Ông chính là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật (1255-1330), con trai thứ sáu của vua Trần Thái Tông.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Kỷ Hợi (1239), vua Trần Thái Tông đi tuần du qua phủ Thiên Trường gặp cô gái trẻ tên là Vũ Thị Vượng, nhan sắc tuyệt trần, nổi tiếng cả vùng vừa đẹp người lại đẹp nết. Thấy cô gái ứng đối thông minh, hiểu biết sâu rộng, giỏi nghề nông nên vua rất quý mến.
Vua cho làm lễ, đón Vũ Thị Vượng về cung, lập Cung phi thứ năm, hiệu là Vũ phi. Bà chính là mẹ của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật.
Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, một đêm Vũ phi nằm mộng thấy ngôi sao lớn từ trên không rơi xuống giường nằm của mình, từ đấy bà có mang. Đến giờ Ngọ ngày 10 tháng 4 năm Ất Mão (1255) sinh một hoàng tử, dung mạo khác thường, trên tay có bốn chữ "Chiêu Văn đồng tử". Vua Trần Thái Tông lấy đó mà đặt tên là Trần Nhật Duật, lại phong hiệu cho ông là Chiêu Văn vương.
Ngoài 20 tuổi, Trần Nhật Duật được triều đình giao đặc trách những công việc về các dân tộc có liên quan. Có lần tiếp xúc với sứ thần nhà Nguyên, ông vui vẻ, tự nhiên trò chuyện suốt một ngày, khiến sứ Nguyên cho rằng Nhật Duật là người Hán ở Chân Định (nước Triệu cũ) đang làm quan bên Đại Việt.
Vào thời vua Trần Nhân Tông, một lần sứ giả nước Sách Mã Tích (tên cổ của Singapore) sang cống, nhưng triều đình không tìm được người phiên dịch. Cả thành Thăng Long chỉ có mình Trần Nhật Duật dịch được và nói chuyện trôi chảy bằng thứ ngôn ngữ lạ với sứ giả nước bạn.
Tài ngoại ngữ của Trần Nhật Duật khiến vua Nhân Tông rất thán phục. Có lần vua còn nói đùa: "Chiêu Văn vương có lẽ không phải người Việt mà là hậu thân giống Phiên, Man" (chỉ các dân tộc lân bang ở vùng Đông Nam Á thời đó).
Cũng nhờ giỏi ngoại ngữ, Trần Nhật Duật từng thu phục lĩnh quân nổi loạn Trịnh Giác Mật ở Đà Giang, quy tụ được không ít người Tống (Trung Quốc) lưu vong ở Đại Việt tình nguyện chiến đấu dưới trướng của ông khi cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai nổ ra.
Về tài ngoại ngữ của Trần Nhật Duật, sách Danh tướng Việt Nam có viết: "Trần Nhật Duật nổi tiếng hiểu nhiều biết rộng. Ngoài việc thông thạo nhiều ngoại ngữ, ông còn hiểu biết sâu rộng các nước láng giềng. Học tiếng Tống, tiếng Chiêm Thành, Nhật Duật chẳng những sử dụng thông thạo các ngôn ngữ ấy mà còn tìm hiểu nhiều mặt của các nước đó. Với các dân tộc trong nước, Nhật Duật không những hiểu tiếng mà còn hiểu cả tâm tư người khác".
Ông cũng chính là người chỉ huy quân đội nhà Trần đánh tan đội quân của Toa Đô ở cửa Hàm Tử năm 1285 mà theo Đại Việt sử ký toàn thư, "công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả".
Không chỉ là tướng tài giỏi quân sự, giỏi ngoại ngữ, Trần Nhật Duật còn say mê âm nhạc. Ông sáng tác nhiều khúc nhạc, lời ca, điệu múa.
Sách Lịch triều hiến chương loại chí ghi: "Ông là đấng thân vương quý hiển, làm quan trải thờ bốn đời vua, ba lần lãnh chức đứng đầu các trấn lớn. Nhà ông không ngày nào mà lại không có cuộc hát xướng. Người ta ví ông với Quách Tử Nghi đời nhà Đường (của Trung Quốc) vậy".
Phụng sự 4 đời vua Trần là Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông và Minh Tông, Trần Nhật Duật được phong là Đại vương vào năm 1329. Ông mất vào năm 1330, thọ 75 tuổi.
Tài năng, đức độ, sự nghiêm minh, ngay thẳng của Trần Nhật Duật cũng như các tướng văn, võ trong thân tộc nhà Trần góp phần không nhỏ vào sự tồn tại và hưng thịnh của Đại Việt lúc bấy giờ.
Bình luận