Đó là vua Hiệp Hòa (1846-1883), vị vua thứ 6 của vương triều Nguyễn. Ông là con trai út của vua Thiệu Trị, tên húy là Nguyễn Phúc Hồng Dật.
Theo sử liệu, năm 1883, vua Dục Đức bị phế và chết trong tù. Các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đưa ông lên làm vua. Khi đình thần đến xóm Kim Long đón, Hồng Dật nhất định thoái thác nhưng vẫn bị dùng vũ lực ép đưa về cung, lên ngôi ngày 30/7/1883, lấy hiệu Hiệp Hoà.
Từ khi lên ngôi, vua Hiệp Hòa đã có biểu hiện muốn chống lại sự chuyên quyền của hai vị phụ chính đại thần. Ông tìm cơ hội để tước bớt quyền lực của họ.
Sách Việt Nam sử lược chép: "Trong Huế thì vua Hiệp Hòa cũng muốn nhận chính sách bảo hộ để cho yên ngôi vua, nhưng các quan có nhiều người không chịu, và lại thấy Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chuyên chế thái quá, muốn dùng kế mà trừ bỏ đi, bèn đổi Nguyễn Văn Tường sang làm Binh bộ Thượng thư, Tôn Thất Thuyết làm Lại bộ Thượng thư, để bớt binh quyền của Tôn Thất Thuyết".
Tại vị được bốn tháng thì vua Hiệp Hòa nhận được mật sớ của hai cận thần, xin giết Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Vua liền phê vào sớ: “Giao cho Trần Khanh phụng duyệt”, xong bỏ vào tráp sai thái giám mang đến nhà Trần Tiễn Thành, nhưng bị Tôn Thất Thuyết phát hiện.
Hai quyền thần cho mời các đại thần đến cùng hạch tội vua Hiệp Hòa, sau đó vào cung Diên Thọ xin ý chỉ của Hoàng thái hậu về việc phế truất, đồng thời cho 50 lính vào điện Càn Thành bắt Hiệp Hòa phải tự xử theo lệ Tam ban triều điển.
Mãi đến đêm khuya, vua Hiệp Hoà mới biết sự biến, liền sai thái giám Trần Đạt đem chiếu nhường ngôi tới và xin được trở về phủ cũ. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường giả vờ nhận lời, cho người đem võng đưa vua và cung phi về phủ ở Phú Xuân, song lại bí mật dặn Ông Ích Khiêm và Trương Văn Đễ đón ở cửa Hiểu Nhân, chặn đường vua đưa đến nhà Hộ Thành, ép uống thuốc độc tự tử.
Sách Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành của tác giả Đào Duy Từ có ghi chép về sự kiện này như sau: "Ích Khiêm và Văn Để đưa cho Hiệp Hòa một thanh gươm, một dải lụa điều và một chén thuốc độc, yêu cầu vua chọn cái chết cho mình. Thấy vua do dự, Ích Khiêm ép đổ thuốc độc vào miệng vua và bóp mũi để bắt vua phải nuốt.
Đúng vào lúc đó, đề đốc Trần Xuân Soạn mang lệnh của Tôn Thất Thuyết bảo phải làm nhanh, người ta sợ người Pháp can thiệp để giải thoát vua. Ông Ích Khiêm đã kết liễu mạng sống nạn nhân bằng ba thanh gỗ đập vào cổ họng, ngực và bụng".
Ngày 29/11/1883, vua Hiệp Hòa mất sau 4 tháng tại vị, thọ 36 tuổi, thi thể được giao cho phủ Tôn Nhân chôn cất theo nghi thức Quốc công. Vì là phế đế nên vua không được thờ trong Thế Miếu.
Bình luận