• Zalo

Vị tướng nổi danh sử Việt 'ném đao đến đâu vua ban đất đến đó'

Hỏi - ĐápThứ Ba, 10/12/2024 10:40:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đây là một danh tướng thời Lý, được xem như công thần, hết mình phụng sự đất nước.

Người được nhắc đến chính là Lê Phụng Hiểu (982 - 1059) quê ở xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Tương truyền thời trẻ, nhà nghèo nên Lê Phụng Hiểu hay phải vào rừng kiếm củi ở núi Băng Sơn, còn gọi là núi Bưng. Ông có sức khỏe phi thường nên đi đấu vật trong vùng không ai địch nổi. Dân làng còn truyền nhiều chuyện về sức mạnh của ông như lần lượt đánh chết cả năm con hổ dữ làm ổ trên núi, quấy nhiễu dân trong vùng...

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, trong dịp đi tuần tra khu vực Thanh - Nghệ, vua Lý Thái Tổ nghe danh và tuyển ông về kinh, sung vào đội cận vệ. Tại kinh thành, ông không những nổi tiếng võ nghệ cao cường, sức mạnh vô địch mà còn để lại danh thơm như từng được chép trong cổ sử: Trung thành hết lòng, biết điều gì nói luôn không giấu.

Được vua tin cậy, ông được thăng chức Vũ Vệ tướng quân. Chính vì vậy vua Lý Thái Tổ trước khi mất ủy thác trông coi việc Thái tử Lý Phật Mã lên kế nghiệp để nước nhà được yên ổn. 

Danh tướng Lê Phụng Hiểu. (Ảnh minh hoạ)

Danh tướng Lê Phụng Hiểu. (Ảnh minh hoạ)

Sau khi vua Lý Thái Tổ mất, ba vương khác (con trai vua) là Võ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương đem quân vây hãm Cấm Thành hòng tranh quyền đoạt vị với Khai Thiên Vương (Thái tử Lý Phật Mã, nguyên được vua cha yêu mến, lập nhiều chiến công, là người được chọn kế vị ngai vương).

Lúc ấy, Lê Phụng Hiểu rút gươm sáng, chạy đến cửa Quảng Phúc thét lớn: “Các hoàng tử muốn tranh ngôi báu, không nghĩ đến Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, Phụng Hiểu xin dâng các ngài nhát kiếm này”. Tức thì, chém chết Vũ Đức Vương, Đông Chính vương và Dực Thánh vương xô nhau chạy thoát.

Dẹp xong loạn thế Tam vương, Phụng Hiểu chạy đến bên Phật Mã. Thái tử vui mừng, ca ngợi lòng trung thành, sự gan dạ hiếm thấy của ông. Sau khi lên ngôi, lấy hiệu là Lý Thái Tông, vua phong ông là Đô Thống Thượng tướng quân, tước hầu. Ông sống hết lòng trung thành với vua, biết điều gì có lợi cho dân cho nước đều bàn với vua.

Năm 1044 đời vua Lý Thánh Tông, bên ngoài biên giới quân Chiêm Thành đang ra sức bóc lột, hà hiếp dân ta. Lê Phụng Hiểu được cử làm tướng tiên phong. Trong trận đánh quân Chiêm Thành tại cửa Đại Chiêm, vào sông Ngũ Bồ (sông Thu Bồn), ông chỉ huy quan xông trận chém giết rất nhiều quân Chiêm, thu về nhiều voi trận. 

Do lập nhiều công lao hiển hách, Lê Phụng Hiểu được nhà vua ban thưởng. Xét thấy quyền lực, bạc vàng đều là phù du, ông liền nói với vua: “Thần không muốn thưởng tước, cũng không dám tham lam công khố, chỉ xin cho về ở núi Băng Sơn, ném dao lớn đi xa, dao rơi đến chỗ nào trong đất công thì xin ban cho làm sản nghiệp”.

Được vua đồng ý, Lê Phụng Hiểu về quê, đứng trên ngọn núi Bưng, ông phóng ngọn đao xa đến hơn mười dặm (khoảng 4,5km), rơi xuống thôn Đa Mỹ. Vua đã cho đo đất ban số ruộng ấy gồm 100 mẫu và miễn thuế cho số ruộng này. 

Sau khi Lê Phụng Hiểu mất (thọ 77 tuổi), nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ để ghi nhớ công lao của ông.

Kim Nhã
Bình luận
vtcnews.vn