Bố mẹ bạn tôi làm kinh doanh, cả đời “cày cuốc” vất vả và mãn nguyện về già sau khi đã lo được suất biên chế cho 2 người con, cùng với 2 căn nhà có thể vừa ở vừa cho thuê. Đối với nhiều người, mô hình này đúng là mơ ước. Công việc bạn tôi lương thấp song nhàn nhã khi phần lớn 8 tiếng trong ngày là "đút chân" gầm bàn, song phần thu nhập thụ động từ căn nhà mặt phố cho thuê cũng giúp chi tiêu thêm phần dư dả.
Nhưng khi COVID-19 đến, một điều chẳng thể ngờ là người thuê trả mặt bằng vì doanh thu không kham nổi chi phí, đồng lương biên chế vốn đã thấp nay còn bị treo, mấy tháng nay chưa được cơ quan thanh toán. Chỉ mấy tháng mà vợ chồng bạn tôi sụt ký, mặt hốc hác bởi những đêm thức trắng.
Những người như bạn tôi, thuộc dạng chủ nghĩa trung bình, từ bé đến lớn ít va chạm với cơm áo gạo tiền, những tưởng cuộc đời an bài với đồng lương biên chế chắc chắn và khối tài sản gia đình để lại, có lẽ chưa bao giờ hình dung cuộc sống lại thay đổi nhanh chóng đến thế.
Chiều nay, tôi đi lên phố cổ mua ô mai ở một cửa hàng lâu đời, nổi tiếng ngon và “chảnh”. Giữ tâm trạng nơm nớp bước vào cửa hàng, tôi ngạc nhiên khi cô chủ hôm nay vồn vã hơn mọi khi, mời ăn thử mấy loại và lại còn tư vấn rất chu đáo.
Xe chạy nhanh qua những con đường ở phố cổ vắng hiu hắt, không còn tắc đường, xe cộ đông đúc. Từ mấy tháng nay, những cửa hàng có giá thuê đắt đỏ san sát nay treo biển tìm khách thuê, hoặc thanh lý hàng tồn. Dân phố cổ tiếc mặt tiền, nhiều người chuyển sang bán nước mía, trà chanh hoặc nước ép...
Làn sóng COVID lần thứ 2 ập đến một cách bất ngờ, khi chúng ta vừa mới “ốm dậy” và đang phục hồi chưa được bao lâu. Một người quen của tôi làm trong ngành du lịch đã chi 17 tỷ đồng để "ôm" vé máy bay, khách sạn khi COVID ập đến đợt 1, chưa được các hãng hoàn trả. Hậu Covid, anh vẫn tiếp tục ôm thêm 6 tỷ tiền vé và phòng nữa để thiết kế những combo giá rẻ. Cú bồi liên hoàn 2 đợt COVID này liệu có khiến anh khuỵu ngã?
Không tính riêng du lịch, theo Tổng cục Thống kê, trong tổng số gần 130.000 doanh nghiệp được khảo sát vào giữa tháng 4, có tới 91% doanh nghiệp có quy mô vừa, 89,7% doanh nghiệp nhỏ và trên 82% siêu nhỏ cho biết họ bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID. Hoạt động của nền kinh tế đã dần trở lại bình thường sau khi chấm dứt giãn cách xã hội (từ 23/4/2020), nhưng khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
COVID-19 với sức công phá mạnh như cú đấm của Thanos là minh chứng rõ nét nhất cho thấy chúng ta cần phải học cách tồn tại trong thế giới “VUCA”. Khái niệm “VUCA” dùng để mô tả về thế giới đa cực, được xác lập khi có đủ 4 điều kiện: Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity). Trong kinh doanh, khái niệm VUCA diễn ra từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Với cú sốc COVID, chúng ta càng thấm thía trong thế giới VUCA, sẽ chẳng thể biết được ngày mai sẽ ra sao? Mới đây nhất, tổ chức OCED dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 6% trong năm nay trước khi hồi phục vào năm 2021. Nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất giữa thời bình trong hơn 100 năm trở lại đây.
Việt Nam đã ghi điểm ở cuộc chiến COVID-19 lần thứ nhất, song khi làn sóng thứ 2 ập đến, có lẽ người có sức chiến đấu dẻo dai và kiên cường nhất cũng cảm thấy mỏi mệt, khi các nhà khoa học vẫn đang chạy đua tìm vaccine và cơn ác mộng COVID vẫn chưa chấm dứt. Người ta lo sợ lặp lại cảnh màn hình điện thoại liên tục hiển thị số ca mắc mới; đường phố yên bình đến đáng sợ trong những ngày giãn cách xã hội…
Rõ ràng, COVID không thể chấm dứt sau một cơn ác mộng và buổi sáng ngủ dậy, chúng ta thở phào quay sang nhìn nhau: May quá, mọi thứ vẫn ổn. Kể từ khi COVID xuất hiện, thế giới đã không bao giờ có thể bình thường được nữa. Người giàu có thể trở nên trắng tay sau một đêm và người nghèo không thể trông đợi cơ hội đổi đời chỉ nhờ ý chí. Rủi ro về bệnh tât, sức khoẻ chia đều cho tất cả.
Không thể thay đổi được thế giới, không thể dự đoán được điều gì sẽ diễn ra vào ngày mai, thì cách duy nhất là thay đổi chính bản thân mình. Linh hoạt, linh hoạt và linh hoạt là chìa khoá sống trong thế giới VUCA. Giải quyết những việc có thể làm ngay lập tức trong tầm tay, tin tưởng vào năng lực bản thân, rèn luyện tư duy, phản ứng nhanh thích nghi với trạng thái “liên tục mới”, bỏ lại những suy nghĩ tiêu cực, bi quan, độc hại. Nếu không phải là COVID thì cũng sẽ là một điều gì đó tương tự, thế giới mới khó lường bắt buộc mỗi quốc gia, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân phải thay đổi tư duy, góc nhìn, hành động để thích nghi.
Trong cuốn “Sapiens - Lược sử loài người”, tác giả Harari cho rằng sự khác biệt khiến Homo sapiens (người tinh khôn) tồn tại duy nhất và kéo dài đến ngày nay là ở năng lực nhận thức độc đáo và khả năng phối hợp ở quy mô lớn. Đứng trước khủng hoảng dịch bệnh, con người có 2 lựa chọn: Hoặc thông minh hơn, hoặc mạnh mẽ hơn. Với đặc điểm là giống loài yếu đuối, con người có lựa chọn là thông minh. Chỉ có năng lực nhận thức mới giúp chúng ta tồn tại và thích nghi trong thế giới VUCA.
Bình luận