VTC News đã phỏng vấn Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa về nguyên nhân thực trạng này.
- Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được ban hành từ năm 2010. Tuy nhiên, trên thực tế người tiêu dùng hiện vẫn chịu thiệt thòi nếu xảy ra những khúc mắc về chất lượng sản phẩm cũng như những tranh chấp khác. Theo ông nguyên nhân vì sao?
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong quá trình sử dụng hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp; Được cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ; Được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa dịch vụ không đúng với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; Được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.
Với những quy định trên, về cơ bản, quyền lợi của người tiêu dùng đã được pháp luật quy định bảo vệ đầy đủ, rõ ràng và cụ thể. Tuy nhiên, trong thực tế không phải lúc nào quyền của người tiêu dùng được các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị hay cá nhân thực thi đúng luật. Nguyên nhân là việc “lạm dụng từ ngữ” để quảng cáo cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ vẫn còn xảy ra ở nhiều lúc, nhiều nơi. Không khó để tìm kiếm trên thị trường những sản phẩm hàng hóa tự dán những dòng chữ “chất lượng hàng đầu” hay “sản phẩm số 1” lên nhãn, mặc dù chưa có tổ chức nào công nhận và không ai có thể kiểm chứng.
Có thể nói đây là hình thức quảng cáo theo kiểu “lập lờ” nhằm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Đặc biệt đối với một số sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, với những lời quảng cáo “có cánh”, còn làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh. Chính thực trạng này khiến người tiêu dùng mất cảnh giác nên dễ bị trục lợi, xâm hại.
Bên cạnh đó, mặc dù quyền của người tiêu dùng về bảo hành hàng hóa đã được luật pháp quy định nhưng lại chưa phân định rõ ràng loại hàng hóa nào phải bắt buộc bảo hành. Chính vì thế trong thực tế, trừ một số loại hàng hóa đặc biệt như ô tô, xe máy và một vài sản phẩm hàng hóa điện tử viễn thông được doanh nghiệp bán hàng quan tâm thực hiện, phần còn lại hầu như đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng mà không lo bị chế tài nào xử phạt.
Đây có thể xem là một lỗ hổng pháp lý rất lớn trong việc điều chỉnh quan hệ xã hội về thương mại mà phần thiệt thòi luôn thuộc về người sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
-Vậy người tiêu dùng biết trông cậy vào ai để bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình?
Hiện nay, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam. Việc sửa đổi luật lần này là để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tăng cường hiệu quả thực thi của các cơ quan chức năng, đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy vai trò, chức năng nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, để có sức mạnh, mỗi khi có tranh chấp giữa người tiêu dùng với nhà sản xuất hay người bán hàng, cung cấp dịch vụ thì có điều kiện để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, giúp cho các hoạt động vì quyền lợi của người tiêu dùng thực sự phát huy hiệu quả.
- Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần phải làm gì để tự bảo vệ, tránh thua thiệt?
Đối với người tiêu dùng, tôi cho rằng bản thân họ phải là người tiêu dùng thông minh, lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp có uy tín, nói không với hàng hóa vi phạm, đặc biệt là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Khi mua hàng hóa, người tiêu dùng cần nêu cao cảnh giác, yêu cầu bên bán cung cấp hóa đơn; cam kết thu hồi, bồi thường trong trường hợp hàng hóa có lỗi, hàng không hoàn chỉnh, hàng khuyết tật. Đối với loại hàng hóa có bảo hành, phải yêu cầu bên bán hàng cam kết thực hiện đầy đủ quy định về bảo hành hàng hóa như: điều kiện bảo hành, thời hạn bảo hành, địa điểm bào hành và thủ tục bảo hành.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần lên tiếng kịp thời mỗi khi phát hiện những vi phạm của doanh nghiệp sản xuất hay nơi cung cấp hàng hóa, dịch vụ, để cơ quan chức năng nắm được thông tin và vào cuộc điều tra, xử lý vi phạm nếu có theo quy định pháp luật.
- Còn trách nhiệm của các doanh nghiệp với người tiêu dùng là gì?
Ở nhiều nước, các doanh nghiệp rất có ý thức trong việc bảo vệ thương hiệu sản phẩm, uy tín của mình. Ví dụ, khi nhận được phản ánh của người tiêu dùng về những sản phẩm kém chất lượng hoặc "dính" lỗi, họ sẽ lập tức thu hồi sản phẩm, thậm chí, khi đã bán rộng rãi cho người tiêu dùng rồi, họ vẫn tiếp tục tìm cách thu hồi một cách công khai, bồi thường cho người tiêu dùng và nhận lỗi với người tiêu dùng.
Trong lần sửa đổi luật này, chúng ta có ban hành quy định mới đối với hàng có lỗi là phải thu hồi. Trong trường hợp để người tiêu dùng mua phải, sử dụng sản phẩm lỗi đó mà ảnh hưởng đến sức khoẻ, ảnh hưởng đến quyền lợi thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm xử lý.
Ngoài ra, có thể nhận thấy, ở trong nước, thực tế là có nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất biết hàng kém chất lượng vẫn tung ra thị trường, thậm chí còn lén lút bán hàng giả, hàng nhái. Điều này không phải người tiêu dùng nào cũng phân biệt được, phải đến khi cơ quan chức năng vào cuộc mới công khai sự việc.
Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trước tiên là ảnh hưởng đến chính thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, cung cấp đó. Sau đó là dẫn đến việc người tiêu dùng tin tưởng hàng hoá nước ngoài hơn, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước, tác động xấu đến nền kinh tế. Do vậy, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Thông tin trung thực về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; Có trách nhiệm trong giao dịch với người tiêu dùng và đặc biệt là cần có các chính sách chăm sóc khách hàng phù hợp.
Thời gian qua, hoạt động tư vấn, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã được Bộ Công Thương, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng rất quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Đặc biệt, trong hai năm gần đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiến hành nâng cấp, hoàn thiện và mở rộng kết nối hệ thống Tổng đài Tư vấn, Hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 (Tổng đài 1800.6838) tới nhiều tỉnh, thành phố, các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức liên quan trong cả nước, nhờ đó công tác này của năm 2021 đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.
Hiện nay, các phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng đã được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp nhận thông qua đa dạng các phương thức, như qua Tổng đài 1800-6838; qua Thư điện tử (tại địa chỉ: [email protected]); qua Website (Hệ thống tiếp nhận yêu cầu, khiếu nại trực tuyến của người tiêu dùng http://khieunai.bvntd.gov.vn) và qua đường Bưu điện, Công văn trực tiếp.
Năm 2021, Cục đã ghi nhận hơn 13.000 cuộc gọi với người tiêu dùng trên đa dạng các lĩnh vực. Hầu hết các vụ việc này đều được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và các cơ quan, tổ chức có liên quan hỗ trợ và giải quyết hiệu quả, thành công, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và xã hội đối với hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam.
Bình luận