Thông tin mới nhất liên quan đến tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vừa được Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) công bố. Theo đó, dự án Cát Linh – Hà Đông phải vận hành thử 20 ngày để tư vấn đánh giá khả năng thành thục của nhân sự và khả năng ứng phó các tình huống khẩn cấp.
Trả lời VTC News, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện nay, lãnh đạo Cục 6 đường sắt Trung Quốc đã có mặt tại Hà Nội để tham gia công tác vận hành thử nghiệm toàn hệ thống. Điều này nhằm "thúc" tiến độ, sớm nghiệm thu, bàn giao, vận hành, khai thác dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Công tác vận hành thử nghiệm toàn hệ thống sẽ được thực hiện trong tháng 12 tới đây.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt, việc vận hành thử toàn hệ thống trong 20 ngày đóng vai trò quan trọng, giúp đơn vị tư vấn Pháp (Liên danh Apave - Certifer – Tricc, do Việt Nam thuê) đưa ra các đánh giá, phục vụ công tác nghiệm thu.
Nguyên nhân vận hành thử là do Tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp được các chứng chỉ, hồ sơ tài liệu kỹ thuật an toàn, các kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất. Cạnh đó, chưa thực hiện đầy đủ giải pháp đánh giá bằng thử nghiệm thực tế tại hiện trường, dẫn đến chưa đủ cơ sở để tư vấn độc lập hoàn tất đánh giá an toàn của đoàn tàu.
Theo yêu cầu của đơn vị tư vấn Pháp, đơn vị tổng thầu phải thực hiện công tác đánh giá kiểm chứng tại hiện trường trong thời gian vận hành 20 ngày cuối cùng và diễn tập các tình huống khẩn cấp.
Quá trình vận hành thử toàn hệ thống trên, tư vấn sẽ đánh giá khả năng thành thục của nhân sự trực tiếp vận hành và khả năng ứng phó các tình huống khẩn cấp. Nếu chưa đạt Ban quản lý dự án đường sắt sẽ yêu cầu Tổng thầu khắc phục. Đây được xem là khâu cuối cùng để tư vấn hoàn tất báo cáo về đánh giá an toàn hệ thống. Qua đó, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan mới quyết định được thời điểm chính xác để bàn giao dự án cho UBND TP Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỉ đồng (tương đương 552 triệu USD). Quá trình thực hiện, dự án được điều chỉnh lên 18.000 tỉ đồng (tương đương 868 triệu USD).
Dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với giá trị hơn 669 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam hơn 198 triệu USD. Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói, trong đó Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.
Cuối tháng 10 vừa qua, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh kế hoạch hoàn thành nghiệm thu có điều kiện đối với dự án Cát Linh - Hà Đông ngay trong tháng 12/2020. Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cam kết cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Bình luận