• Zalo

Vị vua nào 2 tuổi lên ngôi, 2 năm sau bị ông ngoại chiếm mất ngai vàng?

Hỏi - ĐápThứ Tư, 11/09/2024 08:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Lên ngôi khi mới 2 tuổi, tại vị chỉ được 2 năm, vị vua này đã bị ông ngoại chiếm mất ngai vàng.

Đó chính câu chuyện của vua Trần Thiếu Đế, tên húy Trần An, là vị hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Trần trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Ông là con trưởng của vua Trần Thuận Tông và hoàng hậu Lê Thánh Ngâu - con gái lớn của Hồ Quý Ly. Ông lên ngôi năm 1398 khi mới 2 tuổi, trẻ nhất trong các vua nhà Trần, cũng là người tại vị ngắn nhất. Bởi chỉ sau 2 năm, Trần Thiếu Đế bị chính ông ngoại mình là Hồ Quý Ly ép phải nhường ngôi báu.

Trần Thiếu Đế lên ngôi khi mới 2 tuổi, sau 2 năm bị chính ông ngoại chiếm mất ngai vàng. (Ảnh minh hoạ)

Trần Thiếu Đế lên ngôi khi mới 2 tuổi, sau 2 năm bị chính ông ngoại chiếm mất ngai vàng. (Ảnh minh hoạ)

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 2/1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi vua Trần Thiếu Đế, xưng là Thánh Nguyên, lập con trai tên Hán Thương làm thái tử. 

"Tháng 2 ngày 28, Quý Ly bức vua nhường ngôi và buộc người tôn thất, các quan 3 lần dâng biểu khuyên lên ngôi. Quý Ly giả vờ cố tình từ chối nói: Ta sắp xuống lỗ đến nơi rồi, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới đất nữa? Rồi tự lập làm vua, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên... Hồ Quý Ly phế vua làm Bảo Ninh Đại Vương, vì vua là cháu ngoại nên không giết", sách Đại Việt sử ký toàn thư viết.

Trước đó, Hồ Quý Ly là quan của nhà Trần, được vua Trần Nghệ Tông rất trọng dụng. Ông thao túng triều chính, xúi vua giết những người không phục tùng mình.

Năm 1394, khi vua Trần Nghệ Tông mất, Hồ Quý Ly càng tỏ rõ ham muốn chiếm ngôi. Ông ép con rể là vua Trần Thuận Tông đi tu rồi sai người giết chết. Trần Thiếu Đế được sắp xếp lên ngôi, sau 2 năm thì bị họ Hồ chiếm ngôi. 

Những hành động của Hồ Quý Ly bị người đời lên án, triều Hồ cũng vì thế mà không được lòng dân, sớm bị diệt vong sau 7 năm tồn tại.

Kim Nhã
Bình luận
vtcnews.vn