Vitamin là phân tử hữu cơ cần thiết ở lượng rất nhỏ cho hoạt động chuyển hóa bình thường của cơ thể sinh vật. Có nhiều loại vitamin và chúng khác nhau về bản chất hóa học lẫn tác dụng sinh lý. Từ lâu, vitamin được biết đến là thành phần không thể thiếu đối với cơ thể con người.
Làm sao để phát hiện ra cơ thể đang thiếu vitamin ? Sử dụng như thế nào cho hiệu quả ? là một trong rất nhiều câu hỏi được bạn đọc gửi tới Sức khỏe và ATTP. Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng - PGS.TS.Lê Bạch Mai sẽ giúp chúng ta giải đáp một cách đầy đủ và khoa học nhất !
Thưa bác sỹ, vitamin là gì ?
Bác sĩ Lê Bạch Mai: Vitamin là những chất hữu cơ mà cơ thể cần một lượng nhỏ với chu trình chuyển hóa khác nhau. Năm 1911, Funk đã gọi một hoạt chất cần cho sự sống là vitamin.
Vậy tại sao chúng ta phải sử dụng vitamin ?
Bác sĩ Lê Bạch Mai: Cơ thể con người không thể tổng hợp được vitamin, nếu có thì chỉ tổng hợp ra với lượng nhỏ hoặc không đủ. Chính vì vậy, trong một số trường hợp phải bổ sung vitamin cho cơ thể.
Xin bác sỹ cho biết, hiện nay trên thị trường có bao nhiêu loại vitamin và có cách nào để phân loại vitamin không?
Bác sĩ Lê Bạch Mai: Vitamin có rất nhiều loại, nhưng người ta chia vitamin thành 2 loại chủ yếu: các loại vitamin tan trong nước và các vitamin tan trong dầu. Với vitamin tan trong nước, bao gồm: nhóm B, nhóm C. Cụ thể như vitamin B1, B2, PP, B6, axit pantothenic, vitamin H, axit folic, mesoinositol, axit para-aminobenzoic, vitamin B12. Nhóm C có vitamin C, vitamin P.
Các vitamin tan trong nước thường có trong rau xanh, quả, bột ngũ cốc chưa xay, men bia...Các vitamin tan trong dầu gồm nhóm A, nhóm D, nhóm E và nhóm K.
Nếu sử dụng lượng cao và thừa các vitamin tan trong nước, thường ít nguy hiểm vì chúng được thải trừ nhanh vào nước tiểu. Ngược lại, nếu dùng lượng cao và thừa vitamin tan trong dầu lại tích tụ trong cơ thể dễ gây nên nguy hiểm.
Vậy làm thế nào để nhận biết được cơ thể đang thiếu hụt vitamin ?
Bác sĩ Lê Bạch Mai: Nhiều người không nhận biết được tầm quan trọng của việc bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Ban đầu sự thiếu hụt đấy không có biểu hiện rõ rệt, nhưng sau một thời gian cơ thể sẽ “lên tiếng” bằng những biểu hiện như: Khô da, rụng tóc, mệt mỏi…
Chế độ dinh dưỡng thiếu C sẽ khiến cơ thể dễ mắc bệnh cúm và viêm hô hấp. Mức độ nặng hơn có thể khiến xương yếu, cong vẹo, đau khớp (do cấu trúc của xương lỏng lẻo vì thiếu hồng cầu). Người bệnh còn có biểu hiện: mắt trũng, da xanh tái, người ốm yếu, hay mệt mỏi, tiêu hóa kém, vết thương lâu lành
Xin bác sỹ cho biết những loại thực phẩm nào chứa nhiều vitamin và cách sử dụng hiệu quả ?
Bác sĩ Lê Bạch Mai: Nguồn vitamin A tốt nhất có trong sữa, trứng, gan, ngũ cốc và rau lá xanh, cà rốt, khoai lang, bí đỏ, các loại quả như đu đủ, xoài, dưa đỏ. Vitamin C có thể tìm thấy trong trái mọng màu đỏ, kiwi, ớt đỏ và xanh cà chua súp lơ, rau ngót, ổi, bưởi, cam, dâu.
Còn với vitamin D, cơ thể có thể tự tổng hợp qua da sau khi nhận đủ ánh nắng mặt trời. Ngoài ra có thể tìm thấy vitamin D trong lòng đỏ trứng, cá, gan, nấm và các thực phẩm bổ sung. Vitamin B1, B3 có trong bánh mỳ, ngũ cốc, thịt, cá, đậu cô ve các sản phẩm đậu tương, đậu Hà Lan. Vitamin B2 có trong đậu Hà Lan, lạc, các sản phẩm sữa, rau xanh đậm, súp lơ, măng tây, ngũ cốc.
Trong chế biến thực phẩm, cần lưu ý một số nguyên tắc, như: vitamin A, E, D, K chỉ tan trong dầu do vậy khi nấu thực phẩm có chứa các loại vitamin này cần cho ít dầu mỡ để cơ thể dễ dàng hấp thu. Với các loại rau quả như: dưa chuột, bí ngô, khoai tây hay cà chua sẽ mất đi các giá trị dinh dưỡng khi giữ lạnh. Ðể đảm bảo không bị hao hụt các chất dinh dưỡng nên nấu chín trước khi cất vào tủ lạnh.
Nhìn chung, đa phần các vitamin dễ bị phá huỷ khi nấu ở nhiệt độ cao, do vậy khi nấu thức ăn ta không nên nấu quá nhừ. Không nên ngâm rau quả lâu trong chậu nước mà nên rửa dưới vòi nước chảy để tránh các vitamin và một số khoáng chất tan biến vào trong nước.
Riêng với các loại củ, quả, vì thành phần vitamin chủ yếu nằm trong vỏ và ngay dưới vỏ quả. Ðể hạn chế mất mát vitamin hãy gọt vỏ mỏng nhất có thể hoặc ăn cả vỏ nếu quả đã được rửa sạch.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Cục an toàn thực phẩm
Bình luận