Ngày 10/7, ông Đường Hồng, Giám đốc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Tổng thầu Trung Quốc) cho biết, hiện nay, dự án đang bước vào giai đoạn nghiệm thu nên Tổng thầu Trung Quốc đang tích cực phối hợp chủ đầu tư và ban quản lý dự án đường sắt để tiến hành nghiệm thu các hạng mục dự án công trình, rồi sẽ tiến hành làm hồ sơ thanh toán.
Sau khi được quyết toán sẽ bước vào giai đoạn vận hành thử 20 ngày chạy theo biểu đồ chạy tàu. Kết thúc 20 ngày chạy thử, Tổng thầu Trung Quốc sẽ phối hợp với chủ đầu tư mời Hội đồng nghiệm thu nhà nước đến để nghiệm thu dự án. Sau khi nghiệm thu thông qua sẽ tiến hành các thủ tục bàn giao cho Metro Hà Nội – công ty vận hành khai thác sau này.
“Chúng tôi đang tập trung chủ yếu vào công việc nghiệm thu và đợi chủ đầu tư cũng như ban quản lý dự án thanh toán. Sau khi thanh toán đầy đủ thì chúng tôi sẽ điều động nhân sự sang ngay để tiến hành công tác chạy thử 20 ngày. Hiện nay, nhân sự của chúng tôi đang ở bên Trung Quốc và đã chuẩn bị sẵn sàng”, ông Đường Hồng cho hay.
Theo Giám đốc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, hiện nay, Tổng thầu Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản hợp đồng ECB và đang hoàn thiện các hồ sơ hoàn công. Đơn vị này cũng trình sang tư vấn đường sắt, ban quản lý dự án và đã được xác nhận.
Hiện 31 chuyên gia của Tổng thầu Trung Quốc sang Việt Nam đã hoàn thành thời gian cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 và được chia làm 2 bộ phận. Trong đó, bộ phận thứ nhất có 12 người phối hợp với chủ đầu tư thực hiện các công tác nghiệm thu dự án. Số còn lại là bộ phận thứ 2 thì kiểm tra hệ thống thiết bị của công trình toàn tuyến. Dự kiến trong tháng 7, các hạng mục dự án nghiệm thu xong.
Ngoài công tác nghiệm thu, dự án còn cần được đánh giá an toàn kỹ thuật do tổ chức độc lập ACT (liên danh Apave-Certifier-Tric) tiến hành. Tuy nhiên, Tổng thầu Trung Quốc cho rằng, đơn vị tư vấn độc lập ACT vào dự án đánh giá an toàn hơi muộn và yêu cầu một số hồ sơ của giai đoạn trước mà Tổng thầu không thể đáp ứng. Do đó, tư vấn đã yêu cầu tiến hành thí nghiệm hiện trường một số hạng mục thiếu hồ sơ trước khi chạy thử tàu.
"Nếu các công việc diễn ra đúng kế hoạch, tôi cho rằng cuối năm 2020, dự án đủ điều kiện đưa vào vận hành khai thác", đại diện Tổng thầu Trung Quốc nói.
Nói về việc đường sắt không vận hành sau thời gian dài bị ảnh hưởng như thế nào, ông Đường Hồng cho biết, trong suốt thời gian cách ly do dịch COVID-19, vẫn có đội ngũ kỹ sư Việt Nam thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời các sự cố. Đồng thời, các thiết bị điện trên toàn tuyến vẫn phải lưu điện để đảm bảo không bị hỏng hóc. Do đó, đến nay các hệ thống thiết bị, phương tiện được bảo vệ an toàn, tình trạng hoạt động tốt.
Bình luận