Cụ bà ở Truy Bác - Sơn Đông (Trung Quốc) tên là Lâu Thành Ngọc, 103 tuổi nhưng còn khá minh mẫn, khiến mọi người vô cùng ngưỡng mộ, đặc biệt là người con dâu 80 tuổi của cụ. Thú vui hàng ngày của cụ là chơi đùa, trêu chọc cô con dâu 80 tuổi, chơi cùng chắt.
Không những vậy, cụ còn muốn lấy bằng lái xe và chở con trai 80 tuổi đi chơi. Đặc biệt, cụ còn được cư dân mạng đặt cho biệt danh là “Cụ bà nghịch ngợm” vì sự đáng yêu của mình.
Cụ Lâu Thành Ngọc sinh năm 1921. Cụ mất chồng ở tuổi trung niên và một mình nuôi sáu đứa con. Cụ khi còn trẻ đã phải chịu nhiều đau khổ nhưng không ngờ rằng khi về già cơ thể cụ lại rất khỏe mạnh.
Cụ năm nay 103 tuổi nhưng bước đi nhanh nhẹn, nhanh đến mức ngay cả con dâu 80 tuổi cũng không thể theo kịp. Một lần, khi cụ đang đi lên cầu thang, con dâu muốn bước tới đỡ nhưng cụ mỉm cười và nói: “Con hãy tự lo cho mình đi! Chân mẹ bước lên cầu thang còn linh hoạt hơn con nhiều, chúng ta cùng so sánh xem sao nhé”.
Khi nói về bí quyết sống thọ, cụ Lâu cho biết chính 2 thói quen dưới đây đã giúp cụ kéo dài tuổi thọ, đẩy lùi bệnh tật.
Sống vui vẻ
Có thể nói sống vui vẻ, lạc quan chính là chìa khóa giúp cụ trì hoãn lão hóa, tăng tuổi thọ của mình. Cụ luôn cười nói sảng khoái và hòa đồng với người khác, không bao giờ tức giận.
Mọi người thường có câu “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, các nghiên cứu cũng cho thấy, sự vui vẻ lạc quan sẽ giúp cuộc sống trở nên ý nghĩa và gia tăng tuổi thọ.
Trong gia đình, cụ thường xuyên chơi cùng các cháu, các chắt của mình. Mọi người trong nhà đều trở thành những người bị cụ trêu chọc. Vì vậy, gia đình này luôn luôn tràn ngập tiếng cười.
Cụ có sở thích giành đồ chơi của chắt, cụ còn là người có tính tò mò những điều mới mẻ và không ngừng cố gắng. Cụ thử sức với việc lái xe hai bánh, rồi từ xe hai bánh lên xe ba bánh, sau này cụ còn muốn lái thử ô tô, cụ cầm vô lăng mà vui sướng không muốn bỏ xuống.
Trong số sáu người con của cụ Lâu, người con trai lớn năm nay hơn 80 tuổi, người con út hơn 70 tuổi nhưng sức khỏe của họ không bằng cụ.
Chăm chỉ làm việc
Sau khi chồng mất, mọi gánh nặng đổ dồn lên đôi vai của cụ. Ban ngày, cụ giúp người khác xay lúa mì, lấy số cám còn sót lại để về nhà làm thức ăn, ban đêm, khi các con đã ngủ, cụ lại quay sợi, dệt vải trong ánh đèn dầu mờ ảo. Bằng cách này, cụ đã vực dậy gia đình tan vỡ của mình và nuôi dạy bốn con trai và hai con gái thành người.
Cuộc sống khó khăn khiến cụ hình thành thói quen chăm chỉ và tiết kiệm. Ngay cả khi đã già, cụ vẫn giúp đỡ con cháu bằng cách làm các công việc khác nhau như tưới rau, vác cuốc, xách nước. Mắt cụ còn sáng tới mức có thể xâu kim.
Trong sân nhà cụ có một chiếc cối xay kiểu cũ dùng được để xay đậu, cụ nói: “Xay không chỉ có thể rèn luyện sức khỏe mà các loại hạt xay bằng tay cũng thơm hơn”. Ban đầu, mọi người trong nhà không đồng ý cho cụ lao động chân tay khi tuổi đã cao, nhưng cụ nói: “Các con không cho mẹ làm, mẹ sống có ý nghĩa gì?”. Dần dần, người nhà cũng lựa theo tính cách của cụ, để cụ làm những công việc tay chân vừa sức.
Cuộc sống hàng ngày của cụ Lâu rất đơn giản - ăn uống rất nhẹ nhàng và không bao giờ kén chọn đồ ăn. Ngày nào cụ cũng ngủ cho đến khi thức dậy một cách tự nhiên, sau đó chơi đùa cùng con cháu và trò chuyện với hàng xóm.
Bình luận