Đây là thông tin được TS Vũ Anh Tuấn - Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường đại học Việt Đức chia sẻ tại Lễ ký kết hợp tác giữa Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) 2018.
TS Vũ Anh Tuấn là trưởng nhóm nghiên cứu về “Vai trò của xe máy trong hiện tại và tương lai tại Việt Nam” – dự án do VAMM tài trợ từ 2017.
Tương lai xe máy ra sao?
Theo kết quả nghiên cứu, xe máy hiện đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo đối với mọi đối tượng. Trong tương lai, khi thu nhập tiếp tục tăng thì khả năng cao xe máy sẽ vẫn được sở hữu và sử dụng.
Nguyên nhân, do điều kiện cơ sở hạ tầng còn kém phát triển, mức thu nhập cá nhân còn khá thấp và các dịch vụ giao thông công cộng mới đáp ứng chưa đầy 1% nhu cầu đi lại, ngoại trừ Hà Nội và TP.HCM.
Riêng đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, mặc dù có hệ thống đường phát triển nhất nước, hệ thống giao thông công cộng đáp ứng 8-10% nhu cầu đi lại thì mật độ đường trên diện tích đất và số lượng xe buýt trên một triệu dân trong những thập niên vừa qua vẫn thấp hơn nhiều lần so với các thành phố châu Á khác.
Cụ thể, mật độ đường ở Hà Nội gần 50 m/ha trong khi các thành phố châu Á là 100-150 m/ha, mức cung cấp xe buýt ở Hà Nội là 300 xe/triệu dân trong khi mức trung bình của các thành phố Châu Á là 1000-1500 xe/triệu dân.
Nếu công tác xây dựng mở rộng các mạng lưới đường, tàu điện và xe buýt vẫn diễn ra với tốc độ như hiện nay thì trong vòng 20 năm tới các mức cung cấp hạ tầng và dịch vụ giao thông sẽ vẫn rất thấp so với các thành phố trong khu vực, đồng nghĩa với việc giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Trong khi đó, khảo sát hộ gia đình cho thấy xe máy là phương tiện được sở hữu nhiều nhất ở tất cả các nhóm thu nhập, trung bình 2,4 xe/hộ gia đình. Khi thu nhập tăng, sở hữu ô tô con tăng theo nhưng nó không làm giảm sở hữu xe máy.
Nghiên cứu cũng đưa ra dự báo về hành vi lựa chọn phương thức đi lại trong tương lai theo hai kịch bản phát triển theo đường xu hướng và theo quy hoạch được phê duyệt. Phỏng vấn lấy ý kiến về chủ trương cấm xe máy và bài học ở Trung Quốc cho thấy xe máy sẽ vẫn được đại đa phần người dân lựa chọn đến năm 2030, và sự tồn tại của xe máy là một thực tế khách quan.
Loay hoay cấm hay phát triển
Vẫn theo nghiên cứu, các đô thị, thành phố tại Việt Nam đang lúng túng trong việc ứng xử với xe máy với nhiều giải pháp được đưa ra như kịch bản phát triển bình thường, quản lý, hạn chế, hoặc đề xuất cấm.
Tuy nhiên những đề xuất trên đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi, đồng thời xuất hiện những quan ngại về tính khả thi và hiệu quả thực sự của từng giải pháp.
Từ kinh nghiệm quốc tế, nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng môi trường với các điều kiện thuận lợi cho lưu thông xe máy an toàn thông qua khung chiến lược an toàn giao thông xe máy với 4 thành phần: Chính thức đưa xe máy vào các chính sách, pháp luật về an toàn giao thông; cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông an toàn cho lưu thông xe máy; cung cấp chương trình giáo dục, đào tạo về an toàn giao thông xe máy cho mọi đối tượng đi đường và đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật – công nghệ an toàn cho xe máy.
Video: Ngắm dàn xe máy Simson còn sót lại tại Hà Nội
Nghiên cứu cũng đã lựa chọn một số giải pháp, chính sách có tỷ lệ ủng hộ cao của người dân để các cơ quan nhà nước xem xét triển khai trong những năm tới, gồm quy định trẻ em dưới 6 tuổi đội mũ bảo hiểm, quy định trẻ 16 - 18 tuổi có chứng chỉ lái xe an toàn (50cc, e-bike), bổ sung nội dung lái xe đường trường vào bài thi cấp bằng lái xe máy, phổ biến sổ tay điều khiển xe máy an toàn…
Cùng với đó, cần triển khai làn đường riêng, làn ưu tiên cho xe máy, quy định xe máy mới phải có hệ thống phanh chống bó, quy định xe máy phải tự động bật đèn pha ban ngày, kiểm định kỹ thuật hàng năm đối với mô tô, xe máy.
Cũng tại lễ ký kết hợp tác, VAMM phát động dự án an toàn giao thông mới năm 2018 – cuộc làm phim an toàn giao thông “Tôi biết. Tôi thay đổi” nhằm ghi lại và đề cao những cách hành xử văn minh khi tham gia giao thông thông qua lăng kính của giới trẻ.
Bình luận