "lỗi thời". Ông nói, sự nhấn mạnh hiện nay nằm ở bệ phóng di động với điều then chốt là bảo đảm không dễ bị tấn công.

Nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân

Trong báo cáo của mình, Kristensen và Korda cảnh báo Mỹ và các nước khác về xu hướng tăng cường kho vũ khí hạt nhân của họ để đối phó với năng lực Trung Quốc gia tăng.

Báo cáo cho rằng ngày cả khi các bãi hầm phóng tên lửa mới này đã hoạt động được ngay thì kho hạt nhân Trung Quốc vẫn nhỏ bé hơn nhiều so với kho của Nga và Mỹ.

Báo cáo nhận đinh, nếu Mỹ mà gia tăng vũ khí hạt nhân của mình thì Trung Quốc có thể làm tương tự.

Thompson - chuyên gia tại Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng họ quan ngại về tình trạng thiếu đối thoại cấp chính phủ giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề hạt nhân, đặc biệt là trong bối cảnh vị thế hạt nhân của Trung Quốc thay đổi. Theo ông này, đối thoại như vậy là thiết yếu đối với cả hai bên, nhằm giúp họ hiểu học thuyết và góc nhìn của nhau, từ đó làm giảm nguy cơ hiểu nhầm và tính toán nhầm.

Tuần trước, Louie Reckford - một cố vấn chính sách tại nhóm Foreign Policy for Americ, kêu gọi chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden hãy cố gắng đưa Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán về vũ khí hạt nhân.

Reckford cho rằng cần tăng cường mức độ minh bạch và đối thoại để giảm sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân. Theo ông, Mỹ không nên thúc đẩy chi tiêu cho vũ khí hạt nhân vì điều này sẽ làm cho quan điểm của Trung Quốc thêm cứng rắn.

Trung Hiếu(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp