Đó chính là vua Lê Uy Mục (1488-1509), tên húy là Lê Tuấn. Ông là con thứ hai của vua Lê Hiến Tông, anh trai của vua Lê Túc Tông.
Sau khi vua Lê Hiến Tông qua đời, em trai của Lê Tuấn là Lê Thuần lên ngôi, lấy hiệu là Lê Túc Tông. Nhưng vì yểu mệnh, Lê Túc Tông sớm qua đời sau khi đăng cơ không bao lâu. Trước khi qua đời, Lê Túc Tông có ý đưa anh trai Lê Tuấn trở thành người kế vị.
Tuy nhiên điều này bị Thái hoàng Thái hậu phản đối, vì cho rằng Lê Tuấn là con của tì nữ, không xứng đáng với ngai vàng. Không bao lâu sau, Thái hậu bị một số đại thần thuộc phe ủng hộ sự đăng cơ của Lê Tuấn lừa cho ra khỏi thành, bên trong thành họ nhanh chóng sắp xếp đưa Lê Tuấn lên ngôi.
Lê Tuấn lên ngôi, lấy hiệu là Lê Uy Mục, trở thành vị vua thứ 8 của nhà Lê Sơ. Trái với mong đợi của dân chúng về vị vua “hiền minh, nhân hiếu”, Lê Uy Mục dần bộc lộ rõ bản chất "hôn quân bạo chúa". Hành vi tàn ác vô đạo đầu tiên của ông chính là giết bà nội, tức là Thái hoàng Thái hậu vì vẫn còn ghim mối hận bà cản ông lên ngôi.
Tiếp bước, hàng chục thân vương là các chú và anh em, công thần cũng không toàn mạng sống dưới tay Lê Uy Mục.
Sau khi lên ngôi, Lê Uy Mục không chăm lo chính sự, hằng đêm cùng cung nhân, phi tần uống rượu, say sưa rồi hành lạc vô độ. Khi say, Lê Uy Mục sẵn sàng giết luôn cả cung nhân vừa được mình ôm ấp, gần gũi. Triều chính rơi vào tay ngoại thích và hoạn quan, cung đình bị nhơ nhuốc.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Vua thích uống rượu, hay giết người, hiếu sắc, làm oai, giết hại người tôn thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại chuyên quyền, trăm họ oán giận, người đời gọi là Quỷ vương, điềm loạn hiện ra từ đấy".
Sự tàn bạo, độc ác không có giới hạn của vua Lê Uy Mục gây nên làn sóng bất bình trong dân chúng và trong hàng ngũ quan lại, dòng dõi họ Lê lúc bấy giờ.
Năm 1509, Giản Tu Công Lê Oanh, em con chú của vua Lê Uy Mục phất cờ nổi dậy ở Tây Đô (Thanh Hóa), dẫn binh tràn vào kinh thành, phế truất và bắt giam vua Lê Uy Mục. Sau đó bắt Lê Uy Mục uống thuốc độc tự sát. Xác vua bị nhét vào súng thần công, đem bắn cho tan nát, chỉ lấy ít tro tàn về chôn, đồng thời giáng làm Mẫn Lệ Công.
Bình luận