• Zalo

Gỡ khó cho chuỗi giá trị hàng hóa của HTX bằng cách nào?

Nông nghiệp - Nông thônThứ Hai, 28/10/2024 16:38:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc phát triển chuỗi hiện nay ở các hợp tác xã (HTX) vẫn còn gặp không ít khó khăn bởi sản phẩm đảm bảo chất lượng nhưng vẫn khó tiêu thụ, giá bán thấp.

Để gỡ khó cho chuỗi giá trị hàng hóa của HTX, việc quan trọng hàng đầu là các HTX,  nông dân phải biết liên kết sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp...

Theo ông Hoàng Văn Hưng, Giám đốc HTX rau hữu cơ Bái Thượng (Hà Nội), tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng người dân, thành viên HTX  không gắn bó với sản xuất hữu cơ vì đầu tư nhiều, độ khó cao nhưng doanh thu, lợi nhuận chưa tương xứng. Người nông dân vẫn loay hoay với câu chuyện đầu ra vì chưa tạo được khác biệt cho sản phẩm.

Chế biến sâu các sản phẩm giúp nâng giá trị. (Ảnh: Minh Đức).

Chế biến sâu các sản phẩm giúp nâng giá trị. (Ảnh: Minh Đức).

Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như (Hậu Giang) cho rằng, người tiêu dùng luôn muốn mua nông sản giá rẻ nhưng chất lượng phải cao. Doanh nghiệp, siêu thị luôn muốn hàng hóa được giao nhanh với số lượng lớn và kéo dài quanh năm nhưng chiết khấu nhiều. Trong khi đó, để làm ra một kg cá khô không phải là chuyện dễ cả về nguồn nguyên liệu, bảo quản, vận chuyển… đối với HTX.

Câu chuyện mua – bán, sản xuất và kinh doanh nông sản bảo đảm chất lượng hiện nay là vấn đề không hề thuận lợi với nhiều HTX. Còn với người tiêu dùng, thậm chí doanh nghiệp bao tiêu chế biến, xuất khẩu lại khó tiếp cận được với nông sản đảm bảo chất lượng.

Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, nhận định, tiềm năng sản xuất nông nghiệp nói chung, lúa gạo theo quy trình chứng nhận ở Việt Nam còn rất lớn, nhất là khu vực Tây Bắc và Đồng bằng Sông Hồng.

“Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều doanh nghiệp dù đã thực hiện phát triển vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn nhưng nhu cầu thị trường vẫn còn rất lớn dẫn tới tình trạng doanh nghiệp phải mua nguyên liệu ở nhiều nơi với giá cao hơn và bán thành phẩm với giá trung bình”, ông Hiếu phân tích.

Điều này cho thấy, chuỗi giá trị hàng hóa trong ngành nông nghiệp vẫn chưa được phát huy và chưa có độ bao phủ rộng khắp dẫn tới những lỗ hổng trong sản xuất kinh doanh, từ đó không bảo đảm được quyền lợi cho các tác nhân trên thị trường.

Bà Trần Thị Dung (Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam), nhận định, thực tế hiện nay, việc phát triển chuỗi giá trị vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

“Về phía nông dân, HTX họ đang đứng trước nhiều cái khó như hầu hết các khâu đều phải “tự lực cánh sinh” trong khi giá nguyên liệu đầu vào họ không thể kiểm soát và luôn phải chi trả với giá cao. Tiếp đến, họ thiếu kiến thức về các lĩnh vực ngoài nông nghiệp như kinh tế - tài chính, quản lý, thiếu vốn đầu tư nên sợ rủi ro, khó thay đổi, không chấp nhận mạo hiểm. Trong khi về phía doanh nghiệp, việc quản lý lượng lớn nông hộ trên một đơn vị diện tích làm tăng chi phí, mất nhiều thời gian nâng trình độ nhận thức, quy trình sản xuất”, bà Dung nói.

Các hợp tác xã cần liên kết chuỗi để đảm bảo đầu ra ổn định. (Ảnh: Minh Đức).

Các hợp tác xã cần liên kết chuỗi để đảm bảo đầu ra ổn định. (Ảnh: Minh Đức).

Trong khi đó, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã chính thức có hiệu lực từ năm 2023 nhưng những cơ chế và việc vận dụng những quy định này vào thực tiễn vẫn chưa thực sự thuận lợi. Khâu phân phối hàng hóa từ vùng trồng đến các chợ, cửa hàng, siêu thị ở nhiều địa phương vẫn chưa thực sự chặt chẽ. Đi liền với đó là tâm lý mua hàng rẻ, hàng chưa rõ xuất xứ vẫn diễn ra khiến hàng đảm bảo chất lượng khó cơ cơ hội phát triển.

Có thể thấy, nông nghiệp vẫn là nền tảng để nuôi sống con người và giúp nhiều người Việt Nam có nguồn thu. Do đó, phát triển chuỗi giá trị hàng hóa là điều tiên quyết để nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho người dân, HTX.

Ông Huỳnh Thanh Dư, đại diện nền tảng quản lý kinh doanh nông nghiệp và thực phẩm Hubtech, cho biết làm nông nghiệp cũng cần có quy trình và giai đoạn. Bởi nhìn sang Israel, từ đất nước có 60% sa mạc, chỉ 1,7% người dân làm nông nghiệp nhưng mỗi năm họ xuất khẩu đến 3,5 tỷ USD nông sản và là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Để làm được điều này, họ đẩy mạnh giáo dục nông nghiệp, thực hành nông nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, ứng dụng và nghiên cứu công nghệ phục vụ nông nghiệp, đồng thời có cơ chế thu hút doanh nghiệp…

Làm nông nghiệp và muốn phát triển chuỗi giá trị cần có quy trình rõ ràng và cần nâng cao năng lực của những người có ý định và đang tham gia trực tiếp vào sản xuất kinh doanh. Bởi bất kỳ một ngành nghề nào cũng có thể liên kết với nông dân, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao giá trị của chúng.

“Phát triển chuỗi giá trị cần có tư duy liên ngành vì thực ra cả xã hội dồn sức cho nông nghiệp sẽ khác với việc để nông dân, HTX tự làm một mình. Khi cả xã hội cùng vào cuộc thì việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành nông nghiệp cũng thuận lợi hơn”, ông Huỳnh Thanh Dư cho biết.

Thực tế đang chứng minh, ngay với giá giá trị lúa gạo ít phát thải ở Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy các hội quán, HTX, tổ hợp tác, nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thuận lợi, cho nguồn lợi cao hơn 3-4 triệu đồng/ha. Điều này không chỉ dừng ở việc nỗ lực của từng HTX, tổ hợp tác trong việc tuân thủ quy trình sản xuất, phát triển đổi ngũ nhân sự quản lý mà còn có “bàn tay” của cơ quan quản lý, các bộ ngành, tổ chức và của Nhà nước trong định hướng, tháo gỡ khó khăn cho HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp.

Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Du lịch Nông nghiệp, cho biết cần có sự hiểu biết và liên kết của các bên tham gia như HTX, khách hàng, cộng đồng địa phương, Nhà nước, các tổ chức khác mới có thể phát triển thành chuỗi. Tuy nhiên hiện nay, nhiều bên chưa có sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau gây ra những mâu thuẫn, xung đột.

Chẳng hạn như một số khách hàng không tôn trọng những sản phẩm nông nghiệp có yếu tố bản địa, gắn với văn hóa địa phương gây khó khăn cho HTX , nông dân trong tiêu thụ, xây dựng thương hiệu.

Do đó, muốn phát triển được chuỗi, cần có sự hợp tác giữa tất cả các bên liên quan. Nếu không có sự tham gia của các bên, thì không thể phát triển được cơ sở hạ tầng, logistics, khó đào tạo được nguồn nhân lực, khó thiết lập được các chính sách phù hợp để nông nghiệp phát triển.

HUYỀN TRANG
Bình luận
vtcnews.vn