Trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 3/11, vấn đề tiến độ của những dự án giao thông lớn được các đại biểu quốc hội đặc biệt quan tâm. Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề nghị Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc của đường sắt Cát Linh - Hà Đông giúp dự án vận hành vào cuối năm nay, "không để lỡ hẹn lần thứ 9 với nhân dân".
Theo ông Thường, hiện nay việc tập trung xây dựng đường sắt đô thị được coi là giải pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, mang tính then chốt của cả 2 TP. Hà Nội và TP.HCM.
Ông Thường cho biết 8 dự án đang được thực hiện ở 2 thành phố, tổng mức đầu tư cho 224km đường sắt đô thị tại TP.HCM khoảng 25 tỷ USD và Hà Nội 318km với tổng mức đầu tư 30 tỷ USD. Từ đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, phát triển đường sắt đô thị là xu thế tất yếu và rất cấp bách tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng quá trình triển khai có nhiều vấn đề.
"Các dự án đều có tổng mức đầu tư rất lớn nhưng lại chậm tiến độ nhiều lần, liên tục "đội" vốn, gây bức xúc trong dư luận như: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Tham Lương, Bến Thành - Suối Tiên...", ông Thường nói.
Từ thực trạng trên, ông Nguyễn Phi Thường đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương tổng hợp, đúc rút kinh nghiệm để các dự án ngay tiếp sau không lặp lại tình trạng như các dự án này.
ĐBQH đoàn Hà Nội nhấn mạnh: "Hiện nay các dự án đường sắt đô thị mới chỉ chú ý về tính khả thi, tài chính, kỹ thuật, ít chú ý tới sự liên kết phát triển không gian đô thị. Vì vậy, các dự án đường sắt đô thị dường như chỉ là một hệ thống nhập khẩu, là phép cộng thuần tuý cho một loại hình giao thông mới".
Ông Nguyễn Phi Thường cũng bày tỏ sự quan tâm tới việc lựa chọn, chỉ định thầu các dự án đường sắt đô thị. Vị đại biểu Hà Nội cho rằng khi ký hợp đồng với các nhà thầu cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện như giải phóng mặt bằng, nhất là hợp đồng EPC, vì nếu chưa chốt được giá trị ngay từ đầu mà chỉ tạm tính thì sẽ rất rắc rối sau này.
Cho rằng dự án đường sắt là những giải pháp cứu cánh đối với vấn nạn ùn tắc giao thông nhưng việc đội vốn, chậm trễ lại vô tình gây thiệt hại lớn về kinh tế. Vì thế theo ông Thường, để phát huy hiệu quả của đường sắt đô thị phải có sự kết nối với hệ thống giao thông công cộng, bãi đậu xe, tuyến bus. Vậy nên, ông Thường cho rằng cần xem lại vấn đề tái cấu trúc không gian đô thị để thu hút người sử dụng đường sắt đô thị.
"Kết luận của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều vấn đề mà không chỉ Bộ Giao thông Vận tải hay Hà Nội có thể giải quyết được. Đại biểu băn khoăn không biết thời hạn cuối cùng đặt ra cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là vận hành trong cuối năm nay có khả thi, sau rất nhiều lần phải chậm, lùi tiến độ và đề nghị cần có giải pháp mạnh để dự án này không sai hẹn thêm lần thứ 9", ông Nguyễn Phi Thường nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng đề nghị cần nghiên cứu mô hình đường sắt tư nhân tại các thành phố lớn.
Bình luận