Đó chính là vua Trần Dụ Tông (1336-1369), tên húy là Trần Hạo, là hoàng đế thứ 7 của triều đại nhà Trần.
Trần Dụ Tông lên ngôi vua năm 1341, khi mới 5 tuổi, lấy niên hiệu là Thiệu Phong. Thời gian đầu khi vua nối ngôi, mọi việc triều chính vẫn do Thái thượng hoàng Trần Minh Tông lo liệu. Tới năm 1357, khi Trần Minh Tông mất, Trần Dụ Tông mới chính thức nắm quyền triều chính.
Trong giai đoạn đầu làm vua, Trần Dụ Tông làm được nhiều việc có ích, nhưng sau lười nhác chính sự, chỉ thích ăn chơi hưởng lạc, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào một đêm mùa Hạ, tháng 6 năm Bính Ngọ (1366), vua ngự thuyền nhỏ đến chơi nhà Thiếu úy Trần Ngô Lang ở hương Mễ Sở, đến canh ba mới về. Khi về đến sông Chữ Gia (khúc sông ở bãi Chử Xá, Khoái Châu, Hưng Yên), bị trộm mất ấn tín và gươm báu. Vua tự biết không thể sống lâu, càng chơi bời quá độ.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Tháng 10 năm Qúy Mão (1363), Trần Dụ Tông sai đào hồ ở vườn ngự trong hậu cung. Trong hồ xếp đá làm núi, bốn mặt đều khai ngòi cho chảy thông nhau. Trên bờ hồ trồng tùng, trúc, thông, tre và các thứ hoa thơm cỏ lạ. Lại nuôi chim quý, thú lạ trong đó.
Phía Tây hồ trồng hai cây quế, dựng điện Song Quế, lại gọi tên điện là điện Lạc Thanh, tên hồ là hồ Lạc Thanh. Lại đào riêng một hồ nhỏ khác, sai người ở Hải Đông chở nước mặn chứa vào đó, đem các thứ hải vật như đồi mồi, cua, cá nuôi ở trong hồ. Lại sai người Hóa Châu chở cá sấu đến thả vào. Lại có hồ Thanh Ngư để thả cá thanh phụ (cá diếc). Đặt chức khách đô để trông coi".
Dù pháp luật nhà Trần quy định xử rất nghiêm tội đánh bạc, Trần Dụ Tông vẫn tổ chức đánh bạc ngay tại cung điện. Nhà vua ăn chơi tới độ bị các sử gia đương thời nhận xét là "vua phương Bắc ăn chơi cũng không bằng".
Cũng vì ăn chơi nên sức khỏe của vua Trần Dụ Tông ngày càng suy kiệt. Ông mất vào năm Kỷ Dậu 1369, hưởng dương 33 tuổi, tổng cộng ở ngôi được 28 năm.
Bình luận