• Zalo

Tập trung kiểm tra hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng

Sản phẩmThứ Ba, 15/10/2024 12:06:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bảo vệ người tiêu dùng ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh thương mại điện tử đang bùng nổ hiện nay.

Luật bảo vệ người tiêu dùng được đặt ra trong nhu cầu bức thiết nhằm giải quyết các vấn đề người tiêu dùng đang gặp phải.

Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 15/3 hàng năm làm Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam. Từ đó tới nay, ngày 15/3 là dịp để Bộ Công thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều hoạt động khác nhau để tuyên truyền cho người tiêu dùng và các lực lượng trong xã hội, nâng cao nhận thức về quyền người tiêu dùng, các quy định pháp lý về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, qua đó góp phần đảm bảo thực thi quyền của họ trên thực tế. Năm 2023, Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng (sửa đổi) chính thức luật hóa quy định này, tạo nền tảng vững chắc cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Với việc thương mại điện tử bùng nổ, nhiều vấn đề bức thiết cũng được đặt ra với công tác bảo vệ người tiêu dùng. Sản phẩm không như quảng cáo, sai lệch một cách thái quá về kích thước, kiểu dáng là vấn đề nhiều người tiêu dùng đã gặp phải khi mua hàng hóa qua các chợ mạng. Kể cả thường xuyên mua hàng trực tuyến, trong nhiều trường hợp khách hàng vẫn rơi vào tình huống trớ trêu, khi đơn hàng giao sai, còn đơn vị kinh doanh thì bặt vô âm tín.  

Tình trạng sản phẩm không như quảng cáo, mô tả vẫn xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử.

Tình trạng sản phẩm không như quảng cáo, mô tả vẫn xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử.

Hoặc anh theo Trần Việt Hưng, người tiêu dùng, thì có hiện tượng người bán lấy hình ảnh ở nơi bán hàng chính gốc, hoặc xử lý hình ảnh để cho sản phẩm trông rất rực rỡ, rất đẹp. "Nhưng đến khi mình mua về, nhận hàng thì chất lượng không được giống như vậy. Thêm vào đó, chính sách đổi trả và hỗ trợ hậu mãi rất kém. Chỉ kỳ vọng làm sao các cơ quan chức năng có thể là can thiệp và rà soát thật mạnh. Ví dụ như những người trẻ như chúng em còn biết cách đổi trả khi mua phải hàng không đúng. Nhưng với những người lớn tuổi, kỹ năng công nghệ còn hạn chế, họ nhiều khi đành phải ngậm ngùi", anh Hưng chia sẻ.  

Hiện nay, các sàn giao dịch thương mại điện tử đều có quy chế đăng tải thông tin khác nhau, đồng thời xây dựng công cụ đánh giá chất lượng dành cho khách hàng. Tuy nhiên, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho người bán nên phần lớn không yêu cầu đăng rõ thông tin nguồn gốc xuất xứ hay quy cách, chất lượng sản phẩm, dẫn đến nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Một số sản phẩm không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, hoặc hình ảnh quảng cáo không chính xác.

Một số sản phẩm không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, hoặc hình ảnh quảng cáo không chính xác.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường, từ tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án 319, tăng cường kiểm tra và xử lý hàng giả không rõ nguồn gốc trên môi trường mạng. Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã triển khai Đề án này, tổ chức các lớp tập huấn để phân biệt hàng giả và nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi kiểm tra trực tuyến.

Trong thời gian tới, các đối tượng buôn bán sẽ chuyển dần sang thương mại điện tử nhiều hơn, nên cần tập trung kiểm tra hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên các sàn thương mại điện tử.

Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng năm, Trung ương Hội gửi văn bản đến các hội bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành phố về chương trình cho năm tới, bao gồm chủ đề và các hoạt động cần bám sát. Điều này tạo cơ sở cho các hội địa phương triển khai các chương trình nâng cao nhận thức. 

Cùng với đó, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan cũng tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn đào tạo, các cuộc thi tìm hiểu quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tại các địa phương như Hải Phòng, Lạng Sơn, Bình Dương cũng đã diễn ra đa dạng các hoạt động hưởng ứng, góp phần đưa luật bảo vệ người tiêu dùng đi vào cuộc sống.

Ngày 27/9, Bộ Công thương đã ban hành kế hoạch hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 với chủ đề "Thông tin minh bạch, tiêu dùng trách nhiệm". Kế hoạch này sẽ tạo căn cứ và nguồn lực mới để triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong năm 2025.

Bình luận
vtcnews.vn