• Zalo

Thực phẩm chức năng:Kê đơn hay để thị trường quyết định

Gia đìnhThứ Hai, 26/11/2012 09:02:00 +07:00Google News

Theo Cục trưởng Cục ATTP Trần Quang Trung, hơn 10 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, đã có khoảng 10.000 loại thực phẩm chức năng có mặt trên thị trường

Hội thảo “Vai trò của thực phẩm chức năng và công tác quản lý”, vừa được Bộ Y tế và Hiệp hội Thực phẩm chức năng tổ chức tại Hà Nội mang lại thông điệp còn nhiều vướng mắc liên quan đến quản lý thực phẩm chức năng, và Bộ Y tế sẽ sớm có một thông tư mới thay thế thông tư 08 quản lý thực phẩm chức năng có hiệu lực thực thi gần 10 năm nay đã có những điểm lạc hậu so với thực tế.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa 

“Vướng” quảng cáo, chất lượng

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Quang Trung, hơn 10 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, đến nay đã có khoảng 10.000 loại thực phẩm chức năng có mặt trên thị trường, 40% trong đó là hàng nhập khẩu.

Do phát triển quá nóng, công tác quản lý thực phẩm chức năng đang “vướng” những vấn đề như giá cao, ghi nhãn thực phẩm chức năng quá mức công bố, chưa ban hành được quy định ngưỡng thực phẩm thông thường và thực phẩm bổ sung, quảng cáo vượt quá công dụng sản phẩm, nhiều hàng lậu, trốn công bố tiêu chuẩn chất lượng, chưa có quy định bắt buộc công bố định lượng và các phép thử đối với thảo dược chủ yếu là định tính, chưa định lượng được hàm lượng.

Trao đổi với Phóng viên Sức khoẻ và An toàn thực phẩm bên lề hội thảo, ông Trung cho hay tới đây sẽ bắt buộc kiểm nghiệm tại labo về thành phần sản phẩm, các sản phẩm phải được kiểm nghiệm ở các labo độc lập và thử nghiệm trên động vật để đảm bảo an toàn cho người.

Theo ông Trung, hội thảo lần này được tổ chức để lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về kinh nghiệm quản lý thực phẩm chức năng, đồng thời tham khảo văn bản luật pháp của Mỹ, Nhật, ASEAN về quản lý thực phẩm chức năng để có thể trình dự thảo thông tư sửa đổi thông tư 08 hướng dẫn quản lý thực phẩm chức năng lên Bộ Y tế vào cuối năm nay.

Ngoài vấn đề chất lượng, khi những thực phẩm chức năng công bố là đông trùng hạ thảo hay nhân sâm, linh chi nhưng hàm lượng bao nhiêu thường chưa được xác định, thì quảng cáo thực phẩm chức năng đang nổi lên là vấn đề khó quản.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, năm 2009 chỉ có 1 trường hợp bị xử phạt do vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng, năm 2010, con số này là 28 trường hợp, năm 2011 là 29 trường hợp còn năm 2012, mới 6 tháng đầu năm đã có 17 trường hợp bị xử lý. Tính chung trong các vi phạm về an toàn thực phẩm, có tới 51% liên quan đến thực phẩm chức năng.

Cho kê đơn hay để thị trường quyết định?


Tại hội thảo, đã có những luồng ý kiến đề xuất nên có bác sỹ hướng dẫn sử dụng thực phẩm chức năng, chứ không nên để người dân sử dụng theo sở thích như hiện nay.

Khá đồng tình với quan điểm nên sử dụng theo hướng có hướng dẫn, nhưng GS Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho rằng chưa có nhiều thầy thuốc có hiểu biết về thực phẩm chức năng, sản phẩm nào có lợi cho bệnh nào, sản phẩm nào không, vì thế họ rất dè dặt trong sử dụng.

Muốn hướng dẫn người dân, trước hết phải hướng dẫn thầy thuốc từ trường ÐH Y và trong quá trình thực hành lâm sàng.

Theo PGS-TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay cả Hoa Kỳ và nhiều nước ASEAN vẫn chưa có định nghĩa chính thức về thực phẩm chức năng.

Trong khi đó, tại EU, các thực phẩm chức năng công bố lợi ích sức khoẻ phải nêu rõ tần suất và lượng sử dụng, tiềm năng ảnh hướng đến quá trình chuyển hoá cơ bản, khả năng xảy ra phản ứng có hại hoặc phản ứng không dung nạp.

Tại Nhật Bản, nhãn sản phẩm thực phẩm chức năng phải bao gồm liều khuyến cáo, hướng dẫn về chế độ ăn uống hợp lý cho sức khoẻ, cảnh báo về sử dụng quá liều (nếu cần), các cảnh báo cần thiết khác về liều sử dụng hàng ngày, chưa thấy nước nào áp dụng hình thức kê đơn (kể cả kê đơn riêng) tại bệnh viện.

Với các lợi ích và kể cả nhược điểm hiện có, thực phẩm chức năng đang ngày càng chứng tỏ tiềm năng phát triển.

 Quản lý thế nào để ngày càng triệt tiêu nhược điểm và tôn vinh ưu điểm, giúp người tiêu dung có nhu cầu tiếp cận được những sản phẩm có chất lượng và hiệu quả đang là điều mà cơ quan quản lý đang hướng tới trong quy định mới về quản lý thực phẩm chức năng. Chúng ta hãy chờ xem.

Thực phẩm chức năng trên thế giới và Việt Nam

Tại Mỹ, 70% người dân Mỹ sử dụng thực phẩm chức năng, doanh thu ngành hàng đạt 167 tỷ USD năm 2010.

Tại VN, thực phẩm chức năng phát triển trong 10 năm trở lại đây, với 10.000 sản phẩm trên thị trường, 40% là hàng nhập khẩu.

Từ 2009-2012, có 1781 doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng.


Cục An toàn thực phẩm

Bình luận
vtcnews.vn