Chiều 16/11, Báo điện tử VTC News phối hợp với Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam tổ chức tọa đàm "Cân bằng dinh dưỡng cho gia đình Việt".
Tham dự buổi tọa đàm có PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia và TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam chia sẻ những thông tin cần thiết về cách ăn uống khoa học và duy trì chế độ ăn cân bằng, đúng cách.
Khi được hỏi về quan điểm cá nhân của các chuyên gia như thế nào về việc sử dụng đồ ăn nhanh như mì, phở, cháo ăn liền hiện nay, nhất là hiện tượng này đang ngày một phổ biến qua đó đánh giá về tính dinh dưỡng của mì ăn liền (mì tôm), và người dân cần sử dụng như thế nào cho hợp lý, hai chuyên gia đã đưa ra những góc nhìn riêng của mình.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm chia sẻ, theo phân nhóm thực phẩm, mì ăn liền được xếp vào loại lương thực. Mì ăn liền cung cấp cho cơ thể dinh dưỡng chủ yếu là chất bột đường (tinh bột), chất béo và một ít chất đạm, vitamin, chất xơ.
Trong đó, chất bột đường khoảng 51gram, được cung cấp từ thành phần nguyên liệu chính là bột lúa mì. Về chất béo, phần lớn chúng ta thường nghĩ chất béo trong mì ăn liền rất nhiều thế nhưng trên thực tế trong một sản phẩm mì ăn thông thường chỉ chứa khoảng 13gr.
Nhu cầu chất béo mỗi ngày của một người trưởng thành khoảng 67-83gram tùy giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp. Tức là một gói mì chỉ chứa lượng chất béo 1/5-1/6 nhu cầu chất béo của cơ thể trong một ngày.
Còn lại các nhóm chất protein, vitamin, chất xơ được cung cấp thì các gói gia vị thịt, rau sấy khô kèm theo. Trung bình một gói mì ăn liền (70-80g) sẽ cung cấp cho cơ thể khoảng 320-350 kcal. Các chất dinh dưỡng từ mì ăn liền chắc chắn là góp phần vào việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
Nguyên tắc đầu tiên của dinh dưỡng hợp lý là đa dạng hóa bữa ăn (có sự kết hợp của nhiều loại thực phẩm trong 1 bữa ăn).
Ngay cả một thực phẩm dù rất giàu dinh dưỡng mà sử dụng quá mức, không đúng cách cũng gây những ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe.
Hàng ngày, mỗi người đều có nhu cầu về các chất dinh dưỡng khác nhau như: năng lượng, chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin, khoáng chất và nước. Nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào tuổi, giới tính, tình trạng sinh lý và mức lao động.
Bữa ăn hàng ngày giúp cung cấp năng lượng cũng như các dưỡng chất khác cho cơ thể từ nhiều loại thực phẩm khác nhau. Do đó, sử dụng thực phẩm nói chung và mì ăn liền nói riêng đúng cách là kết hợp với nhiều loại thực phẩm khác nhau, để đảm bảo bữa ăn đa dạng, đủ và cân đối về dinh dưỡng, giúp dễ làm cho các chuyển hóa trong cơ thể được tốt và không gây tích tụ các chất cặn bã.
Mỗi bữa ăn, bạn có thể chế biến mì ăn liền cùng các loại rau xanh, củ quả, thực phẩm giàu chất đạm để bổ sung thêm vitamin, khoáng chất và đảm bảo cân bằng đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Tùy theo loại mì ăn liền và khẩu vị, ta có thể thêm chút gia vị như chanh, ớt, tiêu, hành, rau thơm; thêm rau củ quả như cải xanh, rau muống, xà lách, cải xoong…; thêm tôm, mực, thịt heo, thịt bò, trứng gà…
Đó là bữa ăn với nguyên liệu đầu vào là mì ăn liên nhưng vẫn đủ thành phần dinh dưỡng và cân bằng các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần.
Còn Tiến sĩ, BS Trương Hồng Sơn thì nêu quan điểm, hiện nay, mì ăn liền của các nhà sản xuất ở Việt Nam mà đã được cấp phép lưu thông trên thị trường đều phải đảm bảo tuân thủ các quy định về nguồn gốc xuất xứ, thành phần nguyên liệu và phụ gia sử dụng, hàm lượng cho phép… của pháp luật Việt Nam về an toàn thực phẩm.
Tất cả các sản phẩm đều có công bố chất lượng và được cơ quan quản lý có thẩm quyền xác nhận “Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm”. Nhiều người đang có những hiểu sai về mì ăn liền, dẫn đến việc sử dụng sai cách, thậm chí bị lạm dụng, gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Tôi lấy ví dụ, vì sợ phụ gia, chất bảo quản lại đi trụng mì một cách không cần thiết, dẫn đến làm mất đi hương vị và các những chất dinh dưỡng của sản phẩm. Hay như vấn đề chất béo trong mì ăn liền, nhiều thông tin chưa kiểm chứng cho rằng mì ăn liền chưa nhiều chất béo Trans, mà chúng ta hay gọi là chất béo xấu, gây bệnh tim mạch, thậm chí cả ung thư.
Hiện nay, trên thế giới chưa từng ghi nhận một nghiên cứu khoa học tin cậy để có thể khẳng định mì ăn liền gây hại cho sức khỏe và thậm chí gây ung thư.
Còn về chất béo xấu, các nhà sản xuất họ nâng cấp quy trình sản xuất của họ hiện đại lắm rồi. Họ kiểm soát cả từ nguyên liệu dầu và cả quá trình chiên để hạn chế Transfat như dầu có nguồn gốc thực vật, qua ép lạnh để tạo dạng sệt (không phải shortening), bổ sung dầu mới liên tục trong quá trình chiên... nên nhiều sản phẩm đạt 0 gram Transfat theo tiêu chuẩn của FDA.
Bản thân đây là một phát minh của người Nhật, họ vẫn đang sử dụng nó hàng ngày trong đời sống và nó đã phổ biến khắp thế giới, không có lý gì chúng ta lại nghi ngờ về tính an toàn của mì ăn liền cả.
Những hệ lụy mà chúng ta hay nói, một số vấn đề không có xác minh, một số vấn đề lại là do cách sử dụng và kể cả là do cách sinh hoạt, lối sống của chúng ta gây nên, chứ không phải tự bản thân loại thực phẩm này là nguyên nhân, như nóng, nổi mụn hay khó tiêu.
Nếu chỉ ăn một loại thực phẩm, thiếu dinh dưỡng, hoặc hơn nữa là có lối sống thiếu khoa học, mắc các bệnh đường tiêu hóa, đang sử dụng thuốc... thì bất cứ ai cũng sẽ bị khó tiêu, chứ không phải chỉ do mỳ ăn liền.
Tôi rất đồng tình với ý kiến của PGS Nguyễn Thị Lâm, không có loại thực phẩm toàn diện, nếu chỉ sử dụng một loại thực phẩm duy nhất thì dù bạn ăn sơn hào hải vị cũng vẫn sẽ mất cân bằng dinh dưỡng và cơ thể mất sức đề kháng.
Vì vậy, nguyên tắc sống khỏe là ăn đa dạng các loại thực phẩm, từ tự nhiên đến cả đóng gói, không sao cả, một là ăn đủ chất, hai là tập thể dục và ba là có lối sống lành mạnh, khoa học. Đó là 3 yếu tố then chốt nhất để có sức khỏe toàn diện.
Bình luận